Đồng Nai có 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 600 ngàn người là công nhân khu công nghiệp. Do nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu nên đa số công nhân phải thuê nhà trọ.
Đồng Nai có 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 600 ngàn người là công nhân khu công nghiệp. Do nhà ở xã hội không đáp ứng đủ nhu cầu nên đa số công nhân phải thuê nhà trọ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng thăm hỏi tình hình đời sống của người lao động tại một khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Hòa |
Các nhà trọ phần lớn còn thiếu các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh dẫn đến nguy cơ lây lan rất cao. Song do có giá thuê phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân nên các nhà trọ vẫn thu hút được nhiều người lao động (NLĐ).
* Phòng trọ không đủ chuẩn
Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 20 ngàn cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150 ngàn phòng, đáp ứng cho 450 ngàn NLĐ thuê. Thực tế, phần lớn các khu nhà trọ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ, môi trường, an ninh...
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều ca nhiễm tập trung nhiều tại xã Thạnh Phú, nơi có hàng chục ngàn công nhân lưu trú trong các khu nhà trọ. Các khu nhà trọ mật độ dân cư đông đúc là nguyên nhân lây nhiễm kéo dài. Có những khu nhà trọ xét nghiệm rất nhiều lượt vẫn còn F0.
Nhằm có thêm cơ sở đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư xây dựng chương trình phát triển nhà ở xã hội cho NLĐ; có chính sách về nhà ở cho công nhân thuê hoặc thuê mua phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân… mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức khảo sát nhu cầu về nhà trọ, đời sống, tiền lương, thu nhập, thực trạng nhà ở hiện này và nhu cầu về nhà ở của NLĐ tại một số doanh nghiệp. Theo kế hoạch, LĐLĐ tỉnh sẽ thực hiện khảo sát khoảng trên 500 công nhân lao động tại 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Điển hình như khu nhà trọ của ông L.N.N., xã Thạnh Phú có gần 80 phòng. Các căn nhà trọ được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách phòng đối nhau khoảng tầm hơn 1m. Ban đầu chỉ có một vài ca mắc sau đó lan rộng ra toàn khu nhà trọ.
Thực trạng này cũng diễn ra tại những địa phương tập trung đông công nhân ở trọ tại các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Do đó, trong cao điểm của dịch bệnh, tỉnh đã phải tổ chức di dời hàng ngàn người dân tại đây để hạn chế nguy cơ lây lan.
Mặt khác, theo chia sẻ của nhiều công nhân lao động, từ khi đại dịch Covid-19 đợt thứ 4 bùng phát mạnh, họ phải cách ly suốt nhiều tháng liền trong phòng trọ. Điều kiện nhà trọ chật chội khiến NLĐ cảm thấy rất bí bách, ngột ngạt. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc hàng chục ngàn công nhân bất chấp nguy hiểm để chạy xe hàng ngàn km về quê tránh dịch.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp thiếu hụt lao động, khó tuyển dụng là do hàng chục ngàn NLĐ trước đây về quê tránh dịch vẫn chưa trở lại. Một trong những nguyên nhân là họ còn lo lắng về tình hình dịch bệnh, trong khi điều kiện sống tại các khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện, an toàn. Hiện tỉnh vẫn đang nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ đưa đón NLĐ trở lại Đồng Nai làm việc…
* Siết chặt quản lý các khu nhà trọ
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhiều lần nhấn mạnh, các khu nhà trọ xây dựng trái phép với điều kiện sinh hoạt kém, không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định, rất dễ làm lây lan dịch bệnh và gây nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, tỉnh sẽ siết chặt quản lý các khu nhà trọ, dự án nào xây dựng khu nhà trọ công nhân phải có quy chuẩn rõ ràng, không thể để mật độ nhà trọ dày đặc ở các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, phòng ốc không bảo đảm các tiêu chí tối thiểu như hiện nay.
Phần lớn các phòng trong khu nhà trọ đều được xây dựng san sát, đối diện nhau với khoảng cách hẹp dẫn đến nguy cơ lây bệnh cao. Trong hình: Một khu nhà trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa |
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương thành lập ngay các đoàn kiểm tra các khu nhà trọ xây dựng trái phép, không đảm bảo các yêu cầu theo quy định để có biện pháp xử lý khắc phục triệt để, kịp thời. Trong đó, yêu cầu, bên cạnh việc kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất phải kết hợp với kiểm tra các yêu cầu về phòng chống dịch đối với các chủ nhà trọ và người ở trọ, trách nhiệm quản lý các khu nhà trọ của UBND xã, phường, thị trấn.
Tại hội nghị bàn về nội dung chất vấn và trả lời chất chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh tới đây, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, hiện nay, phần lớn công nhân lao động phải ở trong khu nhà trọ đông đúc, chật hẹp, xuống cấp, thiếu không gian sinh hoạt, dễ lây lan dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân đó là do công nhân lao động và người có thu nhập thấp có nhu cầu về nơi ở nhưng chưa tiếp cận được để thuê, mua nhà giá rẻ. Chính vì vậy, các đại biểu đều thống nhất đề nghị tại kỳ họp lần này, cần đưa vào nội dung chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện, thành phố có đông công nhân lao động.
Ông NGUYỄN QUANG KHẢI, Tổ trưởng Tổ nhà trọ văn minh thân thiện không có tệ nạn xã hội của Hội Cựu chiến binh xã Sông Trầu (H.Trảng Bom): Tích cực tuyên truyền, hỗ trợ công nhân Là một chủ nhà trọ, tôi luôn mong muốn nhà trọ không chỉ là nơi ở trọ tạm bợ mà còn muốn tạo dựng ở đó một môi trường sống an toàn, lành mạnh giúp công nhân an tâm làm việc, gắn bó. Đó cũng là lý do mà tôi cũng nhiều chủ nhà trọ khác trên địa bàn thành lập Tổ nhà trọ văn minh thân thiện không có tệ nạn xã hội. Tổ có 26 thành viên. Chúng tôi cũng quan tâm sửa sang, nâng cấp nhà trọ để cải thiện, nâng cao điều kiện sống, tuyên truyền cho công nhân lao động ý thức về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ giảm tiền phòng trọ, hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm cho công nhân trong dịch bệnh. Vừa qua, 26 thành viên trong tổ với tổng số khoảng 300 phòng trọ cho thuê đều giảm tiền phòng 50% cho công nhân. Tổng số tiền phòng hỗ trợ cho công nhân trong suốt nhiều tháng cao điểm dịch bệnh lên tới gần 500 triệu đồng… Công nhân NGUYỄN THỊ KHUYÊN, làm việc tại Khu công nghiệp Long Bình (ở trọ tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa): Mong có nơi ở an toàn, thoáng mát hơn để an tâm gắn bó Công nhân xa quê như chúng tôi vào đây phần lớn là ở trọ. Thu nhập còn khiêm tốn nên khi thuê phòng cũng phải tính toán kỹ càng, cân nhắc giá cả lẫn điều kiện sống tại khu nhà trọ. Khu trọ của tôi có 20 phòng, bên trong khá sạch sẽ, giá cả cũng phù hợp, chỉ có điều là phòng hơi nhỏ và hành lang giữa 2 dãy hơi chật, chỉ tầm hơn 1m. Trước đây, nguy cơ lây bệnh đã rất cao, bây giờ mọi người đều đi làm nên nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn. Ai cũng lo sợ nên đi làm về hầu như ở trong phòng, rất ngột ngạt, bí bách. Tôi chỉ mong Nhà nước, tỉnh hỗ trợ thêm để chúng tôi có căn nhà nhà rộng rãi, thoáng mát, an toàn hơn, giá phải chăng để chúng tôi được thuê hoặc mua trả góp. Từ đó, an tâm làm việc gắn bó với địa phương. |
Thảo Lâm