Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Văn hóa Đồng Nai đẩy mạnh chuyển đổi số

09:12, 04/12/2021

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trên mọi lĩnh vực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trên mọi lĩnh vực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng.

Chương trình tham gia Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2021 của Đồng Nai được giới thiệu trực tuyến, kết nối, giao lưu với hệ thống thư viện trên cả nước. Ảnh: My Ny
Chương trình tham gia Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2021 của Đồng Nai được giới thiệu trực tuyến, kết nối, giao lưu với hệ thống thư viện trên cả nước. Ảnh: My Ny

Tại Đồng Nai thời gian qua, ngành Văn hóa đã từng bước thích ứng với nền tảng số và ứng dụng trực tuyến. Mặc dù vẫn còn khó khăn trong việc triển khai và tiếp cận của các tầng lớp nhân dân nhưng những hoạt động từng bước có hướng đi phù hợp trong tình hình mới.

* Nỗ lực chuyển đổi số…

Hưởng ứng mạnh mẽ và đi đầu trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, thời gian qua ngành Văn hóa đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của đơn vị đạt trên 90%. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, ngành đã triển khai các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Nai theo hình thức trực tuyến; thực hiện đề xuất thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong 10 tháng của năm 2021, Sở VH-TTDL đã tiếp nhận 529 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 100%. 99% ý kiến hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở. Hiện nay, ngành đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; tối thiểu 80% thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, trong đó 100% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Không chỉ trên lĩnh vực cải cách hành chính, chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới. Hiện hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh đang tích cực ứng dụng công nghệ, xây dựng đề án chuyển đổi số, số hóa tài nguyên thông tin của thư viện, nhất là vốn tài liệu quý, hiếm.

Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành cho biết, vài năm trở lại đây, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, vừa phục vụ bạn đọc theo hình thức truyền thống vừa ứng dụng công nghệ trên nền tảng số. Theo đó, thư viện triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách, gia hạn sách trực tuyến, tư vấn cho bạn đọc qua Facebook của thư viện, đồng thời tổ chức nhiều triển lãm sách trực tuyến, giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề qua website và các trang mạng xã hội. Nhờ vậy trong mùa dịch, các hoạt động phục vụ bạn đọc vẫn được duy trì ổn định.

Thư viện tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện huyện, thành phố và các thư viện công cộng, thư viện trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2021, Thư viện tỉnh ứng dụng mã QR đọc tài liệu trên điện thoại di động, đưa vào các tài liệu nội sinh, những thông tin của thư viện biên soạn: thư mục toàn văn bài trích báo, tạp chí, địa chí, các bản thư mục. Ứng dụng mã QR không chỉ giúp việc lưu trữ và truyền tải thông tin được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng mà còn giúp cho việc biên soạn và phát hành các bản thông tin thư mục của cán bộ thư viện được cập nhật kịp thời và tiết kiệm chi phí.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt 100% thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện quốc gia, các thư viện trong và ngoài tỉnh. Nâng cấp và hoàn thiện thư viện điện tử công cộng tỉnh Đồng Nai theo hướng hiện đại gắn với triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức Việt số hóa…

Cùng với hệ thống thư viện, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng được NXB Đồng Nai quan tâm. Phó giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn cho rằng, đơn vị đã và đang tìm cách chuyển mình xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Từ đó quảng bá, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức số tới bạn đọc. Đối với những vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường số, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng xử lý kịp thời.

* Hỗ trợ duy trì và phát triển văn hóa truyền thống

Chuyển đổi số trong công tác bảo tàng, di tích bắt đầu từ việc số hóa di sản. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn cho biết, hiện bảo tàng đã số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật trên tổng số 22 ngàn hiện vật đang lưu giữ. Việc số hóa hiện vật bảo tàng là nền tảng quan trọng để phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, trưng bày thường trực bảo tàng, tiến tới xây dựng bảo tàng số, bảo tàng công nghệ trong tương lai. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh đang xây dựng website để tạo sự tương tác với công chúng, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi số theo Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ VH-TTDL.

Phim tư liệu về Mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh được giới thiệu trên website bảo tàng  và mạng  xã hội
Phim tư liệu về Mộ cự thạch Hàng Gòn, TP.Long Khánh được giới thiệu trên website bảo tàng và mạng xã hội

Thời gian gần đây, Đồng Nai triển khai lấy thông tin dữ liệu của các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác lập bản đồ GIS. Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Đồng Nai như: lễ hội dân gian, trang phục và âm nhạc của các dân tộc thiểu số, làng nghề truyền thống… cũng được ứng dụng công nghệ số để lưu giữ thông tin hình ảnh, âm thanh chất lượng cao. Thông qua các phim tư liệu được giới thiệu trên các website, mạng xã hội đã giúp người dân tiếp cận gần hơn với văn hóa truyền thống. Từ đó, bảo tồn, gìn giữ các sản phẩm văn hóa được lâu dài.

Có thể nói, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu để duy trì sản phẩm văn hóa truyền thống cũng như sáng tạo và phát triển các sản phẩm văn hóa mới. Thông qua chuyển đổi số, các dữ liệu số về văn hóa được lưu giữ, chia sẻ và quảng bá rộng rãi. Nhờ vậy, những người quan tâm sẽ tìm đến để tham quan, tìm hiểu và học tập. Điều này kéo theo sự gia tăng giá các trị kinh tế từ những hoạt động dịch vụ phụ trợ. Qua đó, kết nối và phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.

Tuy nhiên, để có thể triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao, chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa ở Đồng Nai đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, kinh phí, thiết bị kỹ thuật... Đặc biệt, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn góp phần không nhỏ trong việc triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số.

Cùng với chuyển đổi số, văn hóa số là cụm từ đang được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn. Trong Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, GS-TS PHẠM TẤT DONG, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Văn hóa số là một nền văn hóa đang trên đà phát triển, và với Việt Nam nó còn khá mới mẻ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia vừa mới được phê duyệt với mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này thì vấn đề quan trọng nổi lên là xây dựng được mô hình công dân số và những quy tắc ứng xử chuẩn mực đạo đức mà công dân phải tuân thủ để sống, làm việc, hoạt động xã hội, giao lưu… trong môi trường số. Đó chính là yếu tố cốt lõi được gọi là văn hóa số”.

My Ny

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích