Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa quả ngọt từ Văn học tuổi 20

07:03, 19/03/2022

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7-2022 do NXB Trẻ tổ chức vừa công bố 12 tác phẩm lọt vào chung khảo. Các tác phẩm này đều được ưu ái in thành sách, trình làng với công chúng một "vụ mùa" văn chương trẻ vừa gặt hái với nhiều quả ngọt.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7-2022 do NXB Trẻ tổ chức vừa công bố 12 tác phẩm lọt vào chung khảo. Các tác phẩm này đều được ưu ái in thành sách, trình làng với công chúng một “vụ mùa” văn chương trẻ vừa gặt hái với nhiều quả ngọt.

 “Các tác phẩm Văn học tuổi 20 mùa này rất thú vị” - nhà báo Dương Thành Truyền (nguyên Trưởng ban tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7) cho biết sau khi ông đọc xong 12 tác phẩm lọt vào vòng tranh giải chung cuộc.

* Nhiều gương mặt trẻ

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập NXB Trẻ cho biết các tác giả dự thi Văn học tuổi 20 lần này có độ tuổi trung bình là 9X, nghề nghiệp đa dạng. Các tác giả tham gia sống ở nhiều vùng miền trên toàn quốc lẫn đang ở nước ngoài, có người đã tham gia 2-3 lần thi và cũng có người mới dự thi lần đầu với tác phẩm đầu tay được viết lọt vào chung khảo (đồng nghĩa có cuốn sách đầu đời).

“Văn chương với tôi như món bánh pizza hải sản, đế dày, double cheese (gấp đôi pho mát), tức là tôi không ăn nó để sống, nhưng mỗi khi có dịp ăn, tôi luôn thấy hạnh phúc. Mà sống thì cũng không có gì quan trọng cả, sống hạnh phúc mới là quan trọng. Nên tôi nghĩ văn chương hẳn cũng quan trọng” - tác giả HIỀN TRANG chia sẻ.
 

Có thể kể đến Hoàng Khánh Duy (sinh năm 1997, quê Cà Mau hiện sống tại TP.Cần Thơ), Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, quê An Giang), Hoàng Công Danh (quê Quảng Trị), xa hơn như Duy Ân (sinh năm 1995) đang hoàn thành năm cuối tiến sĩ tại Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ)… Không khỏi thú vị khi độc giả biết rằng nếu như tác giả Phã Nguyện là chàng trai 9X đang bán quán cà phê ở Q.8 (TP.HCM) lần đầu viết một tác phẩm thì Hiền Trang (sinh năm 1993), Yang Phan (sinh năm 1994) hay Nguyễn Thu Hằng đều là người viết từng có một số đầu sách được xuất bản.

Một số tác giả cũng kiên nhẫn từng dự thi những kỳ giải trước đến lần này đã gặt hái thành quả khi có tác phẩm lọt vào chung khảo, in thành sách như: Nguyễn Dương Quỳnh - giảng viên Khoa Thiết kế nghệ thuật (Đại học Hoa Sen - TP.HCM), Mai Thanh Nga - hiện là kỹ sư viễn thông ở Oxford (Anh quốc)...

Như vậy, có thể thấy Văn học tuổi 20 lần 7 tiếp tục là sân chơi hàng đầu dành cho việc tìm kiếm những hạt giống văn chương tiềm năng. Cuộc thi cũng đạt được mục tiêu “đãi cát tìm vàng” thông qua việc phát hiện những cây bút mới cho nền văn học nước nhà - những người có thể kiên trì tiếp bước theo con đường viết lách nghiêm túc kể từ tác phẩm đầu tay dự thi của họ.

* Đa dạng đề tài, góc nhìn

Trong 12 tác phẩm và chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7 năm nay, có 6 tác phẩm thuộc thể loại tập truyện ngắn, 6 tác phẩm thuộc thể loại truyện dài. Đề tài mà các tác giả phản ánh qua bàn phím của họ thật đa dạng, phong phú và chứa nhiều sáng tạo về câu chuyện lẫn kỹ thuật, phong cách viết văn trong thời đại hôm nay.

12 tác phẩm chung khảo Văn học tuổi 20
12 tác phẩm chung khảo Văn học tuổi 20

Tác giả Hiền Trang - ứng viên nặng ký cho giải thưởng lần này với tác phẩm Chopin biến mất được đánh giá cao về chất lượng và lối viết hoa mỹ. Câu chuyện gã thám tử sành nhạc đi tìm kiếm sự thật về cái chết của Sibir/Chino - nhân vật trong vở kịch lẫn diễn viên đóng vai tại nhà hát trở nên huyền ảo giữa thực và mơ không hồi kết, cho thấy bút lực và sự dụng công tìm tòi của Hiền Trang.

Cõi người mắc cạn là tiểu thuyết gồm 12 chương của tác giả Hoàng Khánh Duy, đề cập đến nhân vật “hắn” đi tìm lẽ sống nơi không gian miền sông nước Nam bộ được “huyền thoại hóa”. Tác phẩm Bảy bảy bốn chín là truyện dài của Hoàng Công Danh mang không khí đời sống tâm linh người Việt nơi bối cảnh làng quê.

Nếu như Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga viết về những người mưu sinh nơi đất khách với tình yêu quê hương nguồn cội thì Có thú dữ trong thành phố là tập truyện của Nguyên Nguyên cũng bàng bạc những câu chuyện về thân phận con người từ một nhân viên văn phòng đến cô gái nhớ thương cha mình đã qua đời…

Vụn kí ức - truyện dài của Yang Phan miêu tả đến ký ức con người thông qua việc nhắc nhớ sự liên đới giữa một chàng trai đã khuất với nhiều người xung quanh từng tiếp xúc với anh lúc sinh thời. Tác phẩm cho thấy đôi khi những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời chúng ta lại chịu ảnh hưởng như thế nào từ người khác, thậm chí theo cách không ngờ. Tập truyện ngắn Chuồng cọp trên cao của Nguyễn Thu Hằng tràn đầy chi tiết hình tượng về những giấc mơ trong lành dù đôi khi đau đáo dang dở, tiếc nuối bởi như người ta thường bảo, “đời không như là mơ”.

Nửa lời chưa nói là tập truyện ngắn có sức hấp dẫn riêng của Duy Ân, như một công trình nghiên cứu về mối liên quan mật thiết giữa ngôn ngữ và tri thức, tâm hồn con người. Trong khi đó, truyện dài của Nguyễn Dương Quỳnh Ngủ ngon nhé, nàng thơ toát lên niềm cảm hứng về cái đẹp và mang chất “nghệ sĩ tính” cao.

Vệt sáng của bụi - tập truyện của Lê Quang Trạng hay Kẻ săn chuột của Phã Nguyện thể hiện nhiều vấn đề đương đại, trong đó cập nhật nhất là số phận con người trong thời dịch bệnh nghiệt ngã. Bí mật của bóng tối của Đinh Thành Trung là câu chuyện về những mảnh đời dị biệt (một người mổ heo, một người đàn bà, hai thầy trò…) phải vật lộn giải những bài học cuộc đời đề ra cho họ.

* Ra đời từ năm 1994, cuộc thi Văn học tuổi 20 trải qua bề dày gần 30 năm phát triển với 7 lần tổ chức cùng hơn 2 ngàn tác phẩm dự thi. Nhiều tác giả tên tuổi thành danh từng đoạt giải từ cuộc thi như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy…

* Với chủ đề Tuổi 20 hôm nay: cuộc sống và góc nhìn, thời gian nhận bài dự thi từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 10-2021, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần này “bội thu” với 511 tác phẩm dự thi - lập kỷ lục số lượng bài dự thi nhiều nhất trong các kỳ tổ chức trong vòng gần 30 năm qua. Các tác phẩm đều phải là sáng tác mới, chưa từng công bố trên các phương tiện truyền thông báo chí, xuất bản.

* Ban giám khảo chung khảo gồm PGS-TS Ngô Văn Giá, PGS-TS Nguyễn Thành Thi, nhà báo Thúy Nga, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tổng giá trị giải thưởng trên 200 triệu đồng. Lễ công bố và trao giải diễn ra vào ngày 21-4 tới tại TP.HCM.

* Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 8 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập NXB Trẻ (2026).

Long Khánh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích