Giai đoạn hậu giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống truyền thống đã thay đổi chiến lược kinh doanh. Ðó là kết hợp bán tại cửa hàng và giao hàng đến tận nơi. Ðối với các món thông thường, việc phục vụ tận nơi tương đối thuận lợi.
Giai đoạn hậu giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống truyền thống đã thay đổi chiến lược kinh doanh. Ðó là kết hợp bán tại cửa hàng và giao hàng đến tận nơi. Ðối với các món thông thường, việc phục vụ tận nơi tương đối thuận lợi. Tuy nhiên với những món ăn, thức uống cầu kỳ, người bán hàng phải tính toán để không làm mất đi độ ngon của món ăn, không đội chi phí quá nhiều.
Nhân viên giao nhận hàng lấy đồ uống tại cửa hàng trên đường Phạm Văn Thuận, P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.An |
Sự thay đổi này giúp cửa hàng giữ được khách hàng trung thành và tiếp cận khách hàng mới, duy trì và tăng doanh thu.
* Kết hợp cả 2 hình thức: Hướng đi vững chắc
Có lợi thế về địa điểm, mặt bằng và phong cách phục vụ sang trọng, nhà hàng món Trung Biên Hòa (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) tự tin với hình thức phục vụ tại chỗ. Nhưng gần đây, nhà hàng này phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Từ chỗ tập trung vào nhóm khách trẻ và các gia đình có thu nhập khá, nay chuyển sang phân khúc bình dân hơn nhưng có nhu cầu ổn định.
Anh Châu Phong, quản lý nhà hàng cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đảm bảo doanh thu, nhà hàng kết hợp bán tại chỗ và giao hàng tận nơi. Khách có thể đến nhà hàng thưởng thức, mua mang về hoặc vào các ứng dụng của nhà hàng, ứng dụng giao nhận đồ ăn đặt món. Thời gian đầu nhà hàng tự nhận đơn, tự giao hàng thì có hơi bất tiện vì món ăn đến bàn của thực khách không được đẹp mắt như tại nhà hàng, độ nóng và hương vị của món ăn giảm. Nhưng vấn đề này nhanh chóng được khắc phục nhờ các ứng dụng giao nhận, vận chuyển đồ ăn chuyên nghiệp. “Chúng tôi vừa giữ được những khách hàng trung thành vừa tiếp cận được với nhóm khách hàng mới là dân văn phòng, hộ gia đình. Doanh thu các ngày trong tuần tương đối đều thay vì chỉ đông khách vào cuối tuần như trước” - anh Châu Phong chia sẻ.
Nhà hàng hải sản Trang Hào, chợ Long Thành (H.Long Thành) không nhờ đến các ứng dụng giao nhận đồ ăn chuyện nghiệp mà dùng chính nhân viên nhà hàng vì lúc này khách đến quán vẫn ít. Chị Thu Trang, chủ nhà hàng cho biết, lúc trước nhà hàng chỉ bán tại chỗ, khách có thể đến quán ăn hoặc mua mang về nhà. Sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều thực khách chưa muốn đi ăn quán nên nhà hàng kết hợp phục vụ tận nhà. Giá các món đồ ăn đã chế biến giao đến nhà vẫn như giá niêm yết trên thực đơn, nhà hàng chỉ phụ thu 30-50 ngàn đồng/đơn quanh khu vực H.Long Thành. Mỗi nhân viên phụ trách một đơn hàng, xong đơn hàng này mới chuyển sang đơn hàng khác để đảm bảo món ăn tới khách vẫn nóng. Theo chủ nhà hàng, nhờ kết hợp bán tại chỗ và phục vụ tận nơi doanh thu tương đối ổn, nhân viên có việc làm.
Nhiều cửa hàng đồ uống cũng đẩy mạnh dịch vụ ship hàng tận nơi. Chị Trần Kim Anh, chủ tiệm trà sữa nhà làm Molly Milk Tea (P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, chị chỉ bán tại tiệm, việc giao đồ tận nơi có nhưng rất ít và chỉ với khách quen. Nhưng sau giãn cách xã hội, bán buôn ế ẩm, để bù đắp phần nào chi phí mặt bằng, chị chuyển sang nấu trà sữa đóng chai để bán. Hiện chị có khoảng 60-70% doanh thu qua hình thức bán hàng trực tuyến này.
“Thông thường cuối tuần trước tôi đăng thông báo nhận đơn và chốt giao trà sữa vào một ngày cố định trong tuần. Tôi đóng các loại trà sữa vào chai loại 1 lít, bán giá từ 90-120 ngàn đồng/chai tùy loại. Có khi tôi trực tiếp đi giao, có khi tôi gọi shipper. Với hình thức này, khách không phải đi ra ngoài mà còn được mua trà sữa rẻ hơn so với mua ly. Lượng khách hàng ở các công ty tăng đáng kể” - chị Kim Anh chia sẻ.
* Ðôi bên cùng có lợi
Hiện nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống truyền thống đang kết hợp phục vụ tại chỗ và tận nơi. Họ có thể tự nhận đơn, tự giao hàng hoặc hợp tác với các đối tác chuyên nghiệp như: ShopeeFood, GrabFood… để mở rộng đối tượng phục vụ, tăng doanh thu.
Chị Trần Kim Anh đóng trà sữa vào chai lớn bán tận nơi cho khách |
Anh Nguyễn Văn Long, nhân viên giao hàng ShopeeFood chia sẻ, trước đây chỉ các cửa hàng kinh doanh ăn uống lớn hoặc theo hệ thống có tên tuổi mới lên “sàn” thương mại điện tử giao nhận đồ trực tuyến. Tuy nhiên hiện nay, tiệm cơm tấm, quán bún bò, tiệm tạp hóa cũng xuất hiện trên các app. Anh Long cho rằng, nếu có voucher giảm giá hoặc tích điểm khách đặt đồ ăn, thức uống qua app rẻ hơn đi đến cửa hàng. “Trung bình mỗi ngày tôi giao khoảng 30 đơn. Các khung giờ 10-13 giờ và 17-19 giờ là đơn hàng dồn dập. Có khi cà phê, trà sữa, có khi đồ ăn nhanh, cơm, bún, phở. Ðối tượng khách hàng đa dạng, từ hộ gia đình, dân văn phòng, công nhân trong công ty không có điều kiện hoặc lười đi ra ngoài” - anh Long chia sẻ.
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống truyền thống cho rằng, chính xu hướng tiêu dùng của khách hàng khiến họ phải thay chiến lược kinh doanh. Việc sử dụng các ứng dụng công nghệ buộc họ phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định nhưng bù lại nhà hàng giữ được khách hàng trung thành, tiếp cận khách hàng mới và quan trọng hơn cả là duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn. Thực tế không ít cửa hàng nhờ nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng và liên tục áp dụng chương trình ưu đãi trên các ứng dụng giao hàng nên đã tăng doanh thu hơn so với trước đợt giãn cách xã hội.
Về phần người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Linh (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, để hạn chế đến nơi đông người, lại có thể đổi món cho gia đình, thi thoảng chị vẫn đặt hàng đồ ăn giao tận nơi. Ưu điểm của dịch vụ này là có thể đặt bất cứ giờ nào trong ngày, không phải đến quán, không phải chờ đợi. Ngoài các quán quen thuộc, chị dễ dàng thử món mới. Tuy nhiên, các món ăn chín giao đến tận nhà sẽ không được ngon mắt, ngon miệng như ở quán. Ðồ ăn nóng đựng trong túi ny-lông hoặc hộp xốp, một số món phải làm nóng lại, hương vị và độ ngon giảm.
Chị Phạm Hương Sen, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa chia sẻ, dịch Covid-19 đã khiến nhiều thói quen của dân văn phòng thay đổi, trong đó có việc ăn uống. Mọi người ít ra quán xá hơn trước, thay vào đó tự mang cơm trưa hoặc gọi dịch vụ giao cơm, bún, phở tận nơi. Hiện các quán nhỏ, nhà hàng nhỏ cũng có dịch vụ đặt đồ ăn trưa qua điện thoại, Zalo, Facebook hoặc các ứng dụng công nghệ. Ðiều này vừa có lợi cho quán vì vẫn bán được hàng vừa có lợi cho thực khách khi không phải ra ngoài.
Lê An