Báo Đồng Nai điện tử
En

Roi vọt làm tổn thương đến thể chất và tinh thần trẻ

07:01, 15/01/2022

Những tuần gần đây, dư luận chưa hết "dậy sóng" bởi câu chuyện buồn về một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị "dì ghẻ" đánh đập, bạo hành đến tử vong thì lại thêm một vụ việc đau lòng khác xảy ra ở tỉnh Kiên Giang.

Những tuần gần đây, dư luận chưa hết “dậy sóng” bởi câu chuyện buồn về một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị “dì ghẻ” đánh đập, bạo hành đến tử vong thì lại thêm một vụ việc đau lòng khác xảy ra ở tỉnh Kiên Giang. Đó là vụ bé gái 3 tuổi bị cha dượng đánh tử vong bằng những hình phạt man rợ như: cầm chân dốc ngược đầu xuống đất, quăng đập cháu bé nhiều nhát vào tường hay dùng kìm bẻ răng chỉ vì… bé lỡ tè dầm khi ngủ.

Những kẻ bạo hành 2 bé rồi sẽ phải trả giá trước pháp luật, nhưng tính mạng của 2 em sẽ không bao giờ lấy lại được. Các vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với bậc làm cha mẹ trong việc nuôi dạy, cũng như quan tâm đến con.

Thực ra, dạy con thế nào là chuyện của mỗi một gia đình. Lâu nay có những cha mẹ vẫn dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ nhỏ. Họ nghĩ rằng, chỉ có những biện pháp mạnh mới có thể răn đe con trẻ. Có người còn cho rằng, những trẻ bị đánh sau này lớn lên đều rất ngoan ngoãn và giỏi giang.

Tuy nhiên, một công bố năm 2020 của UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ) dựa trên 250 công trình nghiên cứu khác nhau tại 120 quốc gia, cho thấy nhiều tác hại khôn lường mà việc dùng roi vọt để trừng phạt thân thể trẻ em.

Theo đó, ngoài những vết thương đau đớn trên cơ thể trẻ, có khi để lại bị thương tật vĩnh viễn cho trẻ, thì việc dùng đòn roi thường xuyên sẽ khiến trẻ trở nên hung hăng, cục súc hơn với bạn bè, trẻ có suy nghĩ dùng bạo lực để đạt được điều mình muốn. Việc sử dụng đòn roi dạy trẻ cũng làm gia tăng hành vi sai trái của trẻ, trong tương lai trẻ sẽ hay bắt nạt, nói dối, gian lận, bỏ nhà, trốn học, thậm chí là thành tội phạm. Hành vi bạo hành còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, dễ dẫn trẻ tới các rối loạn hành vi, trầm cảm, tự ti và hay có ý định tự tử. Đáng chú ý, việc dùng đòn roi răn dạy trẻ còn có thể làm suy giảm khả năng nhận thức, xử lý thông tin và khả năng quyết định của trẻ sau này.

Từ những hệ quả nghiêm trọng trên, có thể thấy, việc lấy đòn roi để giáo dục con trong xã hội hiện đại này không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Do vậy, những biện pháp giáo dục con cần phải được thay đổi. Cha mẹ không nên coi mình là những người có mọi quyền áp đặt lên con mà nên là người bạn đồng hành, lắng nghe, hướng dẫn, định hướng, sau đó để con tự lập, tự trải nghiệm và khám phá cuộc sống một cách tự lập. Sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ con những khó khăn, thất bại trong cuộc sống; giúp con nhận ra và sửa chữa, tránh mắc lại những sai lầm. Đặc biệt cần dạy trẻ các kỹ năng tự bảo vệ trong trường hợp nguy hiểm hoặc bị bạo hành, xâm hại để giúp các bé được phát triển một cách toàn diện, an toàn.

An Nhiên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều