Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ Trịnh Lữ: Vẽ gì cũng là tự họa

06:01, 07/01/2022

Những bức tranh về ngày Tết của họa sĩ Trịnh Lữ được ông ưu ái đưa vào tập sách mới phát hành đầu năm 2022 của ông: Vẽ gì cũng là tự họa (NXB Mỹ thuật và Omega Plus ấn hành).

Những bức tranh về ngày Tết của họa sĩ Trịnh Lữ được ông ưu ái đưa vào tập sách mới phát hành đầu năm 2022 của ông: Vẽ gì cũng là tự họa (NXB Mỹ thuật và Omega Plus ấn hành).

Trịnh Lữ và tác phẩm Vẽ gì cũng là tự họa
Trịnh Lữ và tác phẩm Vẽ gì cũng là tự họa

Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn) sinh năm 1948 tại Hà Nội, thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông từng là biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó sang Mỹ từ đầu những năm 1990 làm việc cho các tổ chức quốc tế và có các cuộc triển lãm tranh tại New York.

Ở tuổi 74 tuổi, Trịnh Lữ quen thuộc với cả giới hội họa và văn học bởi ông còn là một dịch giả nổi tiếng từng được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, từng chuyển ngữ tiếng Việt nhiều tác phẩm lớn như: Cuộc đời của Pi, Rừng Na Uy, Đại gia Gatsby…

* 60 năm đi vẽ

Vẽ gì cũng là tự họa là tập sách mỹ thuật nối tiếp các sách của Trịnh Lữ như Đi vẽ: Nhật ký hội họa (2014), Ghi chép (2021)… ghi lại những kỷ niệm tuyệt vời trong hơn 60 năm đi vẽ của họa sĩ và nguồn cảm hứng để ông cầm cọ sáng tác ra những tác phẩm tranh chân dung, tĩnh vật và phong cảnh - 3 thể loại tranh ông yêu thích nhất.

Ta thêm con triện vuông này, cụ nhỉ! - tranh Trịnh Lữ
Ta thêm con triện vuông này, cụ nhỉ! - tranh Trịnh Lữ

Cuốn sách mới Vẽ gì cũng là tự họa do chính tay Trịnh Lữ tự thiết kế và viết chú thích, chứa tuyển tập các bức tranh mà ông vẽ từ năm 1963 tới nay - nghĩa là từ thời là một chú bé tuổi lên 5 “ham vẽ hơn ham học” cho đến khi tóc trắng ngoài 70 như hiện nay. “Tôi phải yêu cái gì thì mới vẽ được cái đấy. Sau vẽ nhiều thì nhận ra là cái mình vẽ chính là cách mình nhìn, cách mình cảm thấy, và do đó chính là con người mình. Thành ra, vẽ gì ngoại cảnh cũng thực là vẽ cái thế giới nội tâm và vẽ chính mình” - Trịnh Lữ diễn giải về những họa phẩm chất chứa sự nhẹ nhàng, sâu lắng của ông.

* “Trò chuyện” với tranh Tết

Nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật và cũng là họa sĩ Phan Cẩm Thượng nhận xét nét bút Trịnh Lữ “không già đi theo năm tháng”, còn con người Trịnh Lữ “nhẹ nhàng sống và làm việc, không tranh đoạt, gay cấn với cái gì, không thay đổi cách vẽ, cách viết”.

Vườn đào xưa Tây Lựu - tranh Trịnh Lữ
Vườn đào xưa Tây Lựu - tranh Trịnh Lữ

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải thì đánh giá Trịnh Lữ “là mẫu người duy mỹ đặc biệt”, “vẽ theo phong cách trực họa, trung thực những gì ông cảm thấy, trải nghiệm” và “là họa sĩ có ngôn ngữ biểu hiện rất tinh tế trong kỹ thuật thể hiện trạng thái tâm lý con người và cảnh vật thiên nhiên”.

Ngày mùng 5 Tết - tranh Trịnh Lữ
Ngày mùng 5 Tết - tranh Trịnh Lữ

Trước thềm Xuân Nhâm Dần, họa sĩ Trịnh Lữ gửi đến người xem những bức họa Tết được làm thành postcard xinh xắn tặng kèm vào sách Vẽ gì cũng là tự họa. Đó là cảnh bán trái cây ngoài đường xuân, cảnh vườn đào Tây Tựu (Hà Nội) khoe sắc hay cảnh cụ đồ vẽ chữ ngày Xuân cho khách mang về trưng Tết vốn là tập tục truyền thống thân thương. Tranh của ông thấm đẫm nét lãng mạn, gần gũi, dễ cảm. Còn nhớ trong cuốn Trịnh Lữ Ghi chép, ông đã viết: “Chỉ có những khi ta được nhìn một bức tranh đẹp, một hiển hiện của sự hòa đồng giản dị và tinh khiết giữa con người và tạo vật, ta mới có thể lại sực nhớ ra, cảm thấy được tràn ngập thân ta một thứ ân điển bí mật không lời nào tả xiết…”.

Nhân dịp này, Trịnh Lữ bày tỏ mong muốn trong năm mới 2022 là: “Tôi hy vọng dịch bệnh qua đi, những người yêu tranh lại có thể ngồi xuống cùng nhau mà trò chuyện về tranh”.

Long Khánh

Tin xem nhiều