Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai là địa phương năng động trong phát triển thương mại điện tử

08:12, 18/12/2021

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) là người có nhiều năm nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về quản trị các gian hàng TMĐT, thực hiện những khảo sát, đánh giá về phát triển TMĐT của Bộ Công thương.

Ông Nguyễn Văn Thành
Ông Nguyễn Văn Thành

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) là người có nhiều năm nghiên cứu, tư vấn, đào tạo về quản trị các gian hàng TMĐT, thực hiện những khảo sát, đánh giá về phát triển TMĐT của Bộ Công thương.

Đặc biệt, ông là người tư vấn, hướng dẫn tạo lập, đăng ký và phối hợp với Sở Công thương Đồng Nai phát triển các gian hàng trên Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn). Dự kiến, sàn này sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.

Dịch Covid-19 mở ra nhiều cơ hội

 Thưa ông, trong những năm gần đây, hoạt động TMĐT ngày càng phát triển và trở thành xu hướng tiêu dùng được nhiều người lựa chọn, nhất là sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua. Tác động của dịch Covid-19 đã mở ra những thay đổi nào trong xu hướng TMĐT?

- Các đợt dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm chuỗi cung ứng hàng hóa chịu nhiều tác động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Song song đó, dịch Covid-19 còn mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, cũng như là dịp để các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Từ đó, thích ứng với tình hình dịch bệnh; tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ trong các hoạt động mua sắm, buôn bán, thanh toán trực tuyến...

Trên thực tế, tốc độ phát triển về doanh thu TMĐT bình quân trên toàn quốc trong những năm gần đây đạt khoảng 20%. Doanh thu về TMĐT năm 2020 của Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng năm trước. Doanh số bán lẻ trực tuyến chiếm khoảng 5,5% tổng doanh số bán lẻ của cả nước. Dự báo năm 2021, doanh số bán lẻ trực tuyến sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn dưới những tác động của dịch Covid-19 khiến cho xu hướng và thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi.

 Vấn đề nào cần được lưu ý trước sự phát triển nhanh chóng về TMĐT trong thời gian qua, thưa ông?

- Tốc độ phát triển TMĐT trên cả nước tăng nhanh, tuy khoảng cách về phát triển TMĐT còn có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh, thành còn lại. Cụ thể, theo thống kê, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương dẫn đầu cả nước về bán lẻ trực tuyến, chiếm 70% thị phần bán lẻ trực tuyến của cả nước, trong khi 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 30%. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ phía các bộ, ngành và địa phương trong những năm tới để từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ, tốc độ phát triển TMĐT, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số nhanh, mạnh và kịp thời.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có mục tiêu dần thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển TMĐT giữa các địa phương trên cả nước…

 Trước xu hướng phát triển về TMĐT trên cả nước, ông đánh giá Đồng Nai có những tiềm năng, lợi thế ra sao?

- Thời gian qua, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành khác và địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy TMĐT, kinh doanh trực tuyến. Trong đó, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, năng động trong phát triển TMĐT, chủ động triển khai nhiều ứng dụng, chương trình hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển kinh doanh, bán lẻ trực tuyến…

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet) sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương triển khai các hoạt động tư vấn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn Đồng Nai phù hợp với hiện trạng về TMĐT ở địa phương, cũng như kịp thời nắm bắt các xu thế mới về phát triển bán lẻ trực tuyến trên cả nước và thế giới.

Đồng Nai là địa phương giáp ranh với TP.HCM nên tỉnh có nhiều thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa sang TP.HCM và các tỉnh, thành khác, cũng như kết nối tiêu thụ với các địa phương. Ngoài ra, các dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics khá phát triển trên địa bàn tỉnh cũng góp phần tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển TMĐT, các dịch vụ giao nhận hàng hóa…

Lợi thế lớn của Đồng Nai là trên địa bàn tỉnh có nhiều đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp thế mạnh. Điều này giúp thúc đẩy hoạt động giao thương trên môi trường trực tuyến ngày càng phát triển, lượng hàng hóa đa dạng, dồi dào hơn.

Thực tế cho thấy, hoạt động bán lẻ trực tuyến thông qua các sàn TMĐT của Đồng Nai tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Đồng Nai có doanh số bán lẻ trực tuyến tương đối cao so với các tỉnh, thành khác. Đơn cử, theo thống kê khảo sát của Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet), trên Shopee - sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay, doanh số bán hàng từ địa bàn Đồng Nai đi các tỉnh, thành khác và cả xuất khẩu đạt hơn 220 tỷ đồng với khoảng 2,5 triệu sản phẩm được bán ra trong vòng 1 năm vừa qua.

Tích hợp nhiều tiện ích cho sàn TMĐT của địa phương

 Là người trực tiếp tham gia tư vấn, hướng dẫn phát triển Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn), ông có thể cho biết những điểm mới nào nổi bật của Sàn này so với những sàn TMĐT khác?

- Trong những năm qua, EcomViet là đơn vị thiết kế, hỗ trợ phát triển nhiều sàn TMĐT, nhiều sàn thương mại về bán buôn, bán lẻ, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)… Trong đó, có Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn).

Điểm nổi bật của ecdn.vn là sàn TMĐT đầu tiên ở các địa phương ứng dụng tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành tiên phong trong vấn đề này.

 Để nâng cao hiệu quả của ecdn.vn, theo ông, địa phương cần chú trọng, quan tâm đến những yếu tố gì?

Trung tâm sẽ phối hợp các sở, ngành của các địa phương trên cả nước, trong đó có Đồng Nai thường xuyên tổ chức các lớp, hội thảo đào tạo, tập huấn về kỹ năng ứng dụng TMĐT, kỹ năng tham gia sàn TMĐT; các quy định, văn bản pháp luật mới về TMĐT. Ngoài ra, trung tâm còn tăng cường công tác tư vấn, các lớp tập huấn, khóa học trực tuyến; cung cấp các nền tảng, công cụ, các khảo sát về TMĐT trên website www.ecomviet.kscds.com

- Trên thực tế, các sàn TMĐT ở địa phương có chức năng nhiệm vụ đặc trưng và còn gặp nhiều khó khăn nếu so về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực... của các sàn TMĐT lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso, postmart.vn. Các sàn này thường xuyên chi trả khoản tiền lớn để phát triển, duy trì đội ngũ nhân sự, vận hành quảng cáo, triển khai các chương trình quảng cáo, khuyến mại…

Do đó, để nâng cao hiệu quả, các sàn thương mại ở địa phương, trong đó có Đồng Nai cần được giới thiệu, phổ biến rộng rãi trên địa bàn và mở rộng kết nối với các địa phương khác; thường xuyên kêu gọi các doanh nghiệp tham gia sàn triển khai các sự kiện, chương trình khuyến mãi… để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, việc tích hợp thanh toán trực tuyến và vận chuyển cho sàn TMĐT ở địa phương là cần thiết để bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới. Hơn thế nữa, ecdn.vn có thể tích hợp các hoạt động thanh toán thông qua các cổng thanh toán khác. Để bắt kịp xu hướng phát triển của các sàn TMĐT lớn, ecdn.vn cũng cần xây dựng kế hoạch mở rộng triển khai ứng dụng trên thiết bị cầm tay như: điện thoại thông minh, máy tính bảng… để việc mua bán trên sàn được dễ dàng hơn, nhất là khi giới trẻ - những người thường xuyên đặt hàng trực tuyến đa phần sử dụng điện thoại thông minh…

 Vấn đề về nhân lực trong bán lẻ trực tuyến ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai tác động như thế nào đến sự phát triển TMĐT nói chung và Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai nói riêng?

- Vấn đề nhân lực rất quan trọng. Muốn vận hành sàn thương mại thành công thì cần xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ cả về số lượng và năng lực. Khi kết hợp, tích hợp với các hoạt động thanh toán trực tuyến và dịch vụ logistics cần có đội ngũ nhân lực đủ năng lực, hiểu biết để tư vấn cho khách hàng có thể hiểu sản phẩm, mua sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi nhất; cũng như nắm bắt các quy trình đối chiếu đơn hàng, đối soát hoạt động thanh toán, đảm bảo các giao dịch đúng, đủ, kịp thời; triển khai có hiệu quả các hoạt động xây dựng thương hiệu của sàn…

Hơn thế nữa, địa phương cần vận động cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sàn để đa dạng hàng hóa, thu hút lượng khách hàng tiềm năng, nhất là lượt khách hàng đặt mua hàng lần thứ 2 trở đi…

 Xin cảm ơn ông!

Hải Quân (thực hiện)

Tin xem nhiều