Ngày 1-11-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2-1-2022.
Ngày 1-11-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2-1-2022.
Theo đó, tại Khoản 21, Điều 1, Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định rõ, đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (cháy nổ, lũ lụt hoặc đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng).
Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 35 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, mà không có biện pháp xử phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả. Điều này cho thấy, mức xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Xăng dầu không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng như: an ninh - quốc phòng, giao thông - vận tải, sản xuất... Do đó, cần xem xét điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với những cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa, ngừng bán hàng mà không thông báo, không được sự chấp thuận của Sở Công thương, có dấu hiệu của việc “găm hàng”, tạo sự khan hiếm để chờ tăng giá xăng dầu, thu lợi nhuận.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình “găm hàng” chờ tăng giá, các cơ quan chức năng cũng cần chủ động các phương án để đảm bảo nguồn cung ra thị trường đảm bảo đầy đủ, liên tục. Có như vậy, mới ngăn ngừa tình trạng khan hiếm nguồn cung, cũng như không để xảy ra tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá.
An An (TP.Biên Hòa)