Chuyên án 920G của Công an tỉnh Đồng Nai có nhiều nét đặc biệt. Đây là chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, hoạt động có tổ chức ở nhiều tỉnh, thành
Chuyên án 920G của Công an tỉnh Đồng Nai có nhiều nét đặc biệt. Đây là chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, hoạt động có tổ chức ở nhiều tỉnh, thành. Địa bàn phá án từ đường bộ đến đường biển, đường sông. Do tính chất phức tạp của chuyên án nên thời gian đánh án, điều tra chuyên án kéo dài từ trước Tết Nguyên đán năm 2021 đến nay vẫn chưa thể kết thúc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tặng quà cho Ban giám đốc Công an tỉnh vì đã thực hiện thành công chuyên án 920G. Ảnh: T.Danh |
Hành trình đi phá án của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các tỉnh, thành liên quan khá gian nan, với không ít khó khăn, nguy hiểm.
* Truy tìm manh mối của đường dây xăng giả
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, thời điểm bắt tay vào xác minh đường dây tội phạm này là vào giữa tháng 9-2020. Thời điểm đó, Công an tỉnh nhận được một số nguồn tin của quần chúng nhân dân báo một số cây xăng trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu mua bán xăng giả, xăng kém chất lượng. Bên cạnh thông tin này, lực lượng công an cũng xác định có một số xe máy tự dưng bốc cháy khi đang chạy trên đường nghi do sử dụng phải xăng giả.
Xâu chuỗi các nguồn thông tin này, Ban giám đốc Công an tỉnh xác định cần phải điều tra để xác minh có hay không một đường dây mua bán xăng giả? Và sau đó, lực lượng trinh sát đã được cắt cử vào cuộc xác minh và tiến hành thu thập chứng cứ điểu tra.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, đến nay chuyên án 920G đã kết thúc giai đoạn 1. Lực lượng công an đã bắt, khởi tố 99 đối tượng liên quan để điều tra về 6 tội danh. Công an cũng đã thu giữ 18 tàu thủy (tải trọng từ 400 đến 5 ngàn tấn); 10 xe bồn; niêm phong 37 cây xăng, khoảng 3,8 triệu lít xăng, 1,6 triệu lít dầu nhập lậu; 18 xe ô tô; 178 tỷ đồng, gần 300 ngàn USD, 104 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 51 tài khoản ngân hàng với số tiền bị phong tỏa hơn 217 tỷ đồng. |
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang cho biết, để xác định có hay không việc một số cây xăng buôn bán xăng giả, lực lượng công an đã phải bí mật lấy mẫu gửi đi giám định. Không chỉ một lần, mỗi khi phát hiện có những chuyến xe nhập xăng vào những cây xăng trong diện nghi vấn, ngay lập tức các trinh sát lại tiến hành lấy mẫu. Kết quả khá bất ngờ, các mẫu gửi đi giám định đều cho kết quả là xăng giả, xăng kém chất lượng.
Đến lúc này, Ban chuyên án xác định về việc buôn bán xăng giả của một số cây xăng trên địa bàn. Việc tiếp theo là phải lần ra đường dây đã nhập xăng, dầu giả này bắt nguồn từ đâu? Các mũi trinh sát đã được lệnh đeo bám theo các xe vận chuyển xăng, dầu để tìm ra nguồn gốc xuất xứ.
Sau một thời gian dài đeo bám, lực lượng trinh sát đã dần phát hiện một đường dây hoạt động rộng khắp tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam. Đặc biệt, đường dây mua bán xăng giả này có liên quan đến rất nhiều công ty chuyên kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn tại các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang...
Theo đại tá Nguyễn Ngọc Quang, nguồn xăng cung cấp cho các công ty này lại được thực hiện bằng đường biển với những loại tàu có tải trọng lớn có kết nối với các tàu nước ngoài để nhập xăng vào Việt Nam ở khu vực phao số 0 thuộc vùng biển phía Nam.
* Gian nan công tác trinh sát
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang cho biết, khó khăn nhất của chuyên án là các đối tượng hoạt động chủ yếu trên tuyến đường biển, đường sông. Trong khi đó, lực lượng trinh sát không quen địa hình, môi trường sông nước nên nhiều trinh sát đã phải rất vất vả trong quá trình đeo bám.
Thời điểm triển khai đánh án lại trùng vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021, hầu như mọi hoạt động của người dân đều tập trung vào việc vui chơi, đón Tết. Thế nhưng, hàng trăm CBCS lại âm thầm vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ. Trong đợt phá án đó, nhiều CBCS đã gần như không thể về nhà đón Tết. Họ đã miệt mài ngày, đêm trực tiếp đến các địa điểm phát hiện các cây xăng, tàu vận chuyển xăng để khám nghiệm, thu thập chứng cứ. “Nhớ nhất là những chuyến hành trình dài ngày trên biển của anh em chiến sĩ. Các CBCS đã phải thuê tàu chở ra tận phao số 0 để kiểm tra thực tế và thực nghiệm hiện trường. Nhiều anh em không quen với sóng to, gió lớn nên cũng rất vất vả trong suốt hành trình nhiều ngày trên biển” - đại tá Nguyễn Ngọc Quang kể lại.
Trong quá trình trinh sát, lực lượng công an còn phát hiện các đối tượng dùng chiêu thức đánh lừa cơ quan chức năng bằng cách cho người bơm nước vào các tàu chở xăng, dầu. Mục đích của các đối tượng này là thử xem lực lượng công an có theo dõi, tiếp cận để bắt giữ hay không? Nếu lực lượng trinh sát không nắm được thủ đoạn này mà triển khai lực lượng để bắt giữ thì sẽ rơi vào kế của họ.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết, trong quá trình lấy lời khai để phục vụ công tác điều tra, các đối tượng cũng thừa nhận đã nhiều lần thực hiện thủ đoạn này để “thử” cơ quan chức năng.
Một vấn đề khác mà rất nhiều cán bộ, trinh sát phải luôn đối mặt đó là sự nguy hiểm từ các đối tượng liên quan. Các đối tượng trong đường dây này đã sử dụng dân “xã hội” để “giám sát” các cơ quan chức năng. Không riêng gì công an, các đối tượng còn giám sát cả lực lượng hải quan, cảnh sát biển...
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang kể: “Trong quá trình thực hiện chuyên án, lực lượng trinh sát đã nhiều lần phải đối diện với các đối tượng giang hồ được các đối tượng thuê để theo dõi. Cứ hễ thấy chiếc xe nào có biển số lạ là các đối tượng theo dõi. Nguy hiểm hơn, các đối tượng còn thuê dân “xã hội” theo sát lực lượng, khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, các đối tượng này sẵn sàng thủ tiêu bằng cách gây ra các tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyên án, các trinh sát cũng đã nắm bắt được các thủ đoạn này”.
Đặc biệt, đối với Nguyễn Hữu Tứ (quê tỉnh Vĩnh Long, một trong 2 đối tượng cầm đầu), theo lực lượng công an, đây là đối tượng cộm cán và rất manh động. Đối tượng này đã nhiều lần cho “giang hồ” vây ráp, sẵn sàng tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi giáp mặt với đàn em của đối tượng này, lực lượng trinh sát đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ mưu trí, linh hoạt mới giữ được bí mật cho công tác phá án đến phút cuối.
* Huy động tổng lực để đánh “mẻ lưới” lớn
Theo Công an tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện chuyên án 920G, Ban chuyên án đã huy động một lượng CBCS rất đông. Thiếu tướng Vũ Hồng Văn thời điểm đó mặc dù đang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại TP.Hà Nội nhưng vẫn theo sát, chỉ đạo từ xa.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang được phân công chịu trách nhiệm tổng chỉ huy các mũi trinh sát ở các tỉnh: Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng đã huy động các đồng chí Phó giám đốc: đại tá Lê Quang Nhân, đại tá Trần Tiến Đạt và đại tá Nguyễn Xuân Thao cùng tham gia chỉ đạo tại các địa điểm bắt, khám xét. Riêng mũi ở TP.Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã huy động gần 300 CBCS tham gia, do đại tá Mai Hoàng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an trực tiếp chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang cho biết, sau quá trình trinh sát địa bàn, Ban chuyên án dự kiến sẽ triệt phá đường dây này vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, các đối tượng đã nghi ngờ có lực lượng công an theo dõi nên kế hoạch phải tạm dừng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang nhớ lại: “Thời điểm đó, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường từ các đối tượng, Ban chuyên án đã họp bàn xác định có thể đối tượng đã phát hiện bị lộ nên dừng hoạt động. Trước tình thế đó, Ban chuyên án đã yêu cầu các mũi trinh sát kiên trì bám trụ và tiếp tục chờ cơ hội phá án”.
Đến ngày 4-2-2021 (khi còn gần 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021), thông tin từ các trinh sát cho biết, các đối tượng bắt đầu hoạt động trở lại bằng những chuyến tàu nhập hàng. Ngay khi nhận được thông tin này, Ban chuyên án đã chỉ đạo các mũi trinh sát tiếp tục đeo bám, nắm chắc tình hình, đồng thời lên kế hoạch bắt giữ.
Thực hiện chỉ đạo của thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh, Ban chuyên án 920G đã ngay lập tức điều quân đến khu vực H.Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), nơi các đối tượng đang tiếp nhận các chuyến tàu chở xăng, dầu để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Đêm 6-2-2021, khi chiếc xe vận chuyển xăng dầu của Công ty TNHH 565 vừa chở xăng từ kho xăng ở H.Bến Lức (tỉnh Long An) của Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM, một trong 2 đối tượng cầm đầu) về đến địa phận Đồng Nai, lực lượng trinh sát ngay lập tức bắt giữ. Đồng thời, các tổ công tác ở địa bàn các tỉnh, thành khác cũng được lệnh đồng loạt ập vào kiểm tra, bắt giữ các đối tượng ở các địa điểm này. Đặc biệt, tổ trinh sát tại H.Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cũng đã bất ngờ bắt quả tang tàu Nhật Minh - 08 đang bơm xăng sang các phương tiện khác.
Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, các tổ công tác đã đồng loạt tiến hành khám xét trụ sở các công ty, các cây xăng trong đường dây này với tổng cộng 15 điểm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang khẳng định, trong chuyên án này, lực lượng công an đã chuẩn bị rất kỹ các phương án tác chiến nên khi triển khai thực hiện đã bắt giữ 100% các đối tượng liên quan, không để bất kỳ đối tượng nào trốn thoát. Thành công nhất của chuyên án là bắt được tận gốc các đối tượng liên quan và đặc biệt là đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong việc vận chuyển xăng, dầu được nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam để tiêu thụ.
Trần Danh