Báo Đồng Nai điện tử
En

Thơ trẻ Đồng Nai thời 4.0

11:02, 11/02/2022

Không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà nhiều năm nay, các tác giả trẻ ở Đồng Nai tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 đưa tác phẩm thơ đến gần hơn với cộng đồng.

[links()]Không chỉ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mà nhiều năm nay, các tác giả trẻ ở Đồng Nai tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 đưa tác phẩm thơ đến gần hơn với cộng đồng.

Những người trẻ trên địa bàn tỉnh tham gia trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Hiếu Anh
Những người trẻ trên địa bàn tỉnh tham gia trại sáng tác trẻ do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Hiếu Anh

Nhiều bài thơ, tập thơ sau khi phát hành, giới thiệu trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đã thu hút sự quan tâm, theo dõi, bình luận của bạn đọc.

* Tận dụng tối đa công nghệ

Trong thời đại số hóa, nhiều người cho rằng thơ đang bị mất đi vị trí của mình, nhất là khi người trẻ thường dồn sự quan tâm điện tử, trí tuệ nhân tạo… mà quên đi nét đẹp của thơ ca. Điều này không hoàn toàn chính xác bởi nhiều năm nay, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng giúp nhiều tác giả, nhà thơ bước ra đời thực từ thế giới ảo. Các gương mặt thơ trẻ xuất hiện ngày một đông hơn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong sáng tác và quảng bá tác phẩm, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học.

Là người khuyết tật nhưng Đinh Hoàng Loan (hội viên Hội VHNT Đồng Nai) đã dần trở nên quen thuộc công chúng yêu thơ Đồng Nai và cả nước bởi nghị lực vượt lên tật nguyền, theo đuổi đam mê với thơ ca. Mặc dù gặp khó khăn trong trò chuyện, cầm bút để làm thơ nhưng nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, Hoàng Loan đưa thơ ca, kết nối và lan tỏa thơ đến với cộng đồng. Các thông điệp trong thơ của chị thay đổi theo thời gian, mỗi tác phẩm sau khi ra mắt thường đạt hàng chục đến hàng trăm lượt like, chia sẻ và bình luận.

“Máy tính, internet... vừa là niềm yêu thích, vừa là cơ hội để những người người khuyết tật như tôi kết nối, giao lưu với bạn bè gần xa. Từ mạng xã hội, thơ của tôi tiếp cận gần hơn với người đọc. Những bài thơ gây được sự chú ý hiện nay là những tác phẩm có sự kết nối giữa tác giả, hiện thực của đời sống. Qua thơ, tôi có thể nói lên suy nghĩ của mình về cuộc sống, về tuổi trẻ và tình yêu, hay là những vấn đề khác mà xã hội quan tâm…” - chị Hoàng Loan bộc bạch.

Trưởng thành từ những trại sáng tác trẻ của Đồng Nai, thơ ca của Lê Phan Hiếu Anh đã và đang kết nối với bạn đọc qua các phương tiện thông tin. Vài năm trở lại đây, Hiếu Anh đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác của Hội VHNT Đồng Nai. Nhiều người nhận xét rằng, thơ của Hiếu Anh ngắn gọn, cô đọng nhưng ngập tràn cảm xúc. Mỗi một bài thơ là một câu chuyện, mộc mạc, giản dị và dễ hiểu. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra sức hút mạnh mẽ đối bạn đọc và với người trẻ.

Theo tác giả Hiếu Anh, ở thời công nghệ số cái gì cũng có, cái gì cũng gấp gáp thì một tác phẩm thơ cần hội đủ nhiều tiêu chí, cả nội dung lẫn hình thức. Công nghệ giúp người làm thơ tiếp cận với người đọc nhanh hơn, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và ngược lại công nghệ cũng cho phép người yêu thơ tự do khám phá thơ ca, lựa chọn cho mình thể thơ mà mình yêu thích.

Và khi đã bước vào “cuộc chơi” thì phải làm quen với “luật chơi”. Có nhiều điều mà người trẻ phải tiếp tục học để có thể đạt được hiệu quả cao nhất ở sân chơi này như: cách ứng xử trên mạng xã hội, vấn đề bản quyền, xu hướng thơ ca hiện nay...

* Khơi nguồn cảm hứng cho người yêu thơ

NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VNHT Đồng Nai cho biết: “Thời gian qua, Hội đã phát động phong trào sáng tác và giới thiệu tác phẩm qua mạng xã hội. Không chỉ người trẻ mà cả những tác giả, nhà thơ “lão thành” cũng ứng dụng công nghệ để đưa thơ ca đến với công chúng. Sự đa dạng của các phương tiện truyền thông đang góp phần thúc đẩy xu hướng sáng tác và thưởng thức thơ ca trong giới trẻ. Do vậy, trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục tổ chức các trại sáng tác trẻ, chú trọng xét những giải thưởng cho người trẻ, tạo động lực, thúc đẩy họ theo đuổi đam mê”.

Theo tác giả Hạnh Vân, so với các nhà văn thế hệ trước, người cầm bút trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi như được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, sống trong một xã hội thông thoáng hơn, cơ hội giao tiếp rộng rãi hơn… Tuy nhiên những người trẻ ngày nay lại có hạn chế là thiếu ký ức, thiếu vốn sống. Nhiều người cầm bút trẻ thường loanh quanh khai thác “cái tôi” nhỏ hẹp của mình (với những thất vọng, chán nản, bi quan hoặc là cuộc sống hưởng thụ, là sex…) mà quên đi việc cộng hưởng, đồng điệu với “cái tôi” rộng lớn của đất nước, của nhân loại.

“Xã hội ngày nay cũng có những vấn đề lớn cần được quan tâm như: Sự mai một của giá trị văn hóa dân tộc, dịch bệnh, sự an nguy của Tổ quốc trước tham vọng của những thế lực bên ngoài… Vì vậy, việc hướng ngòi bút của mình để tạo nên những tác phẩm cháy bỏng tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước cũng là trách nhiệm lớn của người cầm bút trẻ. Trách nhiệm của người cầm bút trẻ hôm nay là tạo ra được những tác phẩm hay, dù chưa đạt đến tầm cao tư tưởng thì cũng có thể khơi gợi được hứng thú thẩm mỹ hay một cảm xúc, một nhận thức mới lạ nào đó cho người đọc” - tác giả Hạnh Vân chia sẻ.

My Ny

 

Tin xem nhiều