Nếu cách đây vài chục năm, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào lọt nổi vào các bảng xếp hạng thương hiệu mạnh trên thế giới, thì ngày nay, nhiều cái tên như: Vinamilk, Viecombank, Viettel… đã xuất hiện một cách đàng hoàng ở các bảng xếp hạng uy tín nhất.
Nếu cách đây vài chục năm, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào lọt nổi vào các bảng xếp hạng thương hiệu mạnh trên thế giới, thì ngày nay, nhiều cái tên như: Vinamilk, Viecombank, Viettel… đã xuất hiện một cách đàng hoàng ở các bảng xếp hạng uy tín nhất.
Xét ở thị trường Đồng Nai, phải nói rằng nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp đã nỗ lực đưa tên tuổi, thương hiệu của mình lên những nấc thang mới, thay vì chỉ sản xuất và bán hàng ở mức cơ bản như vài chục năm về trước. Thị trường đã biết đến: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lotamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), Bibica (Công ty CP Bibica), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Cao su Nam Long, Ca cao Trọng Đức… và có sự tin dùng trong sử dụng sản phẩm.
Theo đánh giá, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD). Sự mở rộng thị trường liên tục cho hàng hóa, các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thực sự đã tạo nên những nền tảng rất tốt, rất vững vàng cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay khi thị trường ngày càng mở rộng vẫn là làm sao để xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của mình trên mọi thị trường bằng “phần cứng” như hành lang pháp lý, luật quốc tế và bằng “phần mềm” là uy tín, chất lượng, sự cam kết lâu dài...
Những bài học về tranh chấp thương hiệu, nhãn hàng… của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng ra thế giới hiện không còn mới nữa. Nhưng càng lúc, tư duy xây dựng đi kèm với tư duy bảo vệ càng trở nên quan trọng bởi nhiều quốc gia đã và đang tìm cách “lách” các FTA, dựng hàng rào kỹ thuật, đưa ra các luật chơi riêng… nhằm hạn chế sức cạnh tranh và bảo vệ doanh nghiệp của chính họ.
Vậy nên, câu chuyện nâng cao nội lực, xây dựng thương hiệu riêng và bảo vệ thương hiệu của mình tại mọi thị trường là câu chuyện không bao giờ cũ.
Vi Lâm