Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, người lính chiến Trường Sơn, nguyên là Chính ủy Trường Sĩ quan lục quân 2 (SQLQ2) (Trường đại học Nguyễn Huệ). Gần 45 năm chiến đấu, công tác trong quân ngũ, trong đó có gần 30 năm gắn bó với Trường SQLQ2, ông dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp GD- ĐT của nhà trường, nhất là "giữ ngọn lửa niềm đam mê sách" cho các thế hệ học viên.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, người lính chiến Trường Sơn, nguyên là Chính ủy Trường Sĩ quan lục quân 2 (SQLQ2) (Trường đại học Nguyễn Huệ). Gần 45 năm chiến đấu, công tác trong quân ngũ, trong đó có gần 30 năm gắn bó với Trường SQLQ2, ông dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp GD- ĐT của nhà trường, nhất là “giữ ngọn lửa niềm đam mê sách” cho các thế hệ học viên.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai (phải) thắp hương tại Khu lưu niệm ở H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai (phải) thắp hương tại Khu lưu niệm ở H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Minh Đức |
* Một thời thư viện trên vai
Thường ngày, tôi vẫn gọi ông là “Bố”, gọi một cách tự nhiên, nghiêm túc vì không chỉ ông từng là lãnh đạo cao nhất của nhà trường, cấp trên của tôi, một vị tướng ham mê sách mà tôi kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ mà còn bởi tuổi tôi bằng tuổi con trai đầu của ông. Cách gọi ấy theo tôi là phải đạo, không khiên cưỡng.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai nhập ngũ tháng 5-1965 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ở thời kỳ ác liệt nhất. Nhiều lần ông kể, bộ đội Trường Sơn thời ông, có thể đói cơm, thèm muối, nhưng không thể thiếu những cuốn sách được cán bộ, chiến sĩ đặc biệt quý trọng, gọi là “cẩm nang” gối đầu giường. “Hồi ấy, sách báo đối với bọn tôi quý giá biết nhường nào. Trong ba lô hành quân trên đường ra trận, mang đủ thứ vũ khí, trang bị cá nhân, rất nặng. Nhưng không hiếm người có Thép đã tôi thế đấy; Sông đông êm đềm; Chiến tranh và hòa bình; Từ ấy; Việt Nam máu và hoa; Mùa hoa dẻ... Mỗi lần được nghỉ ngơi trên đường hành quân, anh em lại đưa sách ra đọc cho nhau nghe hoặc chuyền tay nhau đọc, có khi nát nhàu cuốn sách. Trong hồi ký Con đường tôi đi của mình, ông thừa nhận: “Hôm có lệnh gọi nhập ngũ, tôi vội quá tôi không mang được thứ gì cả. Mà thực tế hồi ấy cũng chẳng có gì mang theo ngoài cuốn sổ đang ghi chép dở. Đến đơn vị chiến đấu, anh em cho đọc chung sách. Khi hành quân sang Lào, dọc Trường Sơn chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhưng tinh thần chung của tiểu đoàn là cán bộ, chiến sĩ cõng sách trên vai. Trong toàn quân trên đường ra trận thời ấy gọi là “Thư viện trên vai bộ đội”.
Ông có thú đam mê cháy bỏng, đó là việc đọc sách, báo. Những năm tháng được là cấp dưới của ông, nhất là khi ông ở cương vị lãnh đạo cao nhất của nhà trường, hằng ngày, dù bận rất nhiều công việc, ông vẫn dành thời gian đọc, nghiên cứu sách, báo, tạp chí. Mỗi lần đọc, đều được ông ghi chép cẩn thận vào sổ riêng. Ông cũng đem kinh nghiệm này phổ biến đến cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường trong sinh hoạt, giao ban, hội họp, nói chuyện. Theo ông, đọc sách báo chẳng những là thú vui, sở thích, đam mê mà là quá trình tự bồi dưỡng, mở mang trí tuệ, nâng cao trình độ kiến thức cho bản thân mình, luôn làm chủ tình hình, nhất là trong công tác tư tưởng, quản lý, giáo dục bộ đội.
* Nhóm lên và giữ ngọn lửa yêu sách
Năm 1994, tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan chính trị - quân sự về Trường SQLQ2 công tác.Kỷ niệm và ấn tượng mạnh nhất của tôi khi ấy, Thủ trưởng Khai là Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó hiệu trưởng chính trị (Chính ủy) nhà trường. Tôi trên cương vị Phó đại đội trưởng chính trị, Bí thư chi bộ, được giao nhiệm vụ quản lý đại đội học viên sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, đào tạo trình độ đại học quân sự đầu tiên của Trường SQLQ2, với 2 chuyên ngành Pháo binh, Pháo phòng không. Đây là đối tượng học viên được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là chất lượng giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai căn dặn học viên sau diễn tập. Ảnh: Nguyễn Minh Đức |
Nhận nhiệm vụ khó khăn này, tôi luôn lo nghĩ làm thế nào để bộ đội được học, được tiếp cận nhiều nhất chẳng những với kiến thức bài giảng, mà sách, báo, tạp chí cũng là những kênh thông tin rất hữu ích cho quá trình tiếp thu, lĩnh hội tri thức, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong khi thư viện nhà trường đóng khá xa doanh trại, bộ đội không có nhiều thời gian đến thư viện đọc, nghiên cứu. Tôi nghĩ, lâu ngày không đến thành lười, việc đọc sách, báo, tạp chí cũng do đó lười theo.
Một lần, thủ trưởng Khai đến kiểm tra đại đội tôi, tuy điều kiện nhà ở học viên, cán bộ lúc ấy rất chật chội (50 học viên trên 25 chiếc giường sắt 2 tầng trong nhà batco Mỹ xây dựng để lại thấp, nóng. Cán bộ đại đội, trung đội ở chung một phòng khoảng 20m2). Thế nhưng, đại đội tôi vẫn có một tủ với hơn 100 đầu sách (chủ yếu mượn từ thư viện về) cho bộ đội đọc.
Vào kiểm tra phòng vừa để ở, vừa là nơi làm việc của đại đội tôi, nhìn thấy tủ sách, ông hỏi ngay mục đích, quá trình khai thác, thời gian bố trí cho bộ đội đọc!? Cách để thu hoạch sách sau khi đọc!? Tôi thành thật báo cáo rành rẽ với thủ trưởng ý định, kế hoạch, cách bố trí tìm đọc sách, báo, tạp chí cho học viên. “Bộ đội khó đến thư viện vì xa quá mà lịch huấn luyện dày đặc. Con mượn về đây, anh em rảnh lúc nào thì lên phòng đại đội đăng ký về đọc lúc đó. Có khi, ban đêm cũng có học viên đến mượn sách đọc. Đọc xong, luân phiên trả và mượn sách khác. Nhưng con quy định, đọc xong sách nào thì phải có bản thu hoạch sách đó” - tôi nói.
Ông dẫn tôi cùng đoàn kiểm tra đến đầu giường từng học viên, kiểm tra, lật giở những cuốn sổ tay ghi chép của anh em, đọc những trang nhật ký trong đó, đa số học viên ghi chép rất cẩn thận, chủ yếu là thu hoạch những mẩu chuyện, tóm cốt chính những cuốn sách đã đọc, những nguyên lý, quy luật, công thức, định nghĩa, châm ngôn, lời hay ý đẹp… Tôi thấy ông gật gù, đồng tình, tán thưởng. Ông nói: “Đại đội là cấp rất cơ bản, làm được thế là rất tốt, phải thường xuyên “giữ lửa ham mê sách” cho anh em, động viên họ tranh thủ thời gian đọc nhiều sách báo, tăng cường tích lũy kiến thức”.
Cuối buổi kiểm tra, ông dặn tôi nhớ mãi: “Quỹ thời gian có hạn, bài giảng thầy cô không thể nào cung cấp đủ hết thông tin. Muốn nâng cao trình độ thì phải tự học, tìm đọc sách báo, tài liệu tham khảo thêm. Nhớ rằng, cũng nhờ tri thức trao truyền qua con đường sách mới có các bậc vĩ nhân”. Điều này làm tôi nghĩ đến các vĩ nhân khi họ nói về sách và giá trị thực sự của sách. Đặc biệt là lời bà Konstantinovna Krupskaya (vợ V.I. Lênin) và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về sách và tự bồi dưỡng mở mang, nâng cao kiến thức từ sách báo. Tôi nào ngờ sau đó được Đảng ủy Ban giám hiệu bổ nhiệm làm Trưởng ban Thư viện nhà trường. Với tôi, đây là quãng thời gian vô cùng quý giá, được sống và làm việc giữa “kho tàng tri thức nhân loại” nhưng không kém phần khó khăn.
Hôm gặp tôi chỗ nhận công tác, ông động viên: “Xưa, Khổng Tử là người coi kho thóc nước Lỗ. Thời gian sau, ông ta bỏ việc đó chu du khắp thiên hạ trở về nước Tề, thành “vạn thế sư biểu”. Nay cháu được bổ nhiệm “coi kho sách”, sẽ làm được gì không!?”. Tôi cười và chú tâm suy nghĩ câu nói ấy, cố gắng thật nhiều trong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được thủ trưởng các cấp khích lệ, động viên, chúng tôi sớm trình phương án tham mưu nhà trường phát động phong trào đọc, thu hoạch sách sâu rộng, thu hút được toàn trường tham gia.
Theo đó, mỗi ngày nghỉ cuối tuần, ít nhất một trung đội học viên sắp xếp lịch, có thời gian đến thư viện đọc sách. Hằng tuần, có bài thu hoạch sách, trao đổi kinh nghiệm đọc sách báo của cán bộ, giảng viên, học viên. Bài thu hoạch được chọn, phát trên Đài Truyền thanh nhà trường… tạo nên phong trào, không khí đọc sách báo sôi nổi. Từ đó, giá sách, tủ sách đại đội, tủ sách pháp luật được ra đời, đầu sách tăng lên từ nhiều nguồn phong phú, được kiểm duyệt chặt chẽ. Mỗi cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị có phòng đọc sách báo, cử nhân viên đến thư viện mượn, luân chuyển cho bộ đội đọc. Cách làm ấy đã “giữ ngọn lửa đam mê sách”, phong trào đọc sách báo của nhà trường đến tận hôm nay.
Sau khi nghỉ hưu, ông đã cho ra đời cuốn hồi ký Con đường tôi đi. Trong hồi ký, hiện rõ một Trường Sơn hùng vĩ, rất riêng trong nhiệm vụ chung của dân tộc, trong nghĩa vụ quốc tế cao cả thiêng liêng, trong chân dung một cán bộ chính trị, một chính ủy nghiêm túc, dạn dày kinh nghiệm vắt từ thời chiến sang thời bình; hiện lên cuộc chiến đấu không cân sức, giàu hình ảnh với ăm ắp những chi tiết nối liền sinh động, rất phù hợp với việc học tập kinh nghiệm của học viên sĩ quan cấp phân đội. Trong đó, chi tiết “thư viện trên vai bộ đội” là hiện thân của niềm đam mê sách như ngọn lửa cháy mãi trong lòng người đọc. Đọc sách quý chẳng những nâng tầm hiểu biết, thư giãn mà còn tri ân ghi nhớ, trân trọng người đi trước. Bởi thực sự, sách mãi là người bạn quý của mỗi người trên bước đường đời.
Nguyễn Minh Đức