Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà khoa học phải chủ động đi và gắn kết với doanh nghiệp

09:04, 16/04/2022

GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam là nhà quản lý, nhà khoa học với hàng loạt công trình nghiên cứu về lĩnh vực lâm nghiệp. Ông cũng có nhiều thành tựu về công tác đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp, viết hàng chục cuốn sách giáo trình, chuyên khảo và tham khảo về lâm nghiệp.

GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam là nhà quản lý, nhà khoa học với hàng loạt công trình nghiên cứu về lĩnh vực lâm nghiệp. Ông cũng có nhiều thành tựu về công tác đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp, viết hàng chục cuốn sách giáo trình, chuyên khảo và tham khảo về lâm nghiệp.

Trong quá trình công tác tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, GS-TS Võ Đại Hải đã tập trung chỉ đạo Viện nghiên cứu các mũi nhọn chuyên môn đến sản phẩm cuối cùng để phục vụ cho tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

 Câu chuyện phát triển rừng bền vững

 Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu trong đó có nguyên nhân nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ còn hạn chế, quan điểm của ông như thế nào?

- Sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ có liên quan mật thiết tới khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tính hợp pháp, các yếu tố môi trường và xã hội của các nước phát triển là thị trường chính nhập khẩu sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam. Theo đó, sản xuất rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là một trong những yêu cầu mà hiện tại chúng ta phải hướng đến. Điều này liên quan đến công tác quản lý rừng bền vững.

GS-TS VÕ ĐẠI HẢI đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016 và 2020, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 2004, Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ năm 2008… Kết quả trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT trao 5 giải thưởng Bông lúa vàng, công nhận 69 giống, trong đó có 5 giống quốc gia… Hằng năm cung ứng trên 500 ngàn giống gốc và sản xuất 8-10 triệu cây giống chất lượng cao các loại phục vụ sản xuất.

Chứng chỉ rừng gắn với quản lý rừng bền vững du nhập vào Việt Nam từ những năm 1998, đây là quá trình lâu dài và Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đặt ra những kế hoạch xây dựng rất nhiều đề án, chương trình nhưng có thể nói là tiến độ và kết quả chúng ta đạt được còn khá chậm.

Trong yêu cầu thực tiễn hiện nay, các khách hàng quốc tế yêu cầu tất cả các sản phẩm đều phải kiểm soát được nguồn gốc, có chứng chỉ để đảm bảo rằng các sản phẩm này đã được quản lý theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, tạo độ tin cậy cho khách hàng. Về vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng đề án và trong chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể là: đến năm 2025, chúng ta phải đạt được con số là 500 ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Con số hiện tại, chúng ta mới đạt 300 ngàn ha, như vậy từ nay đến năm 2025, chúng ta cần khoảng 200 ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ. Còn đến năm 2030, chúng ta cố gắng đạt đến con số 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ. Đây là một con số rất lớn, đòi hỏi cả các cấp bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp (DN) phải vào cuộc thật sự.

 Thưa GS, để đạt những mục tiêu lớn như trên, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ gì với DN và các chủ rừng?

- Bộ NN-PTNT đã hợp tác với Chương trình Chứng nhận chứng chỉ rừng (PEFC) để xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS). Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ cho DN ví dụ như hỗ trợ kinh phí làm chứng chỉ rừng. Một số tỉnh có tiềm lực phát triển rừng mạnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ DN làm chứng chỉ rừng.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đã chuyển văn phòng quản lý rừng bền vững từ Tổng cục Nông nghiệp về Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Viện đã tăng cường năng lực cho các DN đã xây dựng và đang vận hành các bộ tiêu chuẩn, các thủ tục xúc tiến nhanh nhất, gắn kết việc cấp chứng chỉ rừng này. Việt Nam đã xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng riêng nhưng chứng chỉ rừng này phải hài hòa với quốc tế, được quốc tế chấp nhận mới là điều kiện quan trọng.

Chú trọng đầu tư về giống

 Một trong những mũi nhọn của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam là đầu tư nghiên cứu giống lâm nghiệp, GS có thể chia sẻ về công tác nghiên cứu này?

- Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lâm nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất được Bộ NN-PTNT rất quan tâm, đầu tư nhiều chương trình giống. Đến nay, chúng ta có hơn 200 các loại giống khác nhau để phục vụ cho trồng rừng. Tuy nhiên, vì một đề tài khoa học phạm vi khảo nghiệm giống không rộng, chủ yếu là ở 1 vùng.

Trước đây, nếu giống được khảo nghiệm ở 1 vùng thì được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật cho nên các vùng khác muốn ứng dụng giống này cần làm 1 bước là khảo nghiệm mở rộng. Thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã đầu tư các dự án cho khảo nghiệm mở rộng cho khá nhiều giống ở các vùng khác nhau để nâng cao được tính thích ứng và kiểm tra được sự phù hợp. Nhưng muốn nhanh nữa thì cần vai trò của DN có nguồn lực, có quỹ đất vào cuộc cùng thử nghiệm các giống mới. Nếu DN chỉ chờ để có giống mới thì rất khó vì giống lâm nghiệp có đặc thù thời gian nghiên cứu, thử nghiệm rất dài ngày.

 Xưa nay, công tác nghiên cứu của nhà khoa học thường chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm, Viện có những chương trình hợp tác nào để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực giống lâm nghiệp, thưa GS?

- Về chủ trương gắn kết các nhà khoa học với DN sản xuất, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo rất mạnh. Trong bối cảnh mới, nhà khoa học chúng tôi không chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu mà chủ động đi và gắn kết với DN trong quá trình nghiên cứu, trong quá trình chuyển giao. Có như vậy, những tiến bộ, kết quả nghiên cứu mới đến nhanh được với người sản xuất.

Điều này hoàn toàn khác so với trước đây. Có thể nói, trong vòng 4 năm qua, Viện đã ký kết với UBND, Sở NN-PTNT các tỉnh, với các tập đoàn, DN để giới thiệu các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ nghiên cứu của Viện. Sự gặp gỡ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các DN với mục tiêu đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

 Đánh giá của GS về lợi thế phát triển lâm nghiệp của vùng Đông Nam bộ?

- Có thể nói vùng Đông Nam bộ có rất nhiều tiềm năng trong việc chế biến gỗ xuất khẩu. Thứ nhất là về điều kiện đất đai để xây dựng vùng nguyên liệu, đây là vùng đất đai trù phú, quỹ đất rừng lớn, địa hình lại khá bằng phẳng. Theo đó, năng suất trồng rừng ở Đông Nam bộ gần như cao hơn các vùng sản xuất khác. Thứ hai, ưu điểm của vùng này là Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam có 1 đơn vị nằm trên địa bàn nên các khu khảo nghiệm giống bao giờ cũng tổ chức ở khu vực này và khi 1 giống mới được nghiên cứu ra là có thể ứng dụng ngay nên có sẵn nguồn nguyên liệu với chất lượng tốt. Thứ ba, về vị trí địa lý có nhiều cảng lớn rất thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nên thu hút nhiều khu, cụm chế biến lâm sản.

 GS có góp ý gì cho các địa phương ở Đông Nam bộ trong đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất?

- Hạn chế hiện nay là chúng ta chưa đa dạng hóa về nguồn gỗ trồng và nhiều nguyên liệu lại chưa đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Tuy Việt Nam nghiên cứu ra hơn 200 giống lâm nghiệp nhưng thực tế đưa vào sản xuất phổ biến chủ yếu mới vài loại nên không đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ngành chế biến gỗ ở Đông Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn gỗ nhập. Việt Nam chủ yếu nhập gỗ xẻ, chỉ hưởng lợi ở phần gia công còn hạn chế về chế biến sâu, chế biến tinh. Chuỗi sản xuất, chế biến gỗ của chúng ta đang bị đứt khúc nên hiện nay việc phát triển rừng bền vững đang rất được quan tâm.

 Xin cảm ơn GS!

Bộ NN-PTNT đã có định hướng đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến gỗ đồng thời nâng cao chất lượng của nguồn nguyên liệu và đáp ứng được về mặt môi trường. Những điều này rất quan trọng vì đa số rừng trồng của chúng ta là cây keo cho giá trị thấp.

Giai đoạn sắp tới, Việt Nam không thể đóng cửa rừng tự nhiên mãi được mà hướng tới là nhanh chóng phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Từ đó tiến đến quản lý và khai thác bền vững. Mặt khác, chúng ta phải nghiên cứu, chọn tạo những cây rừng bản địa mọc nhanh, có giá trị cao để phát triển được nguồn nguyên liệu nội địa đáp ứng được nhu cầu chế biến. Đây là hướng đi để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều