Là địa phương có hơn nửa thế kỷ phát triển công nghiệp, trải qua nhiều thập niên, có những doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã chú ý xây dựng thành công thương hiệu của mình. Tuy nhiên, không ít DN sau nhiều năm hoạt động vẫn mờ nhạt vì chưa xem trọng việc xây dựng thương hiệu.
[links()]Là địa phương có hơn nửa thế kỷ phát triển công nghiệp, trải qua nhiều thập niên, có những doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã chú ý xây dựng thành công thương hiệu của mình. Tuy nhiên, không ít DN sau nhiều năm hoạt động vẫn mờ nhạt vì chưa xem trọng việc xây dựng thương hiệu.
Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bibica ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: HƯƠNG GIANG |
Theo Sở KH-ĐT, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 45 ngàn DN được đăng ký kinh doanh trên Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia với tổng vốn gần 402,6 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, số DN có tên tuổi trên thị trường trong nước và nước ngoài không nhiều. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều công ty mãi không lớn mạnh được.
* Nhiều thương hiệu được đón nhận
Từ nhiều năm trước, một số thương hiệu hàng hóa của Đồng Nai đã được người tiêu dùng trong nước đón nhận như: Đường Biên Hòa (Công ty CP Đường Biên Hòa), Lothamilk (Công ty CP Lotamilk), Vinacafé (Công ty CP Vinacafé Biên Hòa), Donafoods (Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm), Donagamex (Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai), Donasa (Công ty CP Sơn Đồng Nai), Bibica (Công ty CP Bibica), GCfood (Công ty CP Thực phẩm G.C), Casumina, Ắc quy Đồng Nai, Nam Long, Ca cao Trọng Đức…
Mỗi công ty có một cách làm khác nhau, nhưng bước đường xây dựng thương hiệu không dễ dàng, phải trải qua nhiều năm phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, DN phải nghiên cứu xu hướng của khách hàng để nghiên cứu ra những sản phẩm phù hợp, chất lượng và mẫu mã phải được cải thiện để đủ sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ khi đi vào hoạt động, công ty đã thực hiện theo phương châm Sức khỏe người tiêu dùng là nền tảng phát triển của DN, thương hiệu Lothamilk được xây dựng từ uy tín, chất lượng nên được người tiêu dùng đón nhận và từng bước trở thành thương hiệu sữa bò tươi hàng đầu Việt Nam. Để đảm bảo sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, Lothamilk đã đầu tư vùng nguyên liệu lớn tại tỉnh Lâm Đồng và H.Củ Chi (TP.HCM). Hiện DN cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 1,2 ngàn tấn sữa tươi/tháng.
Theo đại diện của Công ty CP Đường Biên Hòa, để thương hiệu Đường Biên Hòa trụ vững trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng và người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, DN phải mất nhiều thập niên không ngừng tái cấu trúc, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, liên tục đưa ra những sản phẩm mới, tiện lợi đảm bảo sức khỏe. Vì thế, trong 2 năm trở lại đây, Công ty CP Đường Biên Hòa cung cấp cho thị trường khoảng 15 ngàn tấn/tháng, trong đó 50% bán trực tiếp cho người tiêu dùng và 50% vào các nhà máy sản xuất thực phẩm. Nhiều năm liền, Đường Biên Hòa được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thế nhưng, cũng có những thương hiệu từng được thị trường trong nước, nước ngoài đón nhận trong một thời gian dài, sau đó do thay đổi, biến động, nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị thu hẹp, hội nhập sâu chịu cạnh tranh gay gắt cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài đã bị mai một, buộc phải chuyển đổi lĩnh vực sản xuất. Đơn cử như Donafoods, trước đây, nhắc đến thương hiệu này nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước đều biết đến là DN chuyên sản xuất, chế biến nhân hạt điều hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm được thị trường nội địa đánh giá cao và xuất khẩu qua hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đường Biên Hòa là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng sử dụng và nhiều năm bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất đường tại Công ty CP Đường Biên Hòa ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) |
Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm (Donafoods) cho biết: “Donafoods có nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh chứ không riêng chế biến hạt điều, nhưng trước đây, sản xuất chế biến hạt điều là mảng nổi trội nhất. Do đó, nhắc đến Donafoods mọi người nhớ ngay đến sản xuất chế biến hạt điều. Hiện nay, công ty tập trung vào mảng kinh doanh và dịch vụ, sản xuất hạt điều rất ít vì không chủ động được nguồn nguyên liệu nên rất khó cạnh tranh”.
* Đưa hàng hóa xuất ngoại
Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu để tồn tại và phát triển, các DN ngày càng chú trọng xây dựng thương hiệu trong nước và tìm cách đưa hàng hóa xuất ngoại, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, cũng có DN thành công, nhưng thất bại cũng không ít, vì hàng hóa muốn vào được thị trường nào, DN phải nắm rõ xu hướng, sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng nơi đó. Đồng thời, DN đáp ứng những rào cản về kỹ thuật các nước đặt ra để bảo vệ hàng hóa trong nước và người tiêu dùng, giá cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác.
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho biết: “Sau khi xây dựng được thương hiệu tại thị trường Việt Nam và 9 năm liền được người tiêu dùng bình chọn sản phẩm găng tay là hàng Việt Nam chất lượng cao, Nam Long đã tìm cách mở rộng xuất khẩu qua một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Để giữ được thị phần ở trong nước và tăng xuất khẩu, Nam Long đã đầu tư thêm máy móc công nghệ hiện đại để sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá bán cạnh tranh”.
Cũng theo ông Long sản phẩm công ty đang sản xuất nguồn nguyên liệu là cao su thiên nhiên có sẵn trong nước nên khi xuất khẩu vào các nước Việt Nam có ký các hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan để tăng khả năng cạnh tranh. Trong thời gian tới, Nam Long sẽ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở một số nước và tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Công ty đã lên kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà máy để tăng công suất đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) là DN tương đối thành công trong xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm nha đam, thạch dừa… xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng G.C vẫn nâng được công suất của các nhà máy thêm khoảng 20% và tiếp tục mở rộng thị trường qua nhiều nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C cho biết: “Sau hơn 10 năm thành lập, GCfood trở thành thương hiệu được nhiều khách hàng trong nước, nước ngoài tin tưởng và đặt hàng với số lượng mỗi năm đều tăng. GCfood trở thành DN cung cấp nha đam, thạch dừa hàng đầu của Việt Nam. Công ty liên kết với một số trường đại học để nghiên cứu phát triển các sản phẩm để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài 2 sản phẩm chính trên, công ty còn thành lập thêm 2 công ty để đầu tư vùng nguyên liệu và thêm các sản phẩm khác như: dưa lưới, táo, nho, ổi”.
Trước đây, các DN sản xuất hàng hóa ít quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu nên đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Khoảng 4-5 trở lại đây, xảy ra nhiều vụ việc DN Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài, trong nước nên việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã được chú trọng hơn.
Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH-CN, những năm gần đây, các DN ở Đồng Nai đã quan tâm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở trong nước và nước ngoài nhiều hơn để bảo hộ và bảo vệ quyền của chủ sở hữu, tránh bị xâm phạm. Đây là việc không thể thiếu được của DN trong quá trình sản xuất hàng hóa và muốn xây dựng được thương hiệu để phát triển lâu dài ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hương Giang