"Năm trước tôi trồng 10 thì năm nay chỉ 3-4. Giờ vẫn chưa có mối đặt hàng, tôi lo quá! Được Tết hay mất Tết cũng ở vụ hoa này đây" - ông Nguyễn Văn Minh, KP.2, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
“Năm trước tôi trồng 10 thì năm nay chỉ 3-4. Giờ vẫn chưa có mối đặt hàng, tôi lo quá! Được Tết hay mất Tết cũng ở vụ hoa này đây” - ông Nguyễn Văn Minh, KP.2, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Vườn cúc pha lê của Cơ sở hoa Hiệp Hưng ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) |
Nhiều nhà vườn ở các vùng trồng hoa như: Quang Trung, Gia Tân (H.Thống Nhất); Bắc Sơn (H.Trảng Bom); Xuân Trường (H.Xuân Lộc) cũng đang thấp thỏm với vụ hoa Tết, bởi đơn đặt hàng chưa nhiều trong khi chi phí phân, thuốc, nhân công cao hơn nhiều so với mọi năm.
Sản lượng giảm
Những năm trước, mỗi vụ Tết ông Nguyễn Văn Minh, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) trồng đủ các loại hoa giá cao như: lay ơn, cúc pha lê, sống đời cho đến các loại phổ thông hơn như: cúc vạn thọ, mào gà, hướng dương trên diện tích khoảng 2ha, số lượng 12-14 thiên (1 thiên bằng 1 ngàn chậu). Thế nhưng năm nay, ông Minh chỉ trồng được 4 thiên hoa, trong đó khoảng 1 thiên cúc pha lê, còn lại là cúc vạn thọ, mào gà, hướng dương. Phần đất còn lại ông trồng rau phòng trường hợp hoa thất thu còn có rau bù tiền phân, thuốc.
“Thời điểm ươm giống hoa, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên tôi chẳng nhập được giống gì cả. Mãi đầu tháng 10 mới nhập được bịch hạt giống cúc Tây giá 2,5 triệu đồng. Tôi trồng được 1 thiên cúc Tây còn lại hoa phổ thông: cúc vạn thọ, mào gà, hướng dương, bằng 1/3 các năm” - ông Minh chia sẻ.
Ông Đỗ Minh Hưng, chủ Cơ sở hoa Hiệp Hưng (H.Thống Nhất) giới thiệu vườn hoa quy mô 6ha, 50 ngàn chậu |
Cơ sở hoa Mai Tâm, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) trồng vụ hoa Tết vì không muốn mất mối làm ăn lâu dài. “Chúng tôi có các mối làm ăn lâu dài, không trồng năm sau sẽ mất mối. Thời điểm hiện tại, chúng tôi trồng được khoảng 20 thiên cúc pha lê, phổ biến là chậu đường kính 50-60cm. Tuần này chúng tôi trồng thêm 5 thiên mào gà, cúc vạn thọ nữa. Số tiền đầu tư ước 1 tỷ đồng” - chị Mai, chủ cơ sở chia sẻ.
Cơ sở hoa Hiệp Hưng ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) có quy mô lớn nhất vùng với khoảng 6ha, 50 thiên hoa các loại. So với các năm trước, cơ sở tăng sản lượng 1,5 lần. Ông Đỗ Minh Hưng chủ cơ sở này chia sẻ, do nắm được thông tin là vùng trồng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Củ Chi (TP.HCM) và Phúc Nhạc (Thống Nhất, Đồng Nai) đều giảm số lượng do không nhập nên ông “liều”.
“Tôi quyết định tăng sản lượng vì biết các vùng trồng hoa lớn họ giảm quy mô. Phần nữa tôi cũng có một số mối làm ăn lâu năm. Hiện các mối trong và ngoài tỉnh đã liên hệ đặt hàng được khoảng 1/3 số lượng. Nếu dịch bệnh ở mức độ hiện tại hoặc giảm hơn tôi không lo lắng lắm” - ông Minh nói.
Tại làng hoa Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3 (H.Thống Nhất), nhiều gia đình bỏ trồng hoa. Một số nhà vườn vẫn duy trì nhưng số lượng giảm so với các năm. Nguyên nhân là do thời điểm xuống giống địa phương thực hiện phong tỏa để phòng dịch, các hộ không nhập được giống; chi phí đầu vào là phân bón tăng cao. Ngoài việc giảm số lượng, các nhà vườn chuyển sang trồng giống hoa ngắn ngày, giá rẻ.
Ẩn số thị trường
Tết là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của các nhà vườn trồng hoa. Năm nay thời tiết thuận lợi nên tình trạng nấm lá, thối rễ giảm đáng kể. Điều nông dân lo lắng là thị trường đầu ra và giá bán.
Công nhân làm vành đan hoa tại Cơ sở Mai Tâm, xã Quang Trung (H.Thống Nhất) |
Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ vườn hoa ở xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom bày tỏ: thị trường hoa Tết năm nay rất khó đoán. Trường hợp gần Tết mà dịch bệnh giảm, các điểm vui chơi công cộng trang trí hoa tươi, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn như các năm trước thì giá hoa tăng là điều chắc chắn. Nhưng ngược lại, hoa ế, nhà vườn lỗ. Để giảm bớt rủi ro, bà Nhung chia ra một đợt hoa sớm phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp làm quà tặng, trưng trước Tết; một đợt phục vụ nhu cầu người dân những ngày Tết.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa), thời tiết thuận lợi, tiêu thụ được hết thì trồng hoa “một vốn bốn lời”. Còn nếu tồn cỡ 1/3 là lỗ công chăm sóc.
Anh Nguyễn Quốc Vinh, chủ vườn kiểng ven quốc lộ 51, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) chia sẻ, những năm trước cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch đã nhiều người đến mua cây kiểng làm quà tặng. Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc mai, thiên tuế, lộc vừng, xanh tại nhà cũng khá nhộn nhịp. Năm nay, thị trường cây kiểng ế, vườn không dám nhập cây nhiều. Khách hàng có nhu cầu, vườn gửi ảnh cho họ xem, đồng ý thì mới nhập cây về vì chi phí vận chuyển không rẻ.
Cơ sở hoa và cây giống Như Ý, đường Đặng Văn Trơn, P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, khoảng nửa năm nay chỉ bán được hạt giống rau, xơ dừa và đất, các loại hoa cảnh và hạt giống hoa chỉ bán lai rai. Nhu cầu trồng hoa để chơi Tết của người dân giảm hẳn.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán năm 2022. Trái với tâm trạng phấn khởi chờ mùa bội thu như những năm trước, nhà vườn trồng hoa đang đối mặt với nhiều nỗi lo. Trong đó, lo lắng nhất vẫn là đầu ra và giá cả, điều này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thị trường.
Ông ĐỖ MINH HƯNG, chủ Cơ sở hoa Hiệp Hưng (H.Thống Nhất) chia sẻ, thời điểm hiện tại đã có mối đặt 15 thiên hoa nhưng chưa chốt giá. “Mối bảo tôi năm nay dịch đừng tăng giá. Nhưng chi phí phân, thuốc, nhân công tăng đến 20% mà không tăng giá hoa thì không có lãi” - ông Hưng nói. |
Ban Mai