Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống Covid-19 trong bệnh viện

06:12, 04/12/2021

Việc chăm người thân điều trị nội trú trong bệnh viện vốn đã vất vả, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát càng vất vả hơn. Các thân nhân người bệnh không chỉ cố gắng xoay xở để thích nghi với điều kiện sinh hoạt hạn chế, bất tiện mà còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Việc chăm người thân điều trị nội trú trong bệnh viện vốn đã vất vả, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát càng vất vả hơn. Các thân nhân người bệnh không chỉ cố gắng xoay xở để thích nghi với điều kiện sinh hoạt hạn chế, bất tiện mà còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Một F0 được đưa qua hành lang khu vực Khoa Cấp cứu sản và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) để lên khu cách ly tầng 12 của bệnh viện
Một F0 được đưa qua hành lang khu vực Khoa Cấp cứu sản và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) để lên khu cách ly tầng 12 của bệnh viện

Nguy cơ lây nhiễm cao

Những tuần gần đây, mặc dù dịch Covid-19 không còn quá căng thẳng, nhưng khi vào chăm sóc người thân trong bệnh viện, nhiều người vẫn lo lắng khi trong bệnh viện ngày nào cũng xuất hiện nhiều ca F0, trong đó có cả thân nhân đi chăm sóc bệnh nhân. Lo nhất là những người đi chăm sóc bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện vì thường họ phải ăn, nằm ngoài hành lang chật chội, nhiều người qua lại nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, hiện nay vẫn còn nhiều người ngần ngại đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm chéo. Việc tập trung đông người cũng tạo nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh, song ngày từ đầu mùa dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế phải hết sức kỹ lưỡng trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện để bảo vệ người bệnh.

Một tuần chăm sóc cha điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chị Nguyễn Thị Phương (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) luôn nơm nớp lo lắng về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chị Phương cho hay, khu vực hành lang, nơi chị và những người chăm bệnh ngồi là sảnh chung giữa Khoa Cấp cứu sản, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và khu phẫu thuật của bệnh viện nên lượng người chăm sóc, chờ đợi người thân đi lại khá đông, có nhiều thời điểm rất khó đảm bảo các yêu cầu về giãn cách.

Để lên tầng 12 điều trị F0 của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, các F0 phải đi ngang qua hành lang khu vực Khoa Cấp cứu sản, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc và khu phẫu thuật của bệnh viện để chuyển thang máy lên tầng cao. Mỗi lần có F0 di chuyển, nhân viên bảo vệ đều thông báo bằng loa để người chăm bệnh ở các khoa này biết tránh lại gần. Thấy vậy, những người đi chăm bệnh không ai bảo ai đều dạt vào một góc, trên tay cầm sẵn chai cồn. Khi F0 đi qua, mọi người ai nấy đua nhau xịt khắp hành lang, mùi cồn nồng nặc. Mỗi ngày có đến vài ba lần F0 đi qua như thế.

“Chăm anh trai một tuần ở bệnh viện mà tay em khô ráp, lột cả da, bởi lúc nào cũng phải dùng cồn, gel sát khuẩn tay. Nếu không kỹ sợ lây nhiễm bệnh cho bản thân và sợ nhất là lây cho người nhà đang bệnh nặng thì rất tội nghiệp” - chị Trần Thu Hằng (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết.

Dịch bệnh Covid-19 cũng khiến người đi chăm bệnh, nhất là những bệnh nặng phải điều trị dài ngày vất vả hơn vì không có người thay ca. Gần 2 tháng chăm sóc chồng bị suy đa tạng ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bà Trần Thị Thủy (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) trông khá mệt mỏi, hốc hác.

Bà Thủy chia sẻ: “Nếu không có dịch Covid-19, con cái, anh em còn thay ca chăm sóc cho ông ấy, nhưng giờ vào bệnh viện đông người, nguy cơ cao nên anh em chẳng ai dám đến. Còn con cái lại có con nhỏ, chưa đến tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên tôi cũng không cho con vào sợ về lây cho các cháu thì khổ”. Vì thế, bà Thủy đã cố gắng trụ tại bệnh viện suốt 50 ngày qua để chăm sóc cho chồng.

Do môi trường bệnh viện đông đúc, nhiều người ra vào khám bệnh, một số khu vực chật hẹp nên không thể đảm bảo khoảng cách theo quy định, ý thức của một số bệnh nhân và thân nhân người bệnh trong việc thực hiện các quy định phòng dịch chưa cao dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong các bệnh viện rất lớn.

Trường hợp của chị P.T.H. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) là một ví dụ. Cách đây hơn 2 tuần, chị H. đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sinh con. Khi nhập viện, chị H. được test nhanh và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trước khi xuất viện, chị H. và chồng được làm test nhanh thì kết quả cả hai đều dương tính với SARS-CoV-2. Hiện chị Hoa đã xuất viện và được cách ly điều trị tại nhà. “Tôi chỉ mong nhanh khỏi bệnh để chăm con. Chỉ thương em bé mới sinh đã phải “tách” mẹ tới 14 ngày để phòng bệnh” - chị H. bộc bạch.

“Siết chặt”sàng lọc F0 trong bệnh viện

Để hạn chế lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, nhiều bệnh viện đã có những giải pháp nhằm sàng lọc, kịp thời phát hiện, tách F0 để điều trị.

Thân nhân chăm người bệnh ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đều tự trang bị nước sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh
Thân nhân chăm người bệnh ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) đều tự trang bị nước sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh

Theo một số bệnh viện tại TP.Biên Hòa, hiện nay, do trở lại trạng thái bình thường mới nên số ca F0 trong cộng đồng đến khám bệnh khá nhiều. Đa phần người dân đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên khi nhiễm bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Rất nhiều người không biết mình nhiễm bệnh, chỉ khi vào bệnh viện khám, điều trị bệnh khác hoặc đi chăm người thân trong bệnh viện, qua test sàng lọc mới phát hiện.

Hiện các bệnh viện trong tỉnh chỉ cho phép một bệnh nhân được một người thân ở lại chăm sócvà người này phải được test nhanh âm tính với SARS-CoV-2, sau 3 ngày phải làm xét nghiệm PCR để bảo đảm người chăm bệnh không nhiễm Covid-19. Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sau mỗi lần test nhanh hoặc xét nghiệm PCR, nhân viên y tế sẽ cấp cho người chăm bệnh nhân một thẻ đeo cổ hoặc đeo tay. Chỉ những người có thẻ đeo mới được vào khu vực điều trị nội trú và ở lại chăm sóc bệnh nhân, nếu muốn thay người chăm sóc, người mới vào phải có giấy xét nghiệm kết quả âm tính, nhân viên bảo vệ sẽ giám sát việc đổi ca chăm sóc giữa người mới và người cũ bằng việc chuyển thẻ đeo từ người cũ sang người mới.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, đến nay dịch Covid-19 đã bớt căng thẳng nên người bệnh trở lại bệnh viện khám, chữa bệnh nhiều hơn. Để bảo vệ người bệnh, thân nhân người bệnh cũng như nhân viên y tế,  bệnh viện rất kỹ lưỡng trong “sàng lọc” F0 bằng việc yêu cầu tất cả những người đến khám bệnh đều phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, phân luồng bệnh nhân. Với những người có các triệu chứng hô hấp sẽ cho khám tại khu vực riêng, thanh toán, lấy thuốc và ra về theo một đường riêng theo nguyên tắc 1 chiều để tránh lây nhiễm chéo. Riêng tại Khoa Cấp cứu, những bệnh nhân nhập viện cấp cứu có triệu chứng của bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác hoặc bệnh nặng, hôn mê mà không có người thân đi theo sẽ được bố trí cấp cứu tại khu sàng lọc riêng với đầy đủ nhân viên y tế  trực 24/24 giờ.

Tương tự, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, chủ động phòng chống, không để nguồn lây nhiễm xâm nhập là trách nhiệm rất lớn của bệnh viện. Ngoài việc hạn chế số người thân chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện cũng tiến hành test nhanh trước khi vào khu điều trị nội trú. Khu khám bệnh cũng được phân thành 2 khu vực riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra, công tác khử trùng toàn bộ các khoa, phòng trong bệnh viện được tiến hành thường xuyên; bộ phận kiểm soát, phòng, chống dịch luôn kiểm tra, giám sát với quy trình tầm soát và sàng lọc chặt chẽ nguồn lây, nhằm bảo vệ người bệnh và thân nhân của họ, cũng như đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện khỏi mối nguy nhiễm Covid-19.          

Phương Liễu

Tin xem nhiều