Để có thể tạo ra giá trị bền vững cho thương hiệu, việc làm chủ công nghệ sản xuất cũng như đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm là rất quan trọng. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, đây là điều kiện cần để sản phẩm Việt tạo ra được những giá trị riêng, thu hút khách hàng trong nước lẫn nước ngoài.
[links()]Để có thể tạo ra giá trị bền vững cho thương hiệu, việc làm chủ công nghệ sản xuất cũng như đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm là rất quan trọng. Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, đây là điều kiện cần để sản phẩm Việt tạo ra được những giá trị riêng, thu hút khách hàng trong nước lẫn nước ngoài.
Làm chủ công nghệ, nghiên cứu, thiết kế sản phẩm là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Trong ảnh: Nghiên cứu sản phẩm tại Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Thế |
Cùng với sự nỗ lực từ chính doanh nghiệp (DN), định hướng của Đồng Nai là sẽ tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ được diễn ra nhanh hơn.
* Đầu tư công nghệ là điều kiện phát triển bền vững
Đối với các ngành sản xuất, chất lượng sản phẩm làm ra là yếu tố quyết định thành công của DN. Trong bối cảnh cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt, DN nào có được sản phẩm đặc trưng, tự chủ về công nghệ lõi và có giá trị cộng thêm cao sẽ nắm được lợi thế.
Công ty TNHH Năng Lượng Xanh (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất, lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời. Anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc công ty cho hay, mục tiêu của công ty là sản xuất ra những bộ máy nước nóng mang thương hiệu Donasun. Thị trường máy nước nóng năng lượng mặt trời hiện có rất nhiều mẫu mã cả nhập khẩu lẫn trong nước. Để có thể cạnh tranh tốt với các thương hiệu khác, công ty đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu, làm chủ công nghệ sản xuất. Hiện tại, sau nhiều cố gắng thì máy nước nóng mang thương hiệu Donasun cũng đã từng bước quen thuộc hơn ở thị trường Đồng Nai và các địa phương lân cận.
Về vấn đề này, ông Lê Nhật Quang, Phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định sáng tạo là một trong những yếu tố quyết định thành công của DN trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam đã bước đầu hình thành thế hệ doanh nhân có thể tạo ra những giá trị mới dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, tri thức và những mô hình sáng tạo mới. Không chỉ các DN mới, DN khoa học công nghệ mà những đơn vị lớn, thành công cũng thường xuyên chi cho đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Sự kết hợp giữa nhu cầu thị trường cũng như sáng tạo của DN, làm chủ công nghệ sẽ là chất xúc tác để sản phẩm sản xuất ra có tính cạnh tranh cao hơn, từ đó nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bài toán chủ động khâu thiết kế sản phẩm cũng là vấn đề mà ngành sản xuất gỗ Đồng Nai đang hướng tới. Trên thực tế, dù là địa phương đứng thứ 2 về xuất khẩu gỗ song hầu hết còn xuất khẩu dưới dạng gia công. Do vậy, đầu tư cho công tác đào tạo, tuyển dụng lao động có khả năng thiết kế sản phẩm độc lập, mang thương hiệu của riêng mình thì giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm mới phát huy được tối đa.
* Hỗ trợ DN làm chủ công nghệ
Để thúc đẩy các DN đầu tư cho công nghệ, tại Đồng Nai, bước đầu cũng đã có những chương trình hỗ trợ, trong đó tập trung vào việc khuyến khích DN đổi mới công nghệ sản xuất. Sở Công thương và Sở KH-CN là 2 đơn vị đảm nhận chính các nhiệm vụ hỗ trợ DN trong việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ và đào tạo cho chủ DN, người lao động. Riêng chương trình khuyến công của Sở Công thương đã hỗ trợ cho hàng chục DN đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ. Mặc dù về tổng thể, nguồn vốn hỗ trợ so với nhu cầu là chưa nhiều song các chương trình hỗ trợ cũng khuyến khích tinh thần, động lực cho DN trong việc mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ cũ, đưa năng suất chất lượng sản phẩm lên cao hơn.
Tiếp tục mục tiêu trên, UBND tỉnh vừa phê duyệt chương trình Đổi mới công nghệ Đồng Nai đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo điều kiện, hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Từ nay đến năm 2025, Đồng Nai phấn đấu số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình hằng năm là 5%, đến năm 2030 tăng 10% mỗi năm. Năm 2025, có 10% các DN sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm tham gia xây dựng tổ chức nghiên cứu và phát triển, có 1-2 ngành sản xuất có khả năng làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao. Con số này đến năm 2030 là 30% DN và 3 ngành sản xuất chủ lực. Tỉnh cũng sẽ đào tạo, tư vấn cho 1 ngàn kỹ sư, cán bộ quản lý trong DN về đổi mới, nâng cao công nghệ.
Theo các DN trên địa bàn tỉnh, để làm chủ công nghệ sản xuất mới và đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến là rất khó khăn bởi quy mô DN hầu hết là nhỏ và vừa. Hỗ trợ DN, đòi hỏi tất yếu là địa phương phải hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy DN đổi mới công nghệ; đồng thời nâng cao năng lực thực hiện chương trình của cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, là đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư đổi mới công nghệ, khuyến khích DN thành lập quỹ khoa học công nghệ, liên kết DN với các tổ chức trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Vương Thế