Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng các giải pháp phát triển du lịch tại Đồng Nai

09:04, 16/04/2022

Để phát triển du lịch tại Đồng Nai, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng (Nghị quyết 04). Nghị quyết mở ra nhiều đường hướng cụ thể để thực hiện trong thời gian tới, nhằm khai thác các tiềm năng du lịch tại địa phương.

Để phát triển du lịch tại Đồng Nai, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng (Nghị quyết 04). Nghị quyết mở ra nhiều đường hướng cụ thể để thực hiện trong thời gian tới, nhằm khai thác các tiềm năng du lịch tại địa phương.

Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú), điểm đến thú vị cho du khách tại Đồng Nai/ Ảnh: Kim Liễu
Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú), điểm đến thú vị cho du khách tại Đồng Nai. Ảnh: Kim Liễu

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất tâm đắc với các giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương do BCH Đảng bộ tỉnh đề ra. BĐ tin tưởng, kỳ vọng tới đây ngành Du lịch trong tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, Đồng Nai sẽ trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ.

Tạo đột phá trong phát triển

Bên cạnh quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Nai xác định, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào du lịch để tạo bước đột phá; phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn và du lịch về nguồn - tâm linh để tạo thương hiệu; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Đồng Nai trở thành địa phương trọng điểm du lịch của vùng Đông Nam bộ.

Đánh giá cao quan điểm trên, theo BĐ Nguyễn Đình Quốc (xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom), quan điểm nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao của BCH Đảng bộ tỉnh trong phát triển du lịch của tỉnh nhà. “Tôi thấy rất phấn khởi khi biết tỉnh ban hành nghị quyết về du lịch và xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Mong là tới đây du lịch tỉnh nhà sẽ khởi sắc hơn trong thời gian không xa” - ông Quốc nói.

Theo BĐ Quốc, cảnh quan thiên nhiên ở Đồng Nai rất đa dạng với hệ thống sông ngòi, hồ đập, suối nước như: sông Đồng Nai dài hàng trăm km, hồ lớn có thể phát triển du lịch như: Trị An, Đa Tôn, suối nước nóng Thác Mai... Ngoài ra, tỉnh còn có diện tích rừng nguyên sinh rất rộng lớn ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên. Tiềm năng về du lịch rất đa dạng, phong phú nếu được khai thác bài bản, nhất định Đồng Nai sẽ trở thành điểm đến thú vị của vùng Đông Nam bộ, thu hút các du khách xa gần.

Tương tự, BĐ Nguyễn Thị Mỹ Liên (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bộc bạch, gần đây thấy báo chí nhắc nhiều đến việc phát triển du lịch Đồng Nai nên đã bà quan tâm tìm hiểu. Bà rất tâm đắc với nội dung Nghị quyết 04 đặc biệt là việc xác định du lịch là lĩnh vực đột phá, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Đồng Nai, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Nhiều giải pháp phát triển

“Nghị quyết 04 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng sẽ là yếu tố quan trọng tạo cơ hội cho du lịch Đồng Nai có thể phát triển một cách bài bản, có sự đầu tư, nâng cấp cả về hạ tầng lẫn nguồn nhân sự, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, có giá trị bền vững” - bà Liên nói.

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và các nguồn lực, tạo sự đột phá trong phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh thời gian tới, Nghị quyết 04 đã đề ra một số mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể. Theo đó, chỉ rõ cần huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bến tàu, gắn với khu, điểm du lịch và sản phẩm du lịch để tạo sự đột phá trong phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn đến với Đồng Nai để đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng…

Nhiều nhóm giải pháp được BCH Đảng bộ tỉnh đề ra trong nghị quyết 04 nhận được sự đồng thuận từ dư luận như: chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn du khách; đổi mới và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ…

“Tôi thấy các giải pháp trên rất sát sườn với thực tế, khi được hiện thực hóa sẽ giúp các địa phương khai thác hết các tiềm năng về du lịch hiện có. Người dân kỳ vọng và tin tưởng tới đây ngành Du lịch trong tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả phát triển các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn” - BĐ Nguyễn Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Kim Liễu


Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG:

Khai thác hiệu quả các tiềm năng về du lịch

Trong thời gian qua dụ lịch tại Đồng Nai có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi thực hiện Kế hoạch 118-KH/TU ngày 7-7-2017 của Ban TVTU về triển khai Nghị quyết 08/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Với quyết tâm cao và mục tiêu, giải pháp định hướng phát triển cụ thể, Nghị quyết 04-NQ/TU sẽ là kim chỉ nam giúp khai thác hiệu quả các tiềm năng về du lịch tại địa phương. Nhiệm vụ đột phá mà nghị quyết đề ra là huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, bến tàu gắn với khu điểm du lịch và sản phẩm du lịch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lượt đầu tư hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, sản phẩm đa dạng, nghiên cứu hình thành một số loại hình du lịch, điểm du lịch nhằm đón đầu, khai thác hiệu quả tác động từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Để làm được điều này cần sự thống nhất cao về nhận thức trong cán bộ Đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương phát triển ngành du lịch. Đồng thời cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình đặt thù địa phương, của ngành, của đơn vị để chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Bà LÊ KIM PHƯỢNG (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom, đang làm hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM):

Kỳ vọng mới cho sự phát triển ngành Du lịch Đồng Nai

Làm việc nhiều năm trong ngành dịch vụ du lịch, tôi nhận thấy hiện nay sản phẩm dụ lịch tại địa phương đa dạng nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo được sự thu hút đối với du khách.

Sẽ là một sự đổi mới tích cực, đột phá cho sự phát triển ngành Du lịch Đồng Nai nếu Nghị quyết 04 về du lịch của tỉnh được triển khai. Đặc biệt, khi tỉnh ưu tiên triển khai những giải pháp về phát triển hạ tầng, kết nối các sản phẩm, dịch vụ liên vùng. Cùng với đó là xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở lợi thế của tỉnh gồm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Việc kết hợp phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch mua sắm, gắn kết các sản phẩm OCOP với các điểm du lịch theo định hướng của tỉnh cũng là một ý tưởng hay vừa tạo sự đa dạng vừa là kênh tiêu thụ quảng bá thương hiệu nông sản địa phương.

Gia An (ghi)


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích