Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục

09:12, 18/12/2021

Trong 2 kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh đã ban hành liên tiếp 2 nghị quyết quan trọng liên quan đến GD-ĐT, gồm: Nghị quyết về miễn và cấp bù học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 và Nghị quyết về ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Trong 2 kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh đã ban hành liên tiếp 2 nghị quyết quan trọng liên quan đến GD-ĐT, gồm: Nghị quyết về miễn và cấp bù học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 và Nghị quyết về ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Với 2 nghị quyết này, hàng trăm ngàn học sinh, giáo viên và cơ sở giáo dục đã được hưởng lợi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho phụ huynh và ngành Giáo dục.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường thăm một cơ sở giáo dục ngoài công lập tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) Ảnh chụp trước tháng 4-2021
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường thăm một cơ sở giáo dục ngoài công lập tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) Ảnh chụp trước tháng 4-2021

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Sau khi HĐND tỉnh thông qua 2 nghị quyết hỗ trợ nói trên, sắp tới UBND tỉnh sẽ chi trên 240 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh, thu nhập cho giáo viên và thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và tư thục”.

Những chia sẻ kịp thời

Theo Nghị quyết của HĐNĐ tỉnh về chính sách miễn và cấp bù học phí học kỳ 1 (năm học 2021-2022) đã được ban hành, trong học kỳ 1 này, toàn bộ học sinh các trường từ mầm non đến THPT công lập trong toàn tỉnh đều được miễn học phí với mức từ 25-120 ngàn đồng/học sinh/tháng. Mức miễn và cấp bù học phí cao hay thấp sẽ tùy theo cấp học và khu vực thành thị, nông thôn, miền núi và loại hình trường theo quy định của tỉnh. Tuy mức miễn và cấp bù học phí mỗi tháng/học sinh không quá lớn nhưng với hàng trăm ngàn học sinh được hưởng lợi từ chính sách này thì tổng số tiền tỉnh chi từ ngân sách là không hề nhỏ.

Chị Đinh Thị Dạ Thảo (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã khiến cuộc sống của gia đình tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Chính vì vậy, khi Nhà nước ban hành chính sách miễn và cấp bù học phí cho học sinh tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi”. Với chính sách này của tỉnh, người con lớn của chị Thảo đang học lớp 12 được miễn 120 ngàn đồng/tháng, còn người con thứ hai đang học lớp 9 được miễn 75 ngàn đồng/tháng. Tổng số tiền mà 2 con chị được miễn trong học kỳ 1 này là gần 1 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tại địa bàn có khu công nghiệp và cụm công nghiệp:

- Đối với trẻ em: Mức hỗ trợ 160 ngàn đồng/trẻ/tháng.

- Đối với giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, mức hỗ trợ 800 ngàn đồng/người/tháng.

- Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tư thục được hỗ trợ một lần 30 triệu đồng.

Gần 3 tháng nay, dù đã được đi làm trở lại sau giãn cách xã hội và có thu nhập ổn định hơn nhưng cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Lượt (công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, H.Vĩnh Cửu) vẫn chưa hết khó khăn. Chị Lượt chia sẻ: “Giai đoạn nghỉ việc từ tháng 6 đến gần hết tháng 9, vợ chồng tôi đã phải đi vay mượn thêm để trả tiền nhà trọ, ăn uống hằng ngày. 3 tháng nay khi được đi làm trở lại, thu nhập khá hơn trước nhưng ngoài tiền nhà trọ, tiền ăn tôi còn phải bớt ra một khoản trả nợ vay trước đây. Với những khó khăn trong thời gian này, việc 2 con của tôi học tại Trường THCS Thạnh Phú được Nhà nước miễn học phí là một sự chia sẻ rất kịp thời”.

Trong khi đó, anh Lê Văn Thức, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay, cả 2 con của anh hiện đang học tại một trường tư thục tại P.Tân Mai (TP.Biên Hòa). Dù học trực tuyến nhưng nhà trường vẫn thu học phí bằng gần 80% học phí trực tiếp. Số tiền thực tế mà gia đình anh Thức phải đóng học cho 2 con trong mùa dịch bệnh này vẫn lên tới gần 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo chính sách hỗ trợ cấp bù học phí của tỉnh ban hành, mỗi tháng anh Thức có thể tiết kiệm được số tiền 240 ngàn đồng/tháng. Số tiền được cấp bù học phí này tuy không quá lớn nhưng nếu tính chung cả học kỳ 1, 2 con anh đã được cấp bù số tiền 1,2 triệu đồng.

Thêm động lực phát triển

Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X vào đầu tháng 12 vừa qua, một nghị quyết hỗ trợ khác được ban hành liên quan đến con em công nhân, giáo viên và các cơ sở giáo dục tư thục được đón nhận rất tích cực. Với Nghị quyết về ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thời gian tới sẽ có hàng chục ngàn trẻ em là con công nhân, giáo viên và nhà trẻ, nhóm trẻ dân lập, tư thục tại các địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hưởng lợi. Các quy định để được hưởng hỗ trợ cũng được tỉnh tính toán cụ thể theo hướng tạo thuận lợi cho đối tượng được thụ hưởng.

Theo đó, với trẻ là con công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ 160 ngàn đồng/tháng (tối đa 9 tháng/năm học). Đối với giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, tư thục đóng trên địa bàn có khu công nghiệp và cụm công nghiệp trực tiếp tham gia chăm sóc và giáo dục trẻ được hỗ trợ 800 ngàn đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ trẻ và giáo viên được tính theo số tháng tổ chức chăm sóc và giáo dục.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khảo sát một nhóm trẻ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) Ảnh chụp trước tháng 4-2021
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khảo sát một nhóm trẻ tại P.An Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh chụp trước tháng 4-2021

Đặc biệt, với Nghị quyết về ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các nhóm trẻ ngoài công lập, tư thục đã được Nhà nước cấp phép hoạt động, có từ
20-70 trẻ và có ít nhất 30% trẻ là con công nhân sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền 30 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ này sẽ được dùng vào việc mua sắm đồ dùng và đồ chơi phục vụ chăm sóc và giáo dục trẻ. Với khoản hỗ trợ này, các nhà, nhóm trẻ ngoài công lập và tư thục sẽ có thêm nguồn lực để khôi phục hoạt động nhận và chăm sóc trẻ em sau một thời gian dài phải đóng cửa hoạt động vì dịch Covid-19, không có nguồn thu.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, đây không phải là lần đầu tiên Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho nhà, nhóm trẻ ngoài công lập, tư thục. Từ năm 2018, tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn tỉnh có quy mô từ 20 trẻ đến không quá 50 trẻ và có tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt ít nhất 30%. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ trang bị thiết bị dạy học và đồ dùng dạy học cho 43 nhóm trẻ, thực hiện sửa chữa nhà vệ sinh cho 30 nhóm trẻ, sửa chữa nhà bếp cho 11 nhóm trẻ với tổng kinh phí thực hiện là trên 3,1 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ này đã góp phần thúc đẩy các nhà, nhóm trẻ ngoài công lập, tư thục phát triển khá mạnh mẽ và tổ chức hoạt động ngày càng quy củ hơn, đồng thời nâng cao chất lượng việc chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ.

Niềm vui với giáo dục mầm non

Bà Trương Thủy Ngân, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Giáo dục mầm non) thuộc Sở GD-ĐT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.058 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 159 trường mầm non và 899 cơ sở mẫu giáo độc lập tư thục. Các cơ sở này tổ chức nuôi, dạy trẻ là con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với quy mô trẻ mầm non là con công nhân trên 50 ngàn trẻ. Vai trò của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khá quan trọng trong việc hỗ trợ công nhân gửi con em khi hết thời gian nghỉ thai sản đi làm trở lại, đặc biệt là những trẻ ở độ tuổi quá nhỏ hiện các trường mầm non không tiếp nhận.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, theo Nghị định 105/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non chỉ quy định hỗ trợ đối với giáo viên, trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ thêm các đối tượng trên cả ở địa bàn có cụm công nghiệp. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình một tỉnh công nghiệp vừa có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp như Đồng Nai. Sau khi được mở rộng đối tượng thụ hưởng, chính sách sẽ tạo ra sự công bằng hơn, đầy đủ hơn và quan trọng nhất là không để giáo viên và trẻ em nào không được thụ hưởng chính sách.

Giờ học ở Trường mầm non tư thục Thái Quang tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa (ảnh chụp trước tháng 4-2021)
Giờ học ở Trường mầm non tư thục Thái Quang tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa (ảnh chụp trước tháng 4-2021)

Chị Đỗ Thị Phương, chủ Nhóm nhà trẻ Hoa Mặt Trời tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình chị có mở hoạt động nhận trông giữ trẻ là con công nhân từ 1 tuổi đến dưới 3 tuổi nhiều năm nay. Lứa tuổi này thường các trường mầm non chưa nhận vì còn quá nhỏ, chăm sóc rất vất vả. Khi số lượng trẻ đông lên, gia đình chị đã đầu tư mở rộng cơ sở vật chất để chăm sóc tốt hơn. Trước khi phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19, nhóm trẻ nhà chị Phương đã lên đến gần 40 trẻ. Theo chính sách mới của UBND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, cơ sở của gia đình chị Phương sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Cụ thể, trẻ là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ 180 ngàn đồng/trẻ/tháng, giáo viên chăm trẻ được hỗ trợ 800 ngàn đồng/người/tháng, còn nhóm trẻ được hỗ trợ một lần là 30 triệu đồng.

Sau khi tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhiều giáo viên mầm non làm việc tại các nhà, nhóm trẻ tư thục, dân lập rất phấn khởi. Chị Đặng Thị Trúc Phương, làm việc tại Nhóm trẻ Hoa Nắng (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết: “Công việc của giáo viên mầm non luôn vất vả và áp lực nhưng lương lại rất thấp. Chính vì vậy, khi được hỗ trợ 800 ngàn đồng/người/tháng dựa trên thời gian làm việc thực tế trong thời gian tới, chúng tôi rất vui và có thêm động lực để làm việc”.

Công Nghĩa


Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ:

Tỉnh đã quan tâm đặc biệt đến giáo viên và học sinh lúc khó khăn

Trong thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt và kịp thời cho ngành GD-ĐT. Cụ thể là ngay khi năm học mới 2021-2022 bắt đầu, tỉnh đã lập tức thông qua và ban hành chính sách miễn giảm học phí và mới đây nhất là thông qua chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập. Đây được xem là bước đột phá lớn trong điều kiện ngân sách tỉnh đang có rất nhiều khoản phải chi cho các hoạt động khôi phục kinh tế - xã hội, an sinh xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm dành cho ngành Giáo dục, ngành sẽ từng bước vượt qua khó khăn của dịch bệnh, tiếp tục đưa hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non dân lập tư thục ngày càng hiệu quả hơn, san sẻ khó khăn với lực lượng công nhân lao động tại các cụm và khu công nghiệp.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh:

Giúp giáo viên chăm sóc trẻ thêm yên tâm gắn bó với nghề

Biên Hòa là thành phố công nghiệp lớn nhất của tỉnh, số lượng trẻ em, học sinh, giáo viên mầm non và cơ sở giáo dục mầm non dân lập và tư thục cũng thuộc hàng lớn nhất của tỉnh. Đối với chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non dân lập và tư thục, đặc biệt với các nhà nhóm trẻ, trong những năm qua dù Nhà nước đã có sự hỗ trợ nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cho rằng, Sở GD-ĐT đã tham mưu  UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ là con công nhân, giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập và tư thục có độ bao phủ lớn là rất kịp thời. Đáng mừng nhất là giáo viên làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ, với mỗi năm được hỗ trợ 9 tháng, mỗi tháng 800 ngàn đồng là một động viên rất lớn để họ yên tâm gắn bó với nghề.

Chị Trần Thị Anh, phụ huynh có con học Trường THCS Quảng Tiến (H.Trảng Bom):

Mong tiếp tục xem xét, hỗ trợ học phí cho học sinh

Là những công nhân có con đi học, trong lúc khó khăn của tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thu nhập giảm, chúng tôi rất phấn khởi vì được Nhà nước chia sẻ một cách rất kịp thời bằng việc miễn học phí học kỳ 1. Đối với gia đình có 1 con đến tuổi đi học thì khá đơn giản, nhưng với gia đình có 2 hoặc thậm chí 3 con đi học thì số tiền học phí là tương đối lớn.

Chúng tôi rất mong Nhà nước không chỉ miễn giảm học phí cho học kỳ 1 này mà thời gian tới dịch bệnh chắc chắn sẽ còn gây ra khá nhiều khó khăn cho phụ huynh. Vì thế, rất mong Nhà nước tiếp tục xem xét, hỗ trợ miễn học phí học kỳ 2 để phụ huynh an tâm, tiếp tục vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống.


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích