Lưu trữ nghệ thuật thông qua ứng dụng công nghệ được nhiều cá nhân, đơn vị trên đơn vị trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện.
Lưu trữ nghệ thuật thông qua ứng dụng công nghệ được nhiều cá nhân, đơn vị trên đơn vị trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện.
Một cảnh trong vở cải lương Huyết bào được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, lưu trữ trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Ly Na |
Không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật (từ dân gian, truyền thống đến hiện đại) mà lưu trữ nghệ thuật thời 4.0 còn mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ quảng bá và đưa tác phẩm của mình đến với công chúng trong nước và thế giới.
* Lưu trữ nhiều loại hình nghệ thuật
Gần 10 năm nay, nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Đồng Nai thường xuyên ghi âm, ghi hình các bài bản tài tử và ứng dụng công nghệ để lưu trữ các tài liệu trên môi trường số. Những bài bản tài tử và các chương trình nghệ thuật về ĐCTT của ông được giới thiệu trên mạng xã hội, có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung. Cách làm này đã trở thành hình mẫu cho nhiều người yêu nghệ thuật, nhiều tỉnh, thành học hỏi.
Nghệ nhân Phạm Lơ cho biết: “ĐCTT là loại hình nghệ thuật khó học, đòi hỏi phải có năng khiếu, tình yêu và đam mê. Tôi xem việc áp dụng công nghệ vào ĐCTT là giải pháp quan trọng để lưu giữ lại những di sản của cha ông và đưa nó đến công chúng một cách nhanh nhất. Không chỉ lưu giữ hình ảnh bằng các video sinh động thông qua đàn, hát mà tôi còn tạo nhiều video hướng dẫn cách học ĐCTT. Mỗi video sau khi được biên tập, chỉnh sửa gọn gàng sẽ được đăng lên kênh YouTube, Facebook, Zalo, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, thực hành biểu diễn cũng như truyền dạy”.
Bắt đầu từ năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật gồm: cải lương, múa rối nước, rối cạn và ca múa nhạc đến với công chúng. Cũng từ đây, nhà hát đã bắt đầu lưu trữ toàn bộ các dữ liệu về những chương trình nghệ thuật trên môi trường số, tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân có thể truy cập trực tuyến vào các dữ liệu nghệ thuật đa dạng và phong phú của Đồng Nai.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc nhà hát cho hay, thời điểm ứng dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật là để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đi vào hoạt động đã mang đến nhiều kết quả quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng trong và ngoài tỉnh mà còn góp phần lưu giữ những “tài sản” quý của nghệ thuật. Đến thời điểm này có thể khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng số hóa, đánh thức tình yêu của khán giả đối với nghệ thuật, nhất là cải lương truyền thống.
“Để xây dựng một chương trình nghệ thuật, ghi hình và lưu trữ trên các kênh thông tin, nhà hát vừa phải nâng cao nội dung, vừa chú trọng hình thức. Đặc biệt là sử dụng các trang thiết bị để thu, phát, màn hình Led để tạo hiệu ứng tốt, thiết kế sân khấu sao cho phù hợp với từng tác phẩm, từng chương trình để có thể đạt được giá trị nghệ thuật cao nhất. Hiện tại, có hàng chục chương trình ca múa nhạc, vở cải lương và các trích đoạn như: Huyết bào, Cuộc chiến, Niềm khát, Khơi nguồn, Tiếng gọi, Chí Phèo - Thị Nở... được nhà hát lưu trữ trên nền tảng Facebook, YouTube” - NSƯT Quế Anh nói.
Tương tự, vài năm trở lại đây, nhiều văn nghệ sĩ Đồng Nai đã tích cực ứng dụng công nghệ vào văn học, nghệ thuật. Hàng ngàn tác phẩm thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điêu khắc… đã được lưu trữ trên không gian mạng. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm lưu trữ vẫn còn mang tính riêng lẻ của cá nhân, chỉ một số ít tác phẩm được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giới thiệu và lưu trên website của Hội. Để có thể lưu trữ một cách đồng bộ những tác phẩm văn học nghệ thuật cần có những giải pháp mang tính chiến lược dài hơi. Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
* Mở rộng trải nghiệm, tăng tính tương tác
Theo họa sĩ Lâm Văn Cảng, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, việc lưu trữ tác phẩm nghệ thuật trên không gian mạng được ông thực hiện gần hơn 7 năm nay. Đặc biệt, từ năm 2018, ông bắt đầu đưa tác phẩm của mình lên trang artfinder.com (website có trụ sở ở Anh và Mỹ với hơn 10 ngàn nghệ sĩ của trên 100 quốc gia tham gia). Ông đăng tải thông tin cá nhân và tác phẩm, trang mạng này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để kết nối với khách hàng mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thực như địa lý, thời gian, thiên tai, dịch bệnh.
“Đưa tác phẩm nghệ thuật đến với thế giới là cách làm của rất nhiều nghệ sĩ, họa sĩ ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Tôi vẫn thường tương tác với công chúng nhờ ứng dụng công nghệ kết nối internet. Đối với những tác phẩm bán ra nước ngoài, trước khi bán chúng tôi sẽ trao đổi, liên lạc với nhau qua mạng xã hội. Tôi sẽ quay các video thuyết minh lại tác phẩm, quy trình sáng tác… Toàn bộ quá trình này sẽ được các thiết bị máy tính, phần mềm hỗ trợ. Qua đó, giúp khách hàng truy xuất thông tin công khai, tạo niềm tin, uy tín” - họa sĩ Lâm Văn Cảng nói.
Lưu trữ nghệ thuật thời 4.0 đã và đang mở rộng trải nghiệm và tăng tính tương tác giữa tác giả với công chúng. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, tuyên truyền lưu động là lĩnh vực rất khó khi ứng dụng công nghệ. Từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4, Đồng Nai giãn cách xã hội và phong tỏa thời gian dài, tuyên truyền lưu động được trung tâm thực hiện qua mạng xã hội. Việc làm này nhằm bảo quản, lưu trữ không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ các tác phẩm nghệ thuật mà còn đưa tác phẩm đến gần công chúng, có sức sống lâu bền.
“Mỗi chương trình phát trực tuyến, không chỉ khán giả trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh cùng xem. Khán giả tương tác thông qua lượt like (thích), share (chia sẻ) và bình luận trên các video clip. Các chương trình nghệ thuật được trung tâm lưu lại ngay trên các trang mạng xã hội của trung tâm, giúp những người đã bỏ lỡ buổi phát sóng sẽ dễ dàng xem lại. Đây cũng là cách để trung tâm tiếp tục đổi mới và không ngừng hoàn thiện các chương trình nghệ thuật, phục vụ công chúng, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền” - bà Thanh Tình chia sẻ.
Ly Na