Thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thói quen mua - bán. Thay vì tập trung về các chợ truyền thống, hàng tạp hóa như trước, cả chủ đầu tư lẫn người tiêu dùng ngày càng chuộng bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử).
Thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thói quen mua - bán. Thay vì tập trung về các chợ truyền thống, hàng tạp hóa như trước, cả chủ đầu tư lẫn người tiêu dùng ngày càng chuộng bán lẻ hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử).
Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng tiện lợi theo chuỗi tại xã An Phước, H.Long Thành |
Không chỉ sôi động tại khu vực có mức sống tương đối cao mà bán lẻ hiện đại đã len lõi cả về vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Giá cả minh bạch, hàng hóa đa dạng, phục vụ lịch sự là lợi thế của kênh bán hàng này.
Cửa hàng tiện lợi “tràn” về nông thôn
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, các cửa hàng bán lẻ theo chuỗi, cửa hàng tiện ích do tư nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với các lợi thế về vị trí, cơ cấu mặt hàng, bày trí và phục vụ, cửa hàng bán lẻ hiện đại đã thành công “chia sẻ” khách hàng với chợ, tạp hóa.
Huyện Nhơn Trạch 3 năm về trước không có cửa hàng tiện lợi hiện đại, không có siêu thị. Mọi hoạt động mua bán đều diễn ra tại các chợ truyền thống, chợ cóc và cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, hiện địa phương này có hơn 20 cửa hàng bán lẻ theo chuỗi, dự kiến trong năm nay có thêm 10-15 cửa hàng tương tự.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, vài năm trở lại đây, địa phương không thu hút được nhà đầu tư mở chợ truyền thống, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại. Tiểu thương kinh doanh ở các chợ nông thôn than phiên ế ẩm. Thế nhưng, các cửa hàng tiện lợi chuỗi như: Bách hóa Xanh, Điện máy Xanh, Winmart lại phát triển không ngừng. Hầu hết các xã, thị trấn đều có cửa hàng tiện lợi ngay cạnh chợ cũ hoặc vị trí dự kiến xây chợ. Điều này cho thấy, người dân đã bắt đầu quan tâm đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Chị Lê Xuân Mai, xã Phước Thiền (H.Nhơn Trạch) chia sẻ, trước đây mỗi lần đi chợ phải dặn trước “mối”, đến nhiều điểm khác nhau mới mua đủ thực phẩm thiết yếu. Nhưng hiện tại việc đi chợ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều vì có cửa hàng tiện lợi ngay gần nhà. “Chỉ cần đến một nơi là mua đủ tất. Từ rau củ quả, cá thịt, cho đến đồ khô, mắm muối. Họ bán từ sáng sớm đến tối khuya. Ngày nào bận quá thì gọi điện họ mang tới nhà. Hàng hóa đầy đủ thông tin, phục vụ lịch sự, giá cả cũng hợp lý” - chị Mai chia sẻ.
Không chỉ ở khu vực đông dân cư mà ở vùng sâu, vùng xa cũng dần xuất hiện cửa hàng bán lẻ hiện đại. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, trong khi nhiều chợ đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới khó thu hút tiểu thương và người dân vào bán - mua thì các cửa hàng bán lẻ hiện đại theo chuỗi lần lượt xuất hiện. Đây sự là sự phát triển bình thường, tất yếu của thị trường. Do đó, tới đây huyện không ưu tiên mở chợ mới mà chuyển sang thu hút đầu tư điểm bán hàng hiện đại đáp ứng tiêu chí thương mại dịch vụ và nhu cầu người dân.
Nhiều người cho rằng, thị trường bán lẻ đang có sự dịch chuyển từ kênh mua bán truyền thống sang hiện đại. Sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn khi xảy ra dịch Covid-19. Hầu hết các điểm bán lẻ hiện đại đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận, nhà đầu tư phát triển thêm số lượng cửa hàng, điểm bán.
Thay đổi để thích ứng
Mặc dù đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt nhưng trên thực tế, bán lẻ truyền thống ở các chợ, cửa hàng tạp hóa vẫn là chủ đạo ở vùng nông thôn, khu vực đông công nhân, dân cư. Lợi thế của kênh bán này là chi phí mặt bằng, nhân công thấp nên giá cả mềm, linh hoạt hơn. Là “mối” quen lâu năm của đa số người dân trong vùng. Điều cần làm để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tăng doanh thu trở lại là đa dạng hàng hóa, quan tâm thực sự đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng tiện lợi theo chuỗi tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa |
Bà Nguyễn Thị Thía, tiểu thương bán thịt ở chợ Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, từ sau giãn cách xã hội đến nay chợ vắng hẳn khách. Người dân chuyển sang đi siêu thị, đi cửa hàng tiện lợi và mua hàng online. Không ít tiểu thương nghỉ bán hoặc rời điểm bán về nhà thay vì đến chợ. Bà lớn tuổi, nhà trong hẻm nên vẫn bán ở chợ. Để giữ chân khách hàng, bà tìm nguồn cung gà thịt ổn định, chất lượng ngon, luôn giữ kệ sạp sạch sẽ, bỏ sỉ tận nhà cho mối quen.
Bà Nguyễn Thị Linh, tiểu thương bán quần áo chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho rằng, trước đây bán hàng ở chợ còn có nói thách, thậm chí chửi bới khách hàng vì hỏi giá mà không mua. Nhưng bây giờ tiểu thương trong chợ phải sắp xếp quần áo đâu ra đó y như cửa hàng sang trọng, mỗi món đều niêm yếu giá, có chỗ thử đồ và thậm chí kiêm luôn thợ sửa quần áo cho khách vậy mà còn ế.
Tham gia buổi làm việc với H.Cẩm Mỹ cùng lãnh đạo tỉnh, bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau dịch bệnh. Người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, giảm tần suất nhưng tăng giá trị mua. Nắm bắt xu hướng này, siêu thị đã tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, phát triển các ứng dụng bán hàng trực tuyến để phục vụ người dân. Siêu thị luôn tìm kiếm và ưu tiên các nhà cung cấp uy tín ngay tại địa phương để mua tận gốc, bán tận ngọn đảm bảo hàng hóa tới tay người tiêu dùng luôn tươi ngon, sạch, giá cả vừa phải.
Theo bà Tăng Kim Lệ, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, trong khi nhiều chợ nhiều khó thu hút nhà đầu tư làm hạ tầng, thậm chí làm hạ tầng rồi tiểu thương vẫn không chịu vào thì số lượng các điểm bán hàng tiện lợi, đặc biệt là cửa hàng tiện lợi theo chuỗi tăng chóng mặt. Điều này cho thấy tâm lý, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể. Trong quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ các địa phương lưu ý kêu gọi đầu tư chợ hay điểm bán đem lại hiệu quả. Dù bán lẻ dù quy mô lớn hay nhỏ, truyền thống hay hiện đại cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Ban Mai