Những biện pháp mạnh để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm xáo trộn nhiều thói quen sinh hoạt trong đời sống của người dân, đồng thời tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường.
Những biện pháp mạnh để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm xáo trộn nhiều thói quen sinh hoạt trong đời sống của người dân, đồng thời tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường. Trong đó, để hạn chế tụ tập đông người, suốt một thời gian dài, việc tạm đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ tự phát… đã gây không ít xáo trộn về phân phối hàng hóa. Một trong những “hiện tượng” dễ thấy nhất trong đợt dịch là “người người, nhà nhà bán hàng thiết yếu”. Khá nhiều điểm kinh doanh tự phát mọc lên, nhiều người tham gia vào hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế…
Thực tế cho thấy, ngay cả sau khi dừng giãn cách xã hội, cuộc sống quay lại nhịp bình thường, thì có vẻ như thị trường hàng hóa vẫn chưa trở lại như xưa. Những hình thức cung ứng hàng hóa phổ biến thời giãn cách vẫn tồn tại: nhiều người bán sách “xoay” sang bán thức ăn; quán nhậu bán thêm rau, củ, quả; quán nước bán kèm cồn sát khuẩn và khẩu trang y tế… Nhiều “sạp thịt vỉa hè”, “hàng cá lề đường” cũng mọc lên dày đặc.
Xét về tính tiện lợi của việc nở rộ các điểm bán lẻ hàng hóa này thì có thể thấy ngay: dễ mua, dễ bán. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc xoay xở bán món này món kia để bù đắp thu nhập gia đình hay bổ sung doanh thu nhằm trang trải chi phí cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một thực tế là việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, hạn sử dụng, thu thuế, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa nguyên vật liệu… gần như bị thả lỏng vì ngay cả khi muốn kiểm soát chặt chẽ hơn, cơ quan chức năng có lẽ cũng không đủ nhân sự để triển khai.
Nhìn lại, trong những bối cảnh đặc biệt như chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh, một số quy định nghiêm ngặt thường ngày có được nới lỏng hơn dù chỉ là sự nới lỏng “ngầm hiểu” giữa người bán - người mua - nhà quản lý. Song cũng cần xác định quan điểm là điều này không nên kéo dài khi mọi thứ đã dần trở lại bình thuờng. Về nguyên tắc, khi một người bán nào muốn bán một món hàng/dịch vụ gì đó, họ phải thực hiện nghiêm các quy định cơ bản: đóng đầy đủ các loại thuế, đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, nhãn mác, hạn sử dụng, các cam kết về an toàn cho người mua khi sử dụng… Tuy nhiên, với bối cảnh “nhà nhà bán hàng” như hiện nay, e rằng các quy tắc này đang bị buông lỏng. Ngoài ra, sự nở rộ bán hàng trực tuyến cũng đặt ra các vấn đề tương tự, cần sự quan tâm và đề ra giải pháp quản lý hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng.
Quan điểm “sống chung an toàn với dịch bệnh” hiện đã trở thành quan điểm chính của nhiều địa phương trong giai đoạn này, trong đó có Đồng Nai. Do đó để “sống chung an toàn”, cần tạo ra những môi trường kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ tiện lợi nhưng không buông lỏng quản lý. Mục đích là vừa đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa và đảm bảo các nghĩa vụ thuế nhằm duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Vi Lâm