47 năm qua kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có không biết bao câu chuyện về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta đã ghi dấu trên những hiện vật, hình ảnh lịch sử.
47 năm qua kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có không biết bao câu chuyện về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta đã ghi dấu trên những hiện vật, hình ảnh lịch sử.
Các em thiếu nhi tham quan, tìm hiểu lịch sử ở Bảo tàng Đồng Nai |
Hiện nay, những hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh cũng như tại các di tích, là điểm nhấn góp những tiếng nói vọng về từ lịch sử, nhắc nhớ mỗi người về giá trị của độc lập và tự do.
Tiếng nói của lịch sử
Bảo tàng tỉnh là một trong những địa chỉ hiện đang lưu giữ nhiều hình ảnh, vật dụng giản dị quen thuộc một thời gắn bó với quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ những hiện vật như dép cao su, mũ tai bèo, chiếc áo vải sờn vai… đến hình ảnh về những vũ khí như súng AR-15 - M16 (chiến lợi phẩm ta thu được trong trận đánh đồn Bình Lộc năm 1974, được sử dụng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử), thùng cứu thương cho các chiến sĩ cách mạng trong Chiến dịch Xuân Lộc (từ ngày 9-4 đến
21-4-1975)...
Giám đốc Bảo tàng tỉnh NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết: “Qua những hiện vật được trưng bày giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và trân quý hơn giá trị của một thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào mà thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để có được”. |
Trong số những hiện vật của bảo tàng hiện nay, có hàng trăm kỷ vật thời chiến do thượng tá Phạm Hạnh Phúc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hiến tặng. Thượng tá Phạm Hạnh Phúc đã có hơn 30 năm đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong và ngoài tỉnh, trong những chuyến đi ấy, ông đồng thời sưu tầm được rất nhiều kỷ vật nhưng không giữ lại cho riêng mình. Toàn bộ bộ sưu tập bao gồm băng ca, tăng võng, bình toong, chén bát, đèn pin và nhiều trang bị, thiết bị của quân giải phóng… đã được ông đã trao tặng với mong muốn Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của các hiện vật lịch sử.
Tại Nhà trưng bày của các di tích như: Khu ủy miền Đông Nam bộ (H.Vĩnh Cửu); di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (H.Trảng Bom); địa đạo Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch)… cũng lưu giữ và trưng bày hàng trăm hiện vật của các chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu và hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Thuyết minh viên tại địa đạo Nhơn Trạch Nguyễn Thị Thiết cho biết, nhà trưng bày chia làm 3 mảng chính kết nối với nhau. Trong đó có mô hình tái dựng công cuộc đào địa đạo và hệ thống hóa phần lớn các cột mốc cũng như những sự kiện quan trọng về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Nhơn Trạch; tái hiện lịch sử hình thành và những cuộc chống càn Mỹ - ngụy của Tiểu đoàn Anh hùng D240 và mô hình cùng tư liệu lịch sử về Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác.
Giáo dục truyền thống yêu nước
Từ đầu tháng 4 đến nay, các di tích, khu trưng bày hiện vật lịch sử trên địa bàn tỉnh đã đón hàng ngàn lượt khách tới tham quan. Không chỉ là các cựu chiến binh, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, mà còn có rất đông học sinh, sinh viên. Mỗi điểm đến, người dân và du khách được nghe thuyết minh, được nhìn tận mắt, sờ tận tay hiện vật quá khứ. Đây thực sự đã trở thành một nơi giáo dục truyền thống cách mạng “trực quan, sinh động” bởi hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú.
Các chiến sĩ trên địa bàn TP.Biên Hòa tham quan, tìm hiểu lịch sử, hình ảnh, hiện vật tại Phòng Trưng bày của Bảo tàng tỉnh |
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh cho biết, hiện nay các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện đang mở cửa miễn phí, phục vụ du khách đến tìm hiểu hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong chiến tranh. Trung tâm đang phối hợp với các trường học tiếp tục tổ chức nhiều chuyến tham quan, về nguồn cho đối tượng học sinh, đoàn viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục ngoại khóa. Đặc biệt, ở mỗi điểm đến các em sẽ làm bài thu hoạch, được chấm và trao giải thưởng.
“Tôi cho rằng, việc tạo cơ hội cho người trẻ đến di tích, tìm hiểu về lịch sử quê hương thông qua các hiện vật là cách tốt nhất đưa các em đến gần hơn với các giá trị văn hóa, lịch sử. Bởi thế hệ trẻ mới là người tiếp nối để gìn giữ các giá trị này” - bà Khánh nói.
Để phát huy giá trị của các hiện vật lịch sử, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn cho biết: “Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Ngoài việc mở cửa miễn phí phục vụ khách tham quan tại các phòng trưng bày, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các triển lãm lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền giới thiệu trên truyền hình. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đầu tư các công nghệ mới, quảng bá hình ảnh trên nền tảng mạng xã hội, kết hợp với phát triển du lịch văn hóa”.
Ly Na