Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng.
Người tiêu dùng truy cập vào giao dịch của Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn) |
Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển hơn.
Chủ động nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mong muốn trong thời gian tới, các kênh về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trên nền tảng số, nhất là Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai sẽ được tích hợp nhiều tiện ích như: dễ đặt hàng, giao nhận hàng hóa, đẩy mạnh áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như đáp ứng các hoạt động kết nối, bán hàng, quảng bá sản phẩm trên toàn quốc…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương trong năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG nhấn mạnh, trong năm 2022, ngành Công thương trong tỉnh cần tập trung phối hợp mời gọi các dự án đầu tư vào các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại, dịch vụ logistics; tập trung đổi mới cách thức tổ chức chương trình xúc tiến thương mại theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh… |
Chị Kim Dung (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại. Bên cạnh gia tăng hiệu quả kinh doanh từ phía người bán, chuyển đổi số còn nâng cao sự trải nghiệm, hài lòng của khách hàng và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
“Đến hiện tại, chuyển đổi số đã cải thiện đáng kể trong việc trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, cụ thể ở các lĩnh vực như: ngân hàng, bán lẻ, điện nước, y tế và chăm sóc sức khỏe... từ các doanh nghiệp lớn, cơ quan hành chính với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn ra khá phức tạp nên giá như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương cũng được trang bị các công cụ thanh toán kỹ thuật số không dùng tiền mặt, ví điện tử sẽ an toàn và tiện lợi hơn nhiều” - chị Dung chia sẻ.
Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp địa phương quảng bá, bán hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn), Sở Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, cập nhật kiến thức nâng cao chất lượng, hiệu quả bán hàng trên sàn ecdn.vn.
Đồng thời, thực hiện quảng bá sàn trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook..., tối ưu hóa sàn phù hợp với công cụ tìm kiếm Google theo tiêu chuẩn mới nhất như: tối ưu hóa từ khóa, tiêu đề, nội dung, hình ảnh, URLs... để ecdn.vn được nhiều doanh nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng ngày càng nhiều.
Cần phát triển đồng bộ
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương năng động, có nhiều lợi thế trong hoạt động thương mại điện tử, cũng như phát triển nhiều hình thức kinh tế số.
Việc có một sàn thương mại điện tử riêng của địa phương sẽ góp phần phát triển các sản phẩm tiêu biểu, hàng hóa thế mạnh, đặc sản của Đồng Nai, đồng thời kết nối hàng hóa địa phương với các địa phương khác, tiến tới mở rộng cơ hội xuất khẩu… Tuy nhiên, để sàn này phát huy hiệu quả, địa phương cần xây dựng phương án quản lý hiệu quả, đảm bảo kết nối các nền tảng, hệ thống dịch vụ, nâng cao công tác quảng bá hình ảnh…
Đối với các dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử, thanh toán trực tuyến, nhiều đơn vị cung ứng dịch này cho biết sẽ tiếp tục phát triển đa dạng các dịch vụ này ở Đồng Nai trong thời gian tới.
Đại diện Phòng Cổng thanh toán Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay) chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các kênh thanh toán trực tuyến. Hiện nay, VNPay đang hỗ trợ thanh toán trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai thông qua phương thức thanh toán bằng mã QR. Trong thời gian tới, VNPay sẽ tiếp tục phát triển thanh toán online, các thiết bị bán hàng cầm tay di động trên địa bàn Đồng Nai với mạng lưới thanh toán của VNPay liên kết với 34 ngân hàng, 8 ví điện tử lớn…
Hoàng Hải