Báo Đồng Nai điện tử
En

Trước khi bàn chuyện hội nhập, doanh nghiệp cần hiểu về phòng vệ thương mại

11:01, 07/01/2022

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ. Đây là dự án ODA không hoàn lại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành,...

Ông Nguyễn Hồng Sơn
Ông Nguyễn Hồng Sơn

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (gọi tắt là dự án USAID TFP). Đây là dự án ODA không hoàn lại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được thực hiện trong 5 năm (2018-2023) với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên.

Ông Sơn có nhiều năm kinh nghiệm về tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) các vấn đề liên quan đến hải quan, thuế, phòng vệ thương mại… khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Chủ động nắm bắt thông tin về thị trường

* Thưa ông, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng. Do đó, các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa ở địa phương cần lưu ý những vấn đề gì khi xuất khẩu sang thị trường này, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19?

- Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2020 đạt 77,1 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm 2019. Đến hết tháng 10-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 76,7 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Hoa Kỳ đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung từ Việt Nam. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các DN cần lưu ý đảm bảo nhân công, nguyên vật liệu để có thể sản xuất ổn định, cung ứng hàng hóa thường xuyên; đảm bảo tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động và gia đình của họ để họ yên tâm làm việc.

Hơn thế nữa, các DN cần tìm hiểu các quy định về nhập khẩu hàng hóa tại Hoa Kỳ, chính sách về thuế, chính sách mặt hàng, quy định về xuất xứ, quy định về chống bán phá giá, các chính sách phòng vệ thương mại. Đồng thời, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, Bộ Công thương, tham tán thương mại, các hiệp hội DN… để nắm bắt thông tin về thị trường Hoa Kỳ.

* Vấn đề về quy định xuất xứ, phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ đang là vấn đề được quan tâm. Theo ông, những mặt hàng nào có nguy cơ về gian lận xuất xứ, bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ?

- Cuối tháng 10-2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã cập nhật danh sách theo dõi các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trong đó, có các mặt hàng như: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng, gỗ thanh, viền dải gỗ đã được tạo dáng liên tục và pin năng lượng mặt trời có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại.

* Các DN xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần chủ động ra sao để hạn chế các nguy cơ về gian lận xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ?

- Khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các DN Việt Nam, nhất là các DN địa phương cần nắm vững quy tắc xuất xứ của mặt hàng xuất khẩu, nắm rõ nguồn gốc của nguyên vật liệu. Nếu nguyên vật liệu mua trong nước, cần phải biết nguồn gốc của nguyên vật liệu đó được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu; nếu nguyên vật liệu nhập khẩu, cần phải nắm rõ xuất xứ của nguyên vật liệu đó.

Hơn thế nữa, các DN cần chủ động lưu trữ hồ sơ liên quan đến nguyên vật liệu, thành phẩm, quy trình sản xuất... để có thể dễ dàng chứng minh trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra; chủ động tham vấn với cơ quan chức năng về xuất xứ hàng hóa, cũng như tìm kiếm thông tin liên quan đến chống bán phá giá, phòng vệ thương mại từ các nguồn phía Hoa Kỳ…

Cầu nối hỗ trợ, tư vấn cho cộng đồng DN địa phương

* Ông có thể giới thiệu rõ hơn về dự án USAID TFP. Trong thời gian qua, dự án này đã triển khai những hoạt động nào nổi bật tại các địa phương ở Việt Nam?

- Dự án USAID TFP có tổng vốn hơn 21,7 triệu USD, thời gian thực hiện trong 5 năm (2018-2023). Mục tiêu của dự án là hạn chế những bất cập trong thủ tục thông quan, hỗ trợ áp dụng và triển khai cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro tại các cơ quan hải quan và quản lý chuyên ngành của Việt Nam đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức hải quan và công chức các sở, ban, ngành của địa phương về quản lý rủi ro, tạo thuận lợi cho DN và hỗ trợ các hoạt động đối thoại giữa hải quan và DN, cũng như giữa các bên liên quan ở cấp tỉnh.

Từ đó, tăng cường việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại. Dự án đang đẩy mạnh sự phối hợp giữa USAID với Tổng cục Hải quan để xây dựng các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia; cũng như thành lập và thúc đẩy vai trò và trách nhiệm của Ban Tạo thuận lợi thương mại tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng và Đồng Nai.

* Riêng tại Đồng Nai, dự án này đã và đang phối hợp với địa phương triển khai những chương trình, hoạt động nào để hỗ trợ DN trong tỉnh, thưa ông?

- Tại Đồng Nai, dự án đã triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ công chức hải quan, công chức các sở, ban, ngành và nhân sự của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, dự án tổ chức các hội thảo chuyên đề về tìm hiểu các chính sách pháp luật tại thị trường nước ngoài (Liên minh châu Âu, Mỹ…) liên quan đến thương mại. Dự án phối hợp thường xuyên với Cục Hải quan Đồng Nai và Sở Công thương Đồng Nai để kịp thời nắm bắt các nhu cầu về đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng DN để xây dựng và triển khai các hoạt động hướng tới tạo thuận lợi thương mại.

Đồng Nai luôn là một trong những địa bàn ưu tiên hàng đầu của dự án trong việc tổ chức các hoạt động tạo thuận lợi thương mại hướng tới khối cơ quan nhà nước và khối DN. Thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận biết về tạo thuận lợi thương mại và các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Dự án hy vọng cộng đồng DN sẽ nắm rõ các quy định quốc tế để chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Dự án mong muốn làm cầu nối giữa cộng đồng DN tỉnh với các cơ quan chức năng ở Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua các sự kiện đào tạo, hội thảo thường kỳ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của cộng đồng DN Đồng Nai.

* Xin cảm ơn ông!

Vào tháng 12-2021, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tỉnh phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ban Quản lý dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (dự án USAID TFP) đã tổ chức hội thảo Tập huấn tuân thủ các quy định về xuất xứ và chuyển tải đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, hội thảo này là dịp để các diễn giả đến từ hải quan Hoa Kỳ, Tổng cục Hải quan và đại diện các sở, ngành và DN địa phương trao đổi, làm rõ các thông tin cần thiết nhằm phục vụ tốt cho công tác của các bên liên quan và nâng cao tính tuân thủ trong việc thực thi, áp dụng các quy định về xuất xứ và chuyển tải đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ… Thông qua phần trình bày của các chuyên gia Hải quan Hoa Kỳ và Hải quan Việt Nam, cộng đồng DN có thể nắm rõ hơn về các quy tắc xuất xứ và chuyển tải tại Hoa Kỳ và Việt Nam để có thể chủ động hơn trong sản xuất, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Lam Phương (thực hiện)

 

Tin xem nhiều