Ngày 25-12-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 bảo vật quốc gia. Theo đó, lần đầu tiên Đồng Nai có 2 bảo vật quốc gia là: Qua đồng Long Giao (15 hiện vật) và Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Báo Đồng Nai cuối tuần xin giới thiệu những dấu ấn văn hóa độc đáo này.
Ngày 25-12-2021, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 bảo vật quốc gia. Theo đó, lần đầu tiên Đồng Nai có 2 bảo vật quốc gia là: Qua đồng Long Giao (15 hiện vật) và Tượng thần Vishnu Bình Hòa. Báo Đồng Nai cuối tuần xin giới thiệu những dấu ấn văn hóa độc đáo này.
Bài 1: Qua đồng Long Giao
4 trong số 15 tiêu bản qua đồng Long Giao |
Địa điểm khảo cổ học Long Giao (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) từng là địa danh nổi tiếng từ sau năm 1982, khi Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm được cả kho vũ khí đồng thau kiểu qua với 15 tiêu bản nguyên vẹn và nhiều mảnh vỡ, cùng 1 rìu đồng lưỡi trũng parabol trong khoảnh đất hẹp ở sườn Đồi 57, một miệng núi lửa cổ khá đẹp.
Qua là tên gọi dùng để chỉ một loại vũ khí giáp chiến đánh gần thuộc hệ bạch khí trong lịch sử, nó còn được gọi là binh khí mũi nhọn (câu binh, chủng binh) với tác dụng chủ đạo là bổ, chém và móc. Qua làm từ chất liệu đồng. Nhóm qua đồng phát hiện ở Long Giao được xem là loại vũ khí có tính năng sử dụng trong chiến đấu, đồng thời cũng có thể là loại vũ khí biểu trưng cho quyền uy, vị thế của con người quan trọng (thủ lĩnh) trong cộng đồng.
Bộ sưu tập Qua đồng đồ sộ, chưa từng thấy ở bất cứ vùng nào về quy mô, trọng lượng và hoa văn trang trí trên thân
Về cơ bản, chúng có cấu tạo gồm 3 phần: lưỡi, đốc, chuôi. Đốc và chuôi tương đối ổn định. Chuôi gần như là hình thang với các cạnh thẳng hay cong lõm. Đốc giống hình dao thợ giày với 1 cạnh thẳng, cạnh hợp thành uốn cong và mũi đốc nhọn. Lưỡi là bộ phận biến dạng nhiều nhất, góc lưỡi mở rộng, rìa lưỡi phía dưới phát triển dài theo cạnh cong của đốc, rìa trên của lưỡi có nhiều chiếc phát triển dài tới mẫu.
Ngoài nhóm qua đồng 15 tiêu bản được công nhận là bảo vật quốc gia, khảo cổ học còn có các phát hiện mới về qua đồng ở chính Long Giao và ngoài Long Giao (Định Quán, Biên Hòa, Tân Uyên, Thủ Đức…) chứng tỏ rằng “mảnh đất này” trong buổi sơ kỳ Thời đại sắt cũng không còn “thanh bình” như quá vãng, với những “biểu tượng quyền lực” của thủ lĩnh cộng đồng có qua, có trống Heger I, có cả cây kiếm sắt - những cổ vật có ý nghĩa giống như các biểu tượng uy quyền của giới quý tộc bản xứ và tiềm ẩn những chức năng quân sự và chính trị của đẳng cấp xã hội thực quyền và xuất hiện không chỉ với tư cách vũ khí chiến đấu mà còn như biểu tượng của quyền lực sơ khai ở “Thời đại mà tất cả các dân tộc văn minh đều trải qua với lịch sử anh hùng của họ: thời đại cây kiếm sắt” (Engels, F.1884)… |
Cùng với trọng lượng, độ bén nhọn, sự mở rộng rìa lưỡi là một đặc điểm kỹ thuật bộc lộ tính năng ưu việt của nhóm qua này. Ngoài chém bổ, người ta có thể còn lia quét nhằm mở rộng tới tối đa tầm hoạt động của qua cũng như khả năng sát thương của nó.
Dọc theo rìa cạnh thẳng của đốc, ngoài 2 tiêu bản có 4 lỗ, đa số chúng có 3 lỗ hình chữ nhật dài để xuyên dây buộc cán (lỗ buộc cán). Các lỗ này thường có hình chữ nhật, nằm trên một trục thẳng, kích cỡ gần bằng nhau và phụ thuộc vào chiều dài của đốc. Nơi tiếp giáp giữa chuôi và phần trên đốc gần ở khoảng giữa cánh còn có một lỗ nhỏ nữa (hình vuông, chữ nhật, nửa bầu dục, bầu dục hay hình trái lê) đó là lỗ chốt cán. Cùng với cặp cánh, lỗ chốt này cố định một cách chắc chắn lưỡi qua với cái cán gỗ của nó.
Hoa văn qua đồng Long Giao được trang trí bằng kỹ thuật đắp và rạch vẽ để tạo nên những khung văn hình học cân xứng ở hai mặt, dày đặc, tinh vi và sắc xảo. Đó là những vòng tròn xoáy ốc tiếp tuyến, những hình tam giác độc lập hay xếp như răng cưa, những vạch ngắn song song và chấm nổi. Đặc biệt có cả hoa văn hình mặt trời (hoặc những cánh sao), dạng văn chủ đạo và trang trọng nhất của mặt mọi trống đồng.
Về hình loại căn bản, nhóm qua Long Giao mang những đặc trưng chung từng biết qua các thống kê hình thể của các sưu tập qua đồng lớn nhất của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chúng còn có những dị biệt về kiểu dáng mang tính độc bản.
Sản phẩm văn hóa bản địa của cư dân văn hóa Đồng Nai, là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo
Với toàn bộ kết quả khảo cứu chất lượng hiện vật và loại hình học, cùng kết quả giám định Hóa - Quang phổ định lượng đối sánh các hiện vật sưu tầm và hiện vật được chính tay các nhà khảo cổ học khai quật trong mộ địa (Dốc Chùa, Bình Dương) hay trong lòng mộ chum gốm (Bàu Hòe, Bình Thuận) và cả nhóm qua đồng tìm thấy bên cạnh các tiêu bản rìu đồng “đặc sản” Đồng Nai ở Phú Túc và Là Ngà, thuộc H.Định Quán, có thể khẳng định rằng: Nhóm qua đồng Long Giao chính là sản phẩm của người thợ đúc đồng bản địa Đồng Nai thời Sơ sắt.
Về kích thước và dáng lưỡi, nhóm qua Long Giao gần gũi với nhóm qua Dốc Chùa, Bàu Hòe, nhưng khác biệt hẳn với qua Đông Sơn và qua Trung Nguyên (Trung Quốc). Đặc biệt, khung hoa văn trang trí thành hai phần trên và dưới đốc, ngoài dạng hoa văn những đường chấm như xương cá hay chữ S vuông gãy góc, các dạng thức còn lại, nhất là những rãnh chìm hay viền nổi, những vòng tròn xoáy ốc, chữ S với các dạng tiếp tuyến, vành giống ô trám nhỏ… của nhóm qua Dốc Chùa, Bàu Hòe rất giống với nhóm qua Long Giao. Đó là những biểu hiện chắc chắn của mối quan hệ nguồn gốc trực tiếp của nhóm qua Long Giao với nhóm qua Dốc Chùa, Bàu Hòe.
Xét trên bình diện phân bố rộng lớn của qua đồng ở sơ kỳ thời đại sắt, nhóm qua đồng Long Giao là một sưu tập độc đáo, mang những nét riêng của Đông Nam Á lục địa nói chung và Nam Đông Dương nói riêng so với sưu tập qua Trung Nguyên (Hoa Bắc, Hoa Trung), Nội Mông, Triều Tiên và cả với sưu tập qua thuộc văn hóa Đông Sơn (bao hàm cả Lào và Hoa Nam). Sự khác biệt đó thể hiện rõ qua các số đo về kích thước lưỡi, đốc và chuôi, cũng như qua hình dáng và hoa văn trang trí của chúng.
Hiện tượng qua đồng tìm thấy cùng chỗ với rìu đồng cũng là phổ biến ở Đồng Nai. Nhóm qua Long Giao (15 tiêu bản qua cùng 1 rìu đồng lưỡi trũng); Phú Túc (1 chiếc qua cùng 3 rìu đồng được chôn trong một chum gốm); La Ngà (gồm 4 qua đồng và 5 rìu đồng). Sự có mặt bên cạnh qua đồng của những chiếc rìu đồng là sản phẩm bản địa vì được chế tạo “tại chỗ” với hàng trăm khuôn đúc sa thạch và nhiều thành phẩm trong kho tàng và mộ địa Đông Nam bộ là rất có ý nghĩa. Chính chúng xác nhận sự hiện diện “đích thực” của chính bản thân sưu tập qua đồng trên mảnh đất này.
Cảm thụ và sáng tạo trong giao lưu, tiếp biến văn hóa Đồng Nai
Nhóm qua đồng ở Long Giao và cả Phú Túc, La Ngà (Đồng Nai) trong những năm gần đây, gắn với các phát hiện từ trước về qua đồng ở Dốc Chùa (Bình Dương), Bàu Hòe (Bình Thuận)… chứng tỏ văn hóa Tiền - Sơ sử Đồng Nai, giai đoạn hậu kỳ đồng - sắt sớm có sự giao lưu mạnh mẽ với các khu vực Trung Nguyên, trong địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn (nam Trung Quốc và bắc Việt Nam) và từ công nghệ ấy đã sáng tạo ra một sưu tập qua đồng mang những đặc trưng của miền Đông Nam bộ Việt Nam.
Qua đồng - loại vũ khí quan trọng thời sơ sắt vốn là thứ vũ khí, là “đặc sản” của văn minh Trung Hoa từng được Lý Tề coi là “quyền trượng” hay “nghi trượng” chỉ được dành trang bị cho “thủ lĩnh một đội quân” từng được biến cải với các “mẫu mã” khác lạ với “nguyên quán” từ Vân Nam, đến Thái Lan và Đông Sơn, khi đến đất Đồng Nai đã trở thành sản phẩm văn hóa “của riêng” Đồng Nai - một sưu tập “kiểu qua” lớn chưa từng thấy ở châu lục về kích thước và trọng lượng, lại mang trong mình kiểu thức trang trí hình học theo phong cách đặc sắc của Đông Sơn, nhất là các vòng tròn đơn hay xoáy ốc, các đường gấp khúc tạo hình tam giác - răng cưa, các vạch ngắn song song như hình “nan chiếu”, các chấm dải…
Sự có mặt hoa văn giống Đông Sơn trên qua đồng Long Giao xác nhận quan hệ chắc chắn hơn của cư dân Việt cổ thuở sơ sắt với người Đồng Nai ở những thế kỷ sôi động gần Công nguyên nhất - “khi mà những âm thanh của đàn đá truyền thống hòa nhập với trống Đông Sơn vang vọng khắp miền đất rộng lớn và đầy sức sống này”.
Nguyễn Hồng Ân
Bài 2: Tượng thần Vishnu Bình Hòa