'Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản'. Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.
‘Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản’. Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện là trục giao thông kết nối quan trọng của vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Phạm Tùng |
* Vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
Theo Quyết định 463/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký, vùng Đông Nam bộ bao gồm 6 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Với vị thế là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, trong nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ, Chính phủ cũng đã đưa ra các mục tiêu quan trọng trong quy hoạch. Theo đó, trong chiến lược 10 năm từ năm 2021-2030, vùng Đông Nam bộ được xác định là vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Về định hướng phát triển, vùng Đông Nam bộ được quy hoạch để tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản.
Một mục tiêu quan trọng khác được Chính phủ yêu cầu trong nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ là nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với đồng bằng sông Cửu Long qua các hành lang N1, N2, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 50; với Tây nguyên qua cao tốc TP.HCM - Đà Lạt; với Nam Trung bộ qua cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 55. Đồng thời phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Cùng với đó, thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.
Nội dung chính của quy hoạch vùng Đông Nam bộ cũng được nêu ra với nhiều điểm đáng chú ý như phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng. “Dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng, các mặt KT-XH và môi trường, tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển” - quyết định nêu rõ.
* “Đòn bẩy” hạ tầng giao thông kết nối
Trên thực tế, nhiều năm qua, hạ tầng giao thông kết nối là một trong những “điểm nghẽn” khiến cho vùng Đông Nam bộ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, vùng Đông Nam bộ hiện nay đóng góp khoảng 40% GDP cho đất nước. Đồng thời, đây cũng là khu vực đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. “Đây là khu vực đầu tàu, là khu vực động lực phát triển kinh tế của cả nước” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá.
Chính vì vậy, để khu vực “đầu tàu” tiếp tục phát triển, từ đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế thì hoạt động sản xuất cần phải được bảo đảm thông suốt. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực GT-VT đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc kết nối cần được quan tâm đặc biệt.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, vừa qua Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 đã rất quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc kết nối vùng Đông Nam bộ.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và chuẩn bị phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây- Tân Phú. Bên cạnh đó, đường vành đai 3 - TP.HCM, tuyến đường quan trọng kết nối các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An cũng chuẩn bị được phê duyệt chủ trương đầu tư. “Việc triển khai nhanh thủ tục đầu tư để sớm thực hiện các dự án nói trên là hết sức quan trọng. Bởi các dự án này không chỉ giúp cho Đồng Nai, khu vực Đông Nam bộ nói riêng mà cho cả nước nói chung phát triển và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối đã và đang được triển khai thực hiện, có thể nói, thời gian tới, vùng Đông Nam bộ sẽ có được một lực đẩy to lớn để phát triển.
Động lực phát triển đó sẽ được gia tăng khi dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2025.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, dự án Sân bay Long Thành là dự án “trọng điểm của trọng điểm quốc gia, trọng tâm của trọng tâm”. Đây là dự án sẽ nâng tầm vị thế của quốc gia. Vì vậy, Đồng Nai phải quan tâm quy hoạch chú trọng quy hoạch phát triển khu vực đô thị chung quanh sân bay để tạo động lực thúc đẩy phát triển không chỉ riêng cho địa phương mà cho toàn bộ vùng Đông Nam bộ.
Ngày 20-4, UBND tỉnh đã có văn bản về việc triển khai thực hiện quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, TN-MT, GT-VT, Công thương, TT-TT, NN-PTNT, UBND các địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 463/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phạm Tùng