Báo Đồng Nai điện tử
En

Dũng cảm đương đầu với 'bão' lửa

08:01, 07/01/2022

Năm 2021, trên toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều vụ cháy lớn do hóa chất, cháy trong đêm khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Năm 2021, trên toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều vụ cháy lớn do hóa chất, cháy trong đêm khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) dập tắt vụ cháy xảy ra ngày 11-12 tại Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Thúy Hồng Phát (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom)
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) dập tắt vụ cháy xảy ra ngày 11-12 tại Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Thúy Hồng Phát (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Ảnh: CTV

Với tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, những người lính cứu hỏa đã không ngại nguy hiểm, xông pha vào không chế “bão lửa”, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của doanh nghiệp; ngăn ngừa cháy lan, cháy lớn sang các công trình lân cận.

* Không ngại nguy hiểm

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), trong 31 vụ cháy xảy ra trong năm 2021, có đến 15 vụ cháy các kho, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh (chiếm 48,4% tổng số vụ cháy). Trong đó có không ít vụ cháy phức tạp với các chất cháy nguy hiểm (hóa chất dễ bắt lửa, có nguy cơ gây nổ), xảy ra vào thời tiết nắng nóng và nhất là ban đêm, khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Như vụ cháy lớn xảy ra ngày 11-12 tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thúy Hồng Phát (thuộc xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Do công ty này có nhiều nguyên vật liệu gỗ, dung môi sản xuất gỗ nên lực lượng cảnh sát PCCC đã huy động 10 xe chuyên dụng với hàng trăm chiến sĩ tham gia dập lửa suốt 3 giờ liền mới ngăn được ngọn lửa lan sang các công ty bao bì ở lân cận. Hay các vụ cháy ban đêm tại Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh) vào tối 29-11 và Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) tối 11-10 đều khiến lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tốn nhiều thời gian, chữa cháy xuyên đêm mới dập tắt được vụ cháy.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đánh giá, trong năm 2021 nhờ sự nỗ lực, tinh thần dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ mà nhiều vụ cháy xảy ra được dập tắt kịp thời, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Để nâng cao trình độ chuyên môn khi thao tác phương tiện PCCC, Công an tỉnh vừa tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu nâng cao nghiệp vụ về quản lý, sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ cho 65 cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh.

Thiếu tá Phạm Quốc Chung, Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Long Khánh (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh) nhớ tại: “Diện tích đám cháy tại Công ty TNHH United Jumbo khá lớn lên đến hàng ngàn mét vuông, lượng hàng hóa tồn trữ trong kho rất nhiều, chủ yếu là hạt nhựa thuộc danh mục chất nguy hiểm dễ cháy. Do đó, chúng tôi phải huy động lực lượng, phương tiện từ nhiều đơn vị tham gia dập lửa xuyên đêm từ 21 giờ ngày 29-11 đến 5 giờ ngày 30-11 mới khống chế đám cháy, ngăn chặn cháy lan sang các khu vực lân cận”.

Qua thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, 15 vụ cháy nêu trên xảy ra cả ở các khu công nghiệp lẫn trong khu dân cư. Các cơ sở trên chứa nhiều loại vật liệu dễ cháy (gỗ, vải, giấy, hạt nhựa…), hóa chất nguy hiểm (dầu, dung môi ngành gỗ, mực in…) nên thời gian chữa cháy thường kéo dài. Đáng nói, khi bị tác dụng bởi nhiệt độ cao của ngọn lửa, nhiều loại hóa chất còn sinh ra khói, khí độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế tầm nhìn, gây khó khăn trong quá trình thoát nạn và cứu chữa đám cháy. Ngoài ra, nhiệt lượng do đám cháy tỏa ra rất lớn làm biến dạng cấu kiện xây dựng, có khả năng sập cấu kiện xây dựng, do đó gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy khi tiếp cận ngọn lửa.

Không chỉ đối diện với các nguy hiểm khi đương đầu với cháy lớn, lực lượng Cảnh sát PCCC còn đối diện với nguy cơ nhiễm độc hại khi xử lý vụ cháy rác thải y tế. Đơn cử như vụ cháy xảy ra ngày 14-9 tại Công ty CP Môi trường Tân Thiên Nhiên (thuộc xã Bàu Cạn, H.Long Thành), với chất cháy chủ yếu tại cơ sở là rác thải y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển về với nhiều chất thải độc hại.

Thiếu tá Phạm Minh Hoàng, Phó đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Nhơn Trạch (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh) kể lại, khi đến hiện trường, đám cháy đã bao trùm nửa nhà xưởng, lò đốt rác y tế. Ban đầu công tác tiếp cận đám cháy rất khó khăn do ngọn lửa tỏa nhiệt lớn và lượng khói tỏa ra dày đặc gây cản trở cho công tác chữa cháy. Do đó, để hạn chế bớt nhiệt độ từ đám cháy và lượng khói dày đặc, bản thân thiếu tá Hoàng đã chỉ đạo triển khai đội hình phun sương trước, sau khi cơ bản tiếp cận được đám cháy thì tiến hành phun nước trực diện các hướng vào đám cháy. Sau khoảng hơn 3 giờ chiến đấu với “giặc lửa” thì đám cháy đã cơ bản được khống chế, không cho lan sang các khu vực khác và bảo vệ được một phần nhà xưởng cháy. Tuy nhiên, mùi khói tỏa ra khá dày và việc chiến sĩ phải tiếp cận gần rác thải y tế nên nguy cơ nhiễm độc hại cao.

* Trụ lại nhờ lòng yêu nghề

Đến với nghề lính cứu hỏa, nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ đã xác định được những khó khăn, vất vả, hy sinh mà bản thân sẽ phải trải qua. Nhưng bằng tình yêu dành cho công việc, trước sự nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp, họ đã cố gắng vượt qua những khó khăn, gian khổ khi đối diện với “bão” lửa.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) dập tắt vụ cháy  xảy ra ngày 29-11 tại Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh)
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) dập tắt vụ cháy xảy ra ngày 29-11 tại Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh). Ảnh: CTV

Thiếu tá Phạm Quốc Chung bộc bạch: “Lúc đầu khi tôi chọn làm lính cứu hỏa, gia đình đã can ngăn vì cho rằng đây là nghề gian khổ, nguy hiểm; lễ, Tết ít khi được quây quần cùng người thân. Nhưng khi mọi người hiểu đó là đam mê của tôi thì họ luôn ủng hộ và là hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm công tác. Có thể nói, chính tình yêu nghề và sự chia sẻ từ gia đình là động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cố gắng phấn đấu hơn nữa cho nghề mà mình đã chọn”.

Không chỉ thiếu tá Phạm Quốc Chung mà nhiều cán bộ, chiến sĩ cứu hỏa khác cũng xác định, đây là công việc đặc thù, bản thân mỗi người phải luôn phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kỳ lúc nào, luôn phải linh động ứng phó với các tình huống nguy hiểm trong khi tham gia chữa cháy.

Trung tá Lê Đức Hiệp, Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh) cho biết, để cán bộ, chiến sĩ có các dịp lễ vui vẻ, ấm cúng, tập trung đủ quân số trực, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, đơn vị thường tổ chức các hoạt động gói bánh chưng dịp Tết. Đây là các hoạt động thắt chặt tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ và tạo không khí vui tươi đón Tết trong đơn vị.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều