Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm huyết với... gốm Biên Hòa

10:12, 24/12/2021

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều thợ gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai vẫn duy trì việc làm ổn định, quyết tâm "giữ lửa", không để nghề bị thất truyền.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều thợ gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai vẫn duy trì việc làm ổn định, quyết tâm “giữ lửa”, không để nghề bị thất truyền.

Ông Đặng Văn Hậu (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đang chấm men cho sản phẩm gốm. Ảnh: Ly Na
Ông Đặng Văn Hậu (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đang chấm men cho sản phẩm gốm. Ảnh: Ly Na

Dưới bàn tay tài hoa và khéo léo của họ, nhiều sản phẩm gốm đã lần lượt ra đời, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, giới làm nghề...

* Nối nghiệp cha ông…

May mắn sinh ra trong gia đình truyền thống làm gốm, từ nhỏ ông Đặng Văn Hậu (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đã làm bạn với… đất. Năm 14 tuổi, ông đi theo cha vào các xưởng gốm thủ công để theo học kỹ thuật tạo hình và chấm men gốm. Đó là thời điểm gốm Biên Hòa đã nức tiếng gần xa. Kiên trì học hỏi, cộng với đôi bàn tay khéo léo, đến tuổi trưởng thành, ông Hậu đã trở thành một thợ giỏi nghề ở địa phương.

Mộc mạc chân chất, bàn tay lúc nào cũng lấm lem đất sét nhưng khi nói về gốm, ánh mắt của ông Hậu, bà Sương, chị Trúc và những người thợ đang ngày đêm theo nghề gốm… lúc nào cũng sáng lên một niềm tự hào, say mê khó tả. Họ nói rằng, đó là đam mê, mà đam mê thì không thể nào bỏ được. Họ chỉ biết “cặm cụi” tạo hình, chạm khắc hoa văn, lên màu men, chắp cánh cho gốm truyền thống đi khắp nơi, cứ như thể là “người say” trong gốm Biên Hòa - Đồng Nai.

Ở tuổi 58, ông Hậu có hơn 40 năm đến với gốm. Ông không mở xưởng gốm riêng cho mình mà đi làm trong các xưởng gốm thủ công. Từ các xưởng ở Tân Vạn, Tân Hạnh, Bửu Hòa rồi đến Hóa An. Hơn 40 năm ấy, ông từng chứng kiến những thăng trầm của nghề gốm Biên Hòa. Theo ông, sự thay đổi lớn nhất có lẽ là bước chuyển từ lò than nung thủ công sang lò nung bằng ga, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn cho ra những sản phẩm gốm đẹp, chất lượng ổn định, không bị lỗi.

Đầu tháng 7-2021, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều phường, xã nằm trong khu phong tỏa khiến cho các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh tạm ngưng hoạt động. Mặc dù không đến xưởng làm việc nhưng ở nhà, ông Hậu vẫn nhận các sản phẩm kích thước nhỏ (các con giáp để bàn, đĩa trang trí, bộ ấm trà…) đã lên khuôn để vẽ hoa văn và chấm men chờ sau khi trở lại trạng thái bình thường mới sẽ mang gốm đi nung. Đó cũng là cách ông duy trì công việc, đảm bảo thu nhập cũng như giữ lửa với nghề.

“Trước đây, các lò gốm ở Biên Hòa đông vui và nhộn nhịp lắm, ngày nào cũng “ngạt thở” vì khói nung. Nhiều thợ gốm đã trở thành những nghệ nhân bậc thầy trong nghề. Nhờ đó, gốm Biên Hòa được nhiều người biết đến. Thế nhưng bây giờ, các lò gốm thủ công và người làm nghề cứ thưa dần. Cái riêng có của gốm Biên Hòa là sản phẩm được chuốt bằng tay, được trang trí vẽ chìm, đắp nổi với màu men hoàn toàn tự nhiên. Tùy vào kích thước sản phẩm mà tôi thực hiện từ 2-5 sản phẩm/ngày” - ông Hậu chia sẻ.

* Truyền nghề

Trưởng thành cùng gốm, tình yêu nghề cũng lớn dần theo năm tháng là động lực để chị Đào Thanh Trúc (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) gắn bó với nghề hơn 15 năm. Chị Trúc có thể làm các khâu từ tạo hình đến chấm men. Trong đó, chấm men gốm là giai đoạn kỳ công nhất và tốn nhiều thời gian, người thợ phải chấm men một cách cẩn thận và tỉ mỉ lên từng chi tiết rất nhỏ và dày đặc. Riêng đối với hoa văn bách hoa, màu men được chấm một cách ngẫu nhiên, không bông hoa nào giống với bông hoa nào.

Chị Trúc bộc bạch: “Như nhiều thợ gốm hiện nay, tôi cũng theo học làm gốm và chấm màu men từ mẹ. Các con gái của tôi hiện cũng theo tôi học nghề trong Xưởng Gốm Hiến Nam ở P.Hóa An. Tôi vẫn nghe nhiều người nói rằng, công việc làm gốm quá ít nên có học nghề cũng không được cọ xát bằng cách trực tiếp làm sản phẩm nhiều như trước. Điều này chỉ đúng một phần. Như gia đình tôi, cả ba thế hệ đều làm thợ gốm, sống nhờ nghề gốm. Chỉ cần có đủ tình yêu và kiên trì theo đuổi”.

Chị Đào Thanh Trúc (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lên màu men cho gốm truyền thống
Chị Đào Thanh Trúc (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) lên màu men cho gốm truyền thống

Ở tuổi 65, bà Phạm Ngọc Sương có hơn 40 năm kinh nghiệm làm gốm. Ở bất cứ khâu nào bà cũng đã từng trải qua. Hiện nay do tuổi cao, bà chủ yếu đảm nhận khâu khắc chìm và vẽ hoa văn cho sản phẩm gốm Biên Hòa. Ngoài đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ thì rất cần có “hoa tay” và kinh nghiệm lâu năm. Những nét khắc phải đều đặn, theo trình tự nhất định nhằm mang đến cái hồn cho sản phẩm gốm Biên Hòa. Đây là công đoạn khó mà không phải nghệ nhân nào cũng có thể thành thạo được.

Nói về quá trình gắn bó với nghề, bà Sương tâm sự: “Được nhiều mà cũng mất nhiều. Cái được là sống với nghề của mình, được thổi hồn vào sản phẩm của mình, được tìm thấy niềm vui khi các sản phẩm ra lò đúng màu sắc, đường nét, hoa văn như mình mong muốn. Nhưng để có được những điều đó thì bản thân bà không ít lần phải trải qua khó khăn, thất bại”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với tình yêu gốm, bà Sương vẫn gắn bó với nghề, bằng những kinh nghiệm tích lũy, bà vừa sáng tạo vừa hướng dẫn và truyền nghề cho người trẻ theo học gốm.

Chính chất liệu gốm trở thành mối kết dính, nối kết các thợ gốm tâm huyết với nghề qua nhiều thế hệ. Họ cũng như các nghệ nhân, cùng đi trên một con đường để “vẽ” nên câu chuyện về giấc mơ hơn trăm năm hưng thịnh của gốm Biên Hòa. May mắn, cho đến bây giờ, những cảm hứng sáng tạo cùng gốm trên con đường đến với giấc mơ này của họ đang ngày càng có nhiều người trẻ cùng theo đuổi, viết tiếp những câu chuyện đẹp…


TS TRƯƠNG ĐỨC CƯỜNG, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Đẩy mạnh kết nối nhà trường và doanh nghiệp

Để đưa người trẻ đến với gốm Biên Hòa, hằng năm Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã kết nối với các trường trong và ngoài tỉnh, đưa hàng trăm học sinh từ tiểu học đến THPT đến tham quan, học tập và trải nghiệm gốm tại Khoa Gốm của trường. Đặc biệt từ năm 2020, nhà trường thực hiện chủ trương đào tạo các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, trong đó có gốm truyền thống gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhà trường đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp gốm trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ sinh viên thực tập, tìm hiểu nghề nghiệp liên quan cũng như tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên ngay sau khi các em ra trường.

Nghệ nhân HOÀNG NGỌC HIẾN, chủ Xưởng Gốm Hiến Nam, P.Hóa An, TP.Biên Hòa: Cần thêm những gương mặt trẻ đam mê gốm truyền thống

Đưa gốm Biên Hòa đến với bạn bè gần xa là điều mong mỏi của tất cả những người làm gốm. Ngoài các nghệ nhân, xưởng của tôi hiện có nhiều thợ gốm có tay nghề, kinh nghiệm từ 20-40 năm. Các sản phẩm họ làm ra không chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo mà còn ẩn chứa bên trong tình yêu nghề, lòng say mê với nghề truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, để phát triển gốm lên tầm cao mới, vươn ra biển lớn trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay rất cần có thêm những chính sách hỗ trợ liên quan; đồng thời có thêm những gương mặt trẻ được đào tạo bài bản, vừa năng động, sáng tạo, vừa giữ được giá trị truyền thống, mang đến nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật độc đáo.


Ly Na

Tin xem nhiều
Các mẫu Bình hút lộc đắp nổi cao cấp