Cuối tháng 7-2021, khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai diễn biến phức tạp, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế vào làm việc với Sở Y tế Đồng Nai để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, đóng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương |
Cuối tháng 7-2021, khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Đồng Nai diễn biến phức tạp, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế vào làm việc với Sở Y tế Đồng Nai để thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương, đóng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Sau 5 tháng đồng hành với Đồng Nai điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân Covid-19 nặng, đến nay đoàn cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã rút đi để hỗ trợ cho các địa phương khác, bàn giao Trung tâm cho tỉnh Đồng Nai quản lý.
Không thể ngồi yên khi dịch bùng phát
* Đoàn công tác Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn điều gì khi đến Đồng Nai, thưa ông?
- Cuối tháng 6-2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An khiến chúng tôi không thể ngồi yên được. Cùng lúc đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các bệnh viện Trung ương khẩn trương thành lập các Trung tâm hồi sức tích cực tại các địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19.
Chúng tôi được phân công thành lập Trung tâm hồi sức tích cực ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất với quy mô 500 giường bệnh. Với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, hạn chế tối đa số ca tử vong, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp với Sở Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất huy động trang thiết bị, máy móc, con người, thuốc men nhằm đưa trung tâm đi vào hoạt động sớm nhất. Cùng với Bệnh viện Phổi Trung ương, các đồng nghiệp ở Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện K71 Trung ương cũng vào hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu Trung tâm thiếu thiết bị, chúng tôi cố gắng vận động từ nhiều nguồn để đưa vào Đồng Nai, triển khai kỹ thuật cao nhất là chạy ECMO để cứu chữa bệnh nhân.
Tất cả cán bộ, y, bác sĩ của 4 bệnh viện đều trên dưới một lòng, cố gắng vừa làm vừa bảo ban nhau, người làm trước chỉ cho người sau, tạo thành một đội thống nhất. Chúng tôi cũng hỗ trợ cho Đồng Nai, Long An và Bình Dương tiếp cận, sử dụng thuốc kháng virus Monupiravir từ rất sớm.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác điều trị của cả 3 tầng mà ở thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội nhất, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở Đồng Nai thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước và một số địa phương lân cận. Điều này khiến chúng tôi rất hạnh phúc.
* Ông ấn tượng nhất điều gì trong gần nửa năm chống dịch cùng Đồng Nai?
- Tôi ấn tượng nhất với Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ. Cứ 4 giờ sáng, BS Vũ gửi báo cáo công tác chống dịch trong ngày cho tôi. Tôi đọc báo cáo thấy điểm nào chưa được, điểm nào cần phát huy sẽ phản hồi lại ngay. Có những nội dung tôi nói rất gay gắt để BS Vũ và các đồng nghiệp thấy quan trọng, nỗ lực thực hiện. Mặc dù không gặp nhau trực tiếp nhưng qua giao ban trực tuyến, chúng tôi trao đổi rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phòng, chống dịch. Lãnh đạo Sở Y tế là người rất tâm huyết. Đối với 1 vấn đề, nếu không thể giải quyết được bằng cách này thì phải được giải quyết bằng cách khác, không bỏ cuộc trước khó khăn. Anh em ở Trung tâm hồi sức tích cực cũng có tinh thần rất phấn chấn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.
Đoàn cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương chụp hình lưu niệm với lãnh đạo, cán bộ Sở Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước khi chia tay Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung |
* Sau khi bàn giao Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 cho Sở Y tế Đồng Nai quản lý, bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ Đồng Nai ra sao?
- Sau khi bàn giao trung tâm, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Đồng Nai công tác đào tạo nhân lực hồi sức tích cực. Đồng thời hỗ trợ hoạt động mô hình trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi để cứu người, chỉ có riêng hồi sức không là chưa đủ, phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ cơ sở. Y tế cơ sở phải kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của người bệnh để điều trị, hạn chế tối đa chuyển tuyến. Khi phải chuyển lên tuyến trên phải có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao để có thể thực hiện thành công các kỹ thuật cao nhằm cứu sống người bệnh.
Trăn trở vấn đề thu nhập của bác sĩ
* Ông có chia sẻ rằng đang xây dựng Bệnh viện Phổi Trung ương thành bệnh viện hạnh phúc. Điều đó cụ thể là gì?
- 2 năm trước, chúng tôi xây dựng Bệnh viện Phổi Trung ương thành bệnh viện văn minh. Tức là sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên phải cố gắng, nỗ lực rèn luyện tay nghề chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc, hướng đến xây dựng Bệnh viện Phổi Trung ương mang tầm thế giới.
Tôi có suy nghĩ bác sĩ, nhân viên y tế phải xem bệnh viện là nhà để truyền tải niềm vui, niềm hạnh phúc của người thầy thuốc đến với người bệnh, giúp người bệnh cảm thấy hài lòng khi đến với bệnh viện. Chúng tôi đặt ra nhiều tiêu chí cho từng khoa, phòng trong bệnh viện, làm sao để từng khoa, phòng hạnh phúc thì toàn bệnh viện mới thực sự hạnh phúc.
Chẳng hạn, chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từng khoa, phòng sẽ rà soát từng cán bộ, nhân viên, nếu nhận thấy ai có điều kiện khó khăn sẽ làm đề xuất. Bệnh viện sẽ trích tiền từ Qũy Bệnh viện hạnh phúc (vận động từ cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện) để hỗ trợ cán bộ, nhân viên còn khó khăn, giúp tất cả cán bộ, y, bác sĩ trong bệnh viện đều có cơ hội đón Tết đầy đủ, đầm ấm cùng gia đình.
Qua đó, các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện thấu hiểu, gắn kết, chia sẻ với nhau không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống.
* Qua đợt dịch vừa qua cho thấy mức thu nhập của cán bộ y tế chưa tương xứng với công sức mà các y, bác sĩ đã bỏ ra. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Vấn đề thu nhập của cán bộ y tế khiến tôi trăn trở rất nhiều năm nay. Để có thể thu hút và giữ chân người tài, lãnh đạo bệnh viện cần phải xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh, công bằng, dân chủ, để các bác sĩ thấy rằng sự cống hiến của mình được ghi nhận. Nếu chẳng may mắc phải sai lầm, họ có cơ hội để sửa chữa nhân văn. Như vậy, công tác thi đua - khen thưởng phải kịp thời, khích lệ, động viên được cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, yếu tố cực kỳ quan trọng là thu nhập của bác sĩ phải đảm bảo để họ có thể trang trải cuộc sống gia đình. Nếu con xin tiền đóng tiền học mà cha/mẹ bác sĩ nói con phải chờ 1 tuần nữa mới có tiền đóng thì không thể chấp nhận được. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở lương tháng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng không thể đảm bảo cuộc sống bản thân, chưa nói gì đến phụ giúp gia đình.
* Vậy ông có kiến nghị, đề xuất gì để nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế?
- Trong khi chờ đợi Nhà nước có những chính sách tiền lương, hỗ trợ phù hợp với cán bộ, nhân viên y tế, tôi nghĩ rằng chúng ta nên tính đến hình thức xã hội hóa y tế cơ sở. Tức là hằng tháng, hằng năm người dân đóng góp tiền để duy trì hoạt động của các trạm y tế lưu động. Chẳng hạn, phường tôi đang ở có 23 ngàn dân, mỗi người chỉ cần đóng 10 ngàn đồng/tháng là sẽ có số tiền 230 triệu đồng. Số tiền này dùng để chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên y tế của trạm y tế lưu động, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cả trong và sau khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc.
Dĩ nhiên, trạm y tế lưu động phải hoạt động có hiệu quả, đi vào thực chất, hướng tới mô hình y tế gia đình. Như vậy, cán bộ y tế sẽ vừa có thêm thu nhập mà người dân lại được chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở, không phải lên các tuyến trên.
* Xin cảm ơn ông!
Liên quan đến biến thể virus Omicron, PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, biến thể này có khả năng lây nhiễm gấp 5 lần so với chủng Delta nhưng triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được chủ quan bởi nếu số ca bệnh tăng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế và dẫn đến tử vong. Người dân cần thực hiện nghiêm 5K để hạn chế ca mắc, chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh những thảm họa đáng tiếc. |
Hạnh Dung (thực hiện)