Theo kế hoạch năm học, hiện nay đang là thời điểm kiểm tra giữa học kỳ 2. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến giáo viên, học sinh phải "quay cuồng" giữa lịch học on - off (trực tuyến - trực tiếp).
Theo kế hoạch năm học, hiện nay đang là thời điểm kiểm tra giữa học kỳ 2. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến giáo viên, học sinh phải “quay cuồng” giữa lịch học on - off (trực tuyến - trực tiếp).
Cô trò Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) trong giờ học |
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, giáo viên phải vất vả vừa dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, thậm chí sẵn sàng dạy thêm giờ mà không nhận tiền tăng tiết. Học sinh cũng vất vả không kém.
Quay cuồng với lịch học
Đối với em Chướng Thành Quân, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán), đây là năm học vô cùng quan trọng. Dù có nhiều phương thức xét tuyển đại học nhưng Quân quyết định sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Vì vậy, Quân đang học thêm 4 môn với tổng thời gian 6 buổi/tuần. Cuối tuần này và đầu tuần sau là thời điểm nhà trường tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 2.
Em ĐOÀN NHƯ QUỲNH, học sinh lớp 10A3, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) cho biết, từ khi đi học trực tiếp đến nay em đã phải chuyển sang học online 2 lần. Một lần do trường nằm trong vùng cam, một lần do em là trường hợp F1. Vì lớp em được gắn thiết bị vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến nên em không gặp khó khăn khi học online. Em ở nhà nhưng vẫn học theo thời khóa biểu trên trường và ghi chép bài đầy đủ. |
Mong muốn đạt kết quả tốt, không bị học lệch môn nên Quân phải tranh thủ học ngày học đêm. Quân kể, mỗi ngày em thức dậy từ 4 giờ sáng để học bài rồi chuẩn bị đến trường. Sau giờ học ở trường, buổi trưa em sẽ tranh thủ ngủ, sau đó học bài hoặc đi học thêm… Buổi tối, sau khi đi học thêm về em nghỉ ngơi một chút rồi lại tiếp tục học. Mỗi ngày, Quân cố gắng học 1 môn để chuẩn bị cho đợt kiểm tra giữa học kỳ. Những ngày này, em thường thức đến tận 12 giờ khuya để học bài.
“Em cũng biết mình thức khuya như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng còn mấy ngày nữa là kiểm tra giữa kỳ nên em cố gắng thêm chút nữa. Sau khi kiểm tra xong em sẽ sắp xếp lại việc học cùa mình cho khoa học, đảm bảo sức khỏe để chinh phục những mục tiêu cao hơn” - em Quân giãi bày.
Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (H.Cẩm Mỹ) Lê Cảnh Thu cho hay, đây đã là tuần thứ 2 nhà trường chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Tuần trước, do lượng học sinh và giáo viên mắc Covid-19 của trường tăng nhiều nên trường đã chủ động đề xuất Sở GD-ĐT cho chuyển sang hình thức dạy trực tuyến. Tính đến ngày 15-3, nhà trường còn gần 20 giáo viên và khoảng 90 học sinh là F0 nên chưa thể tính đến chuyện tổ chức học trực tiếp trở lại.
Được biết, Trường THCS Võ Trường Toản rải đều lịch kiểm tra các môn trong vòng 3 tuần để học sinh có thời gian học bài và không bị áp lực về thi cử. Theo thầy Thu, việc học và kiểm tra online chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Do vậy, ngay khi dạy học trực tiếp trở lại thì nhà trường sẽ tiếp tục lịch dạy phụ đạo cũng như liên tục củng cố kiến thức cho học sinh.
Giáo viên tình nguyện “tăng ca”
Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (TP.Biên Hòa) Đoàn Châu Hưng cho hay, việc tổ chức hình thức dạy học 2 trong 1 (trực tiếp kết hợp trực tuyến) có những hạn chế nhất định. Bởi không có kế hoạch dạy học nào có thể kết hợp cả 2 hình thức này một cách hoàn thiện, tối ưu. Do vậy, bài giảng của giáo viên khó có thể “tròn trịa” và đạt kết quả như mong muốn. Học sinh cũng khó lòng tiếp thu bài một cách hiệu quả.
Từ thực tế đó, giáo viên của trường đã đồng lòng dạy trái buổi để đảm bảo chất lượng hơn. Theo đó, giáo viên vẫn dạy trực tiếp trên trường theo thời khóa biểu và tổ chức dạy trực tuyến riêng cho những học sinh F0, F1 đang cách ly tại nhà. Công sức bỏ ra nhiều nhưng tất cả giáo viên đều tự nguyện dạy thêm mà không tính tiền tăng giờ.
“Các tổ chuyên môn họp lại, cử ra mỗi giáo viên phụ trách dạy online 1 tuần và cứ luân phiên thực hiện như vậy cho đến khi không còn học sinh phải học online. Lớp học online cũng có thể linh hoạt về thời gian để phù hợp với cả giáo viên và học sinh” - thầy Hưng cho hay. Tính đến nay, giáo viên Trường THCS Lê Lợi đã tình nguyện dạy “tăng ca” như vậy được 3 tuần.
Về việc kiểm tra giữa học kỳ, nhà trường tổ chức hình thức kiểm tra trực tiếp. Đối với những học sinh thuộc diện F0, F1 đang phải cách ly sẽ được kiểm tra bằng đề dự phòng sau khi đi học trực tiếp.
Tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Sáu (P.An Hòa, TP.Biên Hòa), sau mấy tuần đầu ổn định tình hình dạy và học, từ ngày 7-3 trường này đã chuyển sang học 2 buổi/ngày và có tổ chức bán trú. Việc học 2 buổi/ngày giúp giáo viên có thêm nhiều thời gian để rèn luyện, củng cố kiến thức cho những học sinh “còn hạn chế” do học online. Nhà trường tổ chức bán trú còn giúp phụ huynh bớt được thời gian đưa đón con để yên tâm làm việc.
Trong 2 tuần gần đây, lượng học sinh F0, F1 bắt đầu tăng nên nhiều học sinh phải ở nhà học online. Mặc dù nhà trường đã sắp xếp phòng học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhưng nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn tình nguyện dạy online riêng cho học sinh F0, F1 của lớp vào buổi tối.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền (giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2) chia sẻ, trung bình mỗi tuần, lớp của cô có 5 học sinh phải học online. Để đảm bảo việc học của học sinh, cô thống nhất với phụ huynh duy trì đường link và giờ học online buổi tối của lớp. Theo đó, sau khi dạy 2 buổi trên trường, buổi tối cô Hiền và một số đồng nghiệp lại tiếp tục dạy ca 3 từ 18 giờ 30 đến 20 giờ. Đây là khoảng thời gian mà giáo viên tập trung cho các nội dung chính, quan trọng của bài học. Cuối buổi, cô giáo cho thêm bài tập để học sinh củng cố kiến thức.
“Học sinh làm xong bài tập thì phụ huynh chụp hình, gửi vào Zalo cho giáo viên xem và sửa bài. Nếu học sinh nào làm kịp trong buổi tối thì tôi sửa bài ngay. Còn học sinh nào đến sáng mới nộp bài thì tôi sẽ tranh thủ giờ ra chơi để sửa bài cho các con” - cô Hiền chia sẻ.
Cũng theo cô Hiền, theo quy định, học sinh lớp 1, 2, 3 không phải kiểm tra giữa học kỳ nhưng giáo viên sẽ vẫn cho các em làm bài kiểm tra. Điều này vừa giúp học sinh làm quen với hình thức kiểm tra vừa giúp giáo viên có thêm cơ sở đánh giá lại chất lượng của học sinh để có biện pháp phối hợp cùng phụ huynh trong công tác giáo dục trẻ.
Hải Yến