Lâu nay, tên gọi du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên… được các nhà quản lý, khách du lịch sử dụng khi nói về những sản phẩm du lịch gắn liền với những hành trình khám phá, trải nghiệm thiên nhiên.
Lâu nay, tên gọi du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên… được các nhà quản lý, khách du lịch sử dụng khi nói về những sản phẩm du lịch gắn liền với những hành trình khám phá, trải nghiệm thiên nhiên.
Du lịch gắn với hoạt động bảo vệ môi trường tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai do một doanh nghiệp địa phương tổ chức. Ảnh: T.MỘC |
Đồng Nai là một trong số ít địa phương của miền Nam cũng như cả nước đến nay vẫn gìn giữ khá tốt “không gian xanh” và đang ngày càng phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên. Song song đó, những thông điệp kêu gọi bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo thiên nhiên cũng được các nhà làm du lịch quan tâm.
Gìn giữ thiên nhiên
Theo nhận định của một số chuyên gia du lịch, tài nguyên du lịch của Đồng Nai gắn liền với những hệ sinh thái tự nhiên, thu hút sự quan tâm của cộng đồng du lịch. Những tài nguyên thiên nhiên sông, hồ phải kể đến tuyến du lịch sông Đồng Nai, Thị Vải, hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu, H.Định Quán), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú), hồ Núi Le (H.Xuân Lộc)…
Ngoài ra, ở Đồng Nai còn có các sinh cảnh rừng, thác, núi phong phú ở khu vực miền Nam như: Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai với Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vừa có giá trị về đa dạng sinh học vừa mang ý nghĩa lịch sử với những di tích lịch sử cách mạng của quân và dân Việt Nam, như Căn cứ cách mạng Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ…
Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tiềm năng du lịch được khai thác có hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn đối với du khách. Thương hiệu du lịch sinh thái, trong đó tập trung vào Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, VQG Cát Tiên và các địa phương có thế mạnh về du lịch sinh thái (Định Quán, Biên Hòa, Nhơn Trạch...) sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch Đồng Nai, nhưng đồng thời cũng phát triển nhiều loại hình du lịch khác mà Đồng Nai có điều kiện và thế mạnh (du lịch gắn với nông thôn, du lịch thể thao, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch cộng đồng)… |
Sự gắn kết những giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên là yếu tố thuận lợi để khai thác du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa cho Đồng Nai. Cùng với sự đa dạng, phong phú về địa hình đã tạo cho Đồng Nai những cơ hội khai thác các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, góp phần phát triển du lịch địa phương nói riêng và du lịch vùng Đông Nam bộ nói chung.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho hay, trong quá trình định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Sở VH-TTDL khảo sát, nghiên cứu những tiềm năng, đặc thù riêng của từng địa bàn để có sự tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch một cách tổng thể nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị về văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vốn có của từng địa phương. Theo ông Bằng, thời gian qua, đối với những địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh luôn chú trọng và ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm để tạo động lực thu hút đầu tư và thuận lợi cho du khách tham quan du lịch. Trong đó phải kể đến tuyến đường tỉnh nối quốc lộ 20 với VQG Cát Tiên, tuyến đường vào hồ Đa Tôn (H.Tân Phú), tuyến đường kết nối với Khu du lịch Thác Mai - Bàu nước nóng (H.Định Quán)… Cùng với cơ sở hạ tầng, tỉnh luôn khuyến khích đầu tư, hình thành trung tâm tổ chức hội nghị, triển lãm mua sắm, thể thao, giải trí quy mô lớn, hiện đại kết hợp với các sản phẩm du lịch để kích cầu du lịch cho Đồng Nai.
Đối với các doanh nghiệp lu lịch, lữ hành, không ít sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên cũng được xây dựng mở bán thu hút du khách. Tại những địa bàn có cảnh quan thiên nhiên thu hút khách tham quan cá nhân, theo nhóm nhỏ cũng được người dân địa phương thực hiện khá tốt công tác vận động giữ gìn vệ sinh môi trường, kêu gọi du khách chung sống hài hòa với thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.
Có vườn cây và sinh sống ven hồ Trị An, để người dân các nơi đến vui chơi, cắm trại quanh hồ có không khí và môi trường trong lành, thời gian gần đây, bà Lê Thị Tất (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) ngày ngày đi thu gom rác thải do khách du lịch tự do để lại sau khi đến khu vực ven hồ cắm trại, câu cá vào dịp cuối tuần. Theo bà Tất, khu vực ven hồ còn một số hộ dân khác cũng thường xuyên đi lượm rác để bảo vệ môi trường.
Bà Tất chia sẻ: “Hồ Trị An không chỉ có cảnh đẹp mà còn có hồ chứa nước phục vụ nhu cầu sản xuất điện, vùng đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh cũng như 2 tỉnh, thành lân cận là TP.HCM và Bình Dương nên chúng tôi hy vọng người dân nơi khác khi tới đây vui chơi, nghỉ dưỡng cùng chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của mọi người”.
Du lịch có trách nhiệm
Với thông điệp gìn giữ, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, những năm gần đây, Đồng Nai có những sản phẩm du lịch mang ý nghĩa bảo vệ môi trường rất lớn. Là một trong những đơn vị nổi bật với sản phẩm du lịch không rác thải, VQG Cát Tiên đang ngày càng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm không gian thiên nhiên gần như hoàn toàn không có sự tác động của con người. Đến VQG Cát Tiên, thông điệp bảo vệ môi trường, động vật hoang dã được truyền tải rất rõ nên hầu như du khách không chỉ hòa mình với thiên nhiên mà còn hòa chung ý thức bảo vệ môi trường với VQG Cát Tiên.
Tuyên truyền về du lịch không rác thải tại Vườn quốc gia Cát Tiên |
Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (VQG Cát Tiên) cho biết, phong trào chống rác thải nhựa đã được vườn phát động rộng trong toàn thể cơ quan cũng như đẩy mạnh tuyên truyền đến du khách. Đến nay, phong trào này đã trở thành thương hiệu của vườn. Những thông điệp bảo vệ môi trường được vườn đặt khắp nơi trong khu vực văn phòng cũng như những điểm khai thác du lịch. Đặc biệt, đối với khách lưu trú tại VQG sẽ không được phục vụ các loại túi nhựa, các món ăn được chế biến từ thịt rừng. Đây là quy định nghiêm cấm tại VQG.
Trong tất cả các chuyến hướng dẫn du khách tham quan tại vườn, nhiệm vụ của hướng dẫn viên ngoài việc giới thiệu những đặc điểm đa dạng sinh thái rừng còn chuyển tải thông điệp du lịch không rác thải. Ngoài ra, các thông điệp cũng như quy định của vườn về giữ gìn môi trường, không ghi, khắc chữ lên cây… cũng được vườn yêu cầu du khách thực hiện.
Với mục tiêu chung phát triển du lịch sinh thái gắn với trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đang được Đồng Nai hướng tới nhằm đưa du lịch tỉnh nhà trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh - xã hội của tỉnh. Mục tiêu trên cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân làm du lịch. Thành quả của sự nỗ lực trên có thể thấy rõ khi mà các sản phẩm du lịch sinh thái vườn ra đời ngày càng nhiều. Đây cũng có thể xem là một trong những thước đo đánh giá kết quả tốt đẹp do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại; các sản phẩm du lịch trải nghiệm hướng về thiên nhiên, mang tính giáo dục cộng đồng được du khách đón nhận và thực hiện nghiêm khi tham gia các tour; nhiều doanh nghiệp du lịch thích nghi nhanh với tình hình mới để cho ra những sản phẩm phù hợp, kích cầu cho ngành du lịch địa phương. Vừa góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, vừa giúp cư dân địa phương được hưởng lợi và phát triển bền vững.
Thủy Mộc