Cargill được xem là "ông lớn" trong ngành thức ăn chăn nuôi của Hoa Kỳ. Tập đoàn này hiện có mặt tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các sản phẩm dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp (DN) được hàng tỷ nông dân tin dùng.
Ông John Fering, Tổng giám đốc ngành thức ăn chăn nuôi Cargill khu vực Đông Nam Á |
Cargill được xem là “ông lớn” trong ngành thức ăn chăn nuôi của Hoa Kỳ. Tập đoàn này hiện có mặt tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các sản phẩm dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp (DN) được hàng tỷ nông dân tin dùng.
Tại Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam thành lập ngay sau sự kiện 2 quốc gia bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ nhà máy nhỏ đầu tiên ở Đồng Nai, DN đã có 15 cơ sở với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD. Ông John Fering, Tổng giám đốc ngành thức ăn chăn nuôi Cargill khu vực Đông Nam Á cho rằng, mục tiêu của Cargill là đưa Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm khu vực châu Á.
Thị trường chiến lược ở khu vực châu Á
Vì sao Cargill chọn Đồng Nai khi đến Việt Nam, thưa ông?
- Với mong muốn kết nối cung - cầu trên toàn thế giới, hướng đến các thị trường tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, Cargill đã chọn Việt Nam. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên được xây dựng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Chúng tôi chọn Đồng Nai bởi tỉnh nằm ở vị trí chiến lược rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi của vùng. Từ nhà máy nhỏ, với số lượng nhân viên ít ỏi, giờ đây chúng tôi đã có 2 nhà máy tại Đồng Nai. Trong đó nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 sản xuất đa dạng sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi và thủy sản.
Sự thành công của nhà máy đầu tiên ở Đồng Nai là nền tảng, bước đệm để Cargill mở rộng đầu tư các nhà máy khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Có phải thành công tại nhà máy Đồng Nai là nền tảng DN mở rộng đầu tư tại Việt Nam và Đông Nam Á?
- Chúng tôi là một trong những DN Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hành trình hơn 1/4 thế kỷ được đánh dấu bằng việc khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai. Từ đây, chúng tôi liên tiếp mở 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ; mở 1 kho cung ứng ngũ cốc và hạt có dầu; mở 2 trung tâm ứng dụng công nghệ và các văn phòng phân phối, giao dịch từ Nam ra Bắc. Trong số hơn 1,4 ngàn nhân viên có tới 99% là người Việt Nam. Họ là những người siêng năng, lành nghề.
Quá trình hoạt động tại Việt Nam, 5 lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn gồm: dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi, nguyên liệu thực phẩm và nước giải khát, cung ứng nông sản, thịt nhập khẩu, sắt thép lần lượt được đưa vào phục vụ khách hàng, nông dân và người dân Việt Nam.
2 năm gần đây, kinh tế toàn cầu “chao đảo” vì dịch Covid-19 nhưng Cargill vẫn mở rộng đầu tư tại Đồng Nai?
- Cuối năm 2020, tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Cargill đã công bố kế hoạch đầu tư 28 triệu USD xây dựng thêm nhà máy tại Đồng Nai. Nhà máy này đang xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Nhà máy được trang bị công nghệ hiện đại, tập trung vào các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, sản phẩm bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chăn nuôi. Trong 5 năm tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là đưa Việt Nam trở thành thị trường đầu tư trọng điểm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2021, chúng tôi cho ra mắt 2 sản phẩm dinh dưỡng dành cho thị trường Việt Nam đó là: thức ăn Neopigg dành cho heo con và sản phẩm Provisoy bổ sung đạm siêu tiêu hóa cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Cũng trong năm, Cargill ra mắt trang web Feeding Intelligence (Tri thức dinh dưỡng vật nuôi) phiên bản tiếng Việt nhằm cung cấp cho người nông dân các thông tin, công cụ và giải pháp cần thiết giúp họ chăn nuôi theo hướng bền vững, có trách nhiệm và thông minh hơn.
Một lời hứa và 100 ngôi trường học
Năm 2021, Cargill đã hoàn thành dự án 100 ngôi trường cho cộng đồng. Dự án này xuất phát từ một lời hứa phải không, thưa ông?
- Năm 1995, Cargill bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, điều kiện kinh tế, giáo dục tại Việt Nam còn khó khăn, ban lãnh đạo công ty đã hứa sẽ theo đuổi mục đích phát triển cộng đồng song song với mục tiêu kinh doanh.
Nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc Quỹ Cargill Cares thành lập. Quỹ đã kết nối đội ngũ nhân viên, khách hàng, nhà cung ứng và đối tác để chung tay thực hiện dự án xây dựng trường học. Công trình đầu tiên được xây tại xã Giang Điền, H.Trảng Bom. Đến nay, Cargill đã quyên góp được tổng số trên 5,5 triệu USD và hoàn thành dự án 100 ngôi trường, trong đó có 5 trường tại Đồng Nai.
Lời hứa này vẫn còn hiệu lực khi mới đây, quỹ đặt mục tiêu xây thêm 50 ngôi trường vào năm 2030.
Xây dựng trường học có phải là việc làm duy nhất Cargill hướng đến cộng đồng và xây dựng thương hiệu DN không?
- Hoạt động của Cargill tại Việt Nam trong suốt 26 năm qua không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh doanh mà còn tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp thông qua các nỗ lực nâng cao đời sống cho người chăn nuôi và thúc đẩy cải thiện điều kiện giáo dục. Điều đó sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng trong tương lai.
Nhiều năm ròng chúng tôi bền bỉ thực hiện các chương trình huấn luyện, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm chuyên môn, mô hình chăn nuôi hiệu quả trên thế giới cho nông dân Việt Nam. Trong năm qua, chúng tôi đã mở rộng quy mô các chương trình đào tạo, đưa nhiều bài huấn luyện lên nền tảng trực tuyến bằng tiếng Việt để người nông dân có thể tiếp cận các kiến thức này một cách dễ dàng nhất.
Dịch Covid-19 xảy ra, Cargill đã quyên góp và ủng hộ 1,5 tỷ đồng vào quỹ phòng ngừa Covid-19 của Chính phủ nhằm hỗ trợ một phần về chi phí trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019, Cargill Việt Nam nghiên cứu và thực hiện nhiều sáng kiến giảm rác thải, chuyển sang bao bì thân thiện hơn với môi trường.
Theo góc nhìn của ông, Đồng Nai có những lợi thế nào trong trong thu hút đầu tư? Tỉnh cần cải thiện những gì để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài?
- Đồng Nai là sự lựa chọn mang tính chiến lược của Cargill. Chính quyền, các sở, ngành của Đồng Nai rất quan tâm đến cộng đồng các nhà đầu tư. Tỉnh tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN; có chính sách ưu tiên ưu đãi hợp lý; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi quyết định đầu tư thêm nhà nhà máy tại tỉnh cũng vì lý do này.
Đồng Nai đang thu hút đầu tư rất tốt. Tôi có một góp ý nhỏ là hạ tầng giao thông cần được cải thiện hơn để phát huy thế mạnh của sân bay, cảng biển và các đường cao tốc; để đón làn sóng đầu tư mới hậu bùng phát dịch bệnh và hiệu ứng từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cargill mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ DN phục hồi từ những tổn thất và khó khăn trong do dịch bệnh; cải thiện chuỗi cung ứng nông sản. Chúng tôi tin đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo sự thành công và tăng trưởng bền vững của ngành Nông nghiệp.
Thị trường thức ăn chăn nuôi luôn biến động và nhiều rủi ro. Theo ông, DN cần làm gì để giúp người chăn nuôi phát triển bền vững?
- Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện. Người nông dân trở thành tỷ phú, thu nhập đến hàng trăm tỷ đồng từ vài con gà, con heo, vuông tôm. Nhưng cũng có người từ đại gia, giàu có trở nên trắng tay, thậm chí nợ nần từ chăn nuôi do dịch bệnh, do nguồn thức ăn không đảm bảo hoặc giá cả.
Đây là những rủi ro mà ngành chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Để giảm bớt rủi ro cho nông dân, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ trong nước để giảm chi phí giá thành; phát triển các sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi chuyên biệt giúp cải thiện sức khỏe từ bên trong, từ đó giảm sử dụng thuốc, giảm bệnh tật. Ngoài ra chúng tôi hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật giúp nhà nông chăn nuôi đạt năng suất chăn nuôi cao với tiết kiệm chi phí.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lộc (thực hiện)