Với diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, cùng sự đa dạng sinh học từ những cánh rừng, Đồng Nai đang trở thành điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá.
Với diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ, cùng sự đa dạng sinh học từ những cánh rừng, Đồng Nai đang trở thành điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá.
Khách du lịch chụp ảnh với hoa thành ngạnh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: N.Liên |
Hoa rừng nở vào các thời điểm khác nhau trong năm với những loài hoa khác nhau như khoảng thời gian từ tháng 4-6 hằng năm, những cánh hoa thành ngạnh, muồng đào, bằng lăng... đua nhau khoe sắc trên những cánh rừng Mã Đà thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên; vào mùa xuân thì ngắm hoa mai rực rỡ tại rừng Thác Mai thuộc rừng phòng hộ Tân Phú…
* Ngắm hoa trong rừng nhiệt đới
VQG Cát Tiên là một trong những nơi có thể trải nghiệm sự phong phú, đa dạng sinh học với đủ 5 sinh cảnh rừng đặc trưng của rừng rậm nhiệt đới Đông Nam bộ, như: sinh cảnh rừng nửa rụng lá, cây không phát triển vào những tháng mùa khô nên sẽ rụng lá để giảm sinh trưởng (bằng lăng, tùng, gõ đỏ, râm...); sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh là sinh cảnh rừng có đặc điểm cây không rụng lá đồng loạt mà rụng từng phần vào mùa khô nên khó phát hiện thời điểm lá rụng, đặc điểm này thuộc các loại cây họ dầu; cùng các loại sinh cảnh thảm thực vật đầm lầy ở vùng đất ngập nước; sinh cảnh rừng hỗn giao gỗ - tre - nứa; sinh cảnh rừng tre nứa thuần loại.
Thời điểm này, VQG Cát Tiên đang hút khách bởi những thảm hoa muồng đào hồng thắm đua nhau khoe sắc. Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Q.Tân Phú, TP.HCM), một trong những du khách từng trải nghiệm hoa muồng đào nở rộ tại VQG Cát Tiên chia sẻ, năm 2021, chị vô tình thấy được những bức ảnh hoa muồng đào rất đẹp trên mạng xã hội. Bị lôi cuốn ngay bởi những chùm hoa phủ kín cả một vùng, dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, chị Huyền đã cùng gia đình trải qua kỳ nghỉ tại VQG Cát Tiên.
Du khách chụp hình với hoa tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Bùi Quốc Vỵ |
Chị Huyền cho biết: “Gia đình tôi đăng ký nghỉ dưỡng tại VQG để được trải nghiệm ngắm hoa, nghe tiếng chim hót và tham quan rừng cây vào buổi sáng sớm, một không gian hoàn toàn mới lạ và thanh bình so với không khí ồn ào, náo nhiệt của TP.HCM. Chúng tôi cũng đã có hẳn một bộ ảnh gia đình về những sinh cảnh rừng nơi đây. Gia đình tôi dự kiến sẽ trải nghiệm đủ các sắc thái thời tiết nơi đây trong thời gian tới với những khoảng thời điểm khác nhau để được chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp khác từ thiên nhiên”.
Hoa muồng đào có tên khoa học là Cassia Javanica, thuộc họ đậu (Fabaceae), có nguồn gốc từ rừng tự nhiên khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, muồng đào khá phổ biến ở các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ... Tại Đồng Nai, loài hoa này mọc nhiều ở VQG Cát Tiên, nên người dân ở đây vẫn quen gọi là hoa đào Cát Tiên. Hoa đào ở rừng Cát Tiên mọc thành từng dải trải dài hàng cây số như dải lụa đào làm bừng sáng các tuyến đường rừng. Sắc hoa đào rực rỡ, hương hoa nồng nàn, tạo cho VQG Cát Tiên một không gian lãng mạn rất riêng, khiến ai từng đến đây vào mùa hoa nở cũng không khỏi vấn vương.
Cùng với hoa muồng đào, du khách đến VQG Cát Tiên dịp này có thể chiêm ngưỡng sắc tím của hoa bằng lăng. Bằng rừng Cát Tiên khá phong phú về chủng loại như: bằng lăng tím (bằng lăng nước), bằng lăng ổi, bằng lăng xoan… Cả 3 loài này thường nở rộ vào tháng 5-6 hằng năm. Hiện tại, nếu đi Cát Tiên vào thời điểm từ nay đến hết tháng 5-2022, du khách có thể thả mình với những sắc tím bằng lăng để có được những bức ảnh đẹp nhất.
* Sắc hoa ở rừng chiến khu
Du khách chụp hình với hoa tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Bùi Quốc Vỵ |
Rừng chiến khu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đến rừng chiến khu vào mùa này, khách du lịch cũng có thể chiêm ngưỡng những sắc hoa thành ngạnh, một nét riêng tại vùng căn cứ cách mạng. Hoa thành ngạnh nở rộ vào khoảng tháng 5 hằng năm và được người dân nơi đây ví như hoa anh đào của núi rừng. Không cần phải lặn lội trong rừng sâu, chỉ cần đi trên tuyến đường xuyên rừng ĐT 761 và đường vào di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông cũng đã có thể chiêm ngưỡng hoa thành ngạnh khoe sắc. Hoa thành ngạnh thường nở sau những cơn mưa đầu mùa và khoe sắc trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, để ngắm được loài hoa có vẻ đẹp tinh khôi, đặc trưng của núi rừng, du khách phải đi đúng thời điểm hoa nở rộ nhất.
Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) cho biết, không chỉ là loài hoa đặc trưng, mà thành ngạnh còn là cây dược liệu quý được nhiều nơi nghiên cứu chế biến thành thuốc hay đồ uống hằng ngày. Thành ngạnh có thể sử dụng được cả hoa, quả, lá, cành, rễ, vỏ cây để làm thuốc và đồ uống, trong đó hoa và quả thường chứa nhiều dược liệu nhất nhưng số lượng rất ít, thay vào đó, các cơ sở sản xuất dược liệu thường dùng lá thành ngạnh để chế biến. Theo ông Trung, thành ngạnh thường mọc ở những khu rừng cây còn thưa thớt. Sau vài năm, tán cây tỏa ra che bóng và tạo độ ẩm cho những cây rừng khác sinh trưởng. Dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về loài hoa này, ông Trung cho biết, ở rừng tự nhiên các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, cây thành ngạnh mọc rất nhiều và loài cây này còn có ưu điểm rất lớn trong việc tạo lớp thảm giữ ẩm cho các cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên sinh trưởng và phát triển. Vì thế, nhiều người cho rằng, thành ngạnh là món quà tự nhiên ban tặng để làm giàu thêm đa dạng sinh học của rừng Đồng Nai, khu vực Đông Nam bộ. Đồng thời, đây là cây thuốc quý có số lượng lớn cần được bảo vệ và phát triển.
Hoa bằng lăng tại Vườn quốc gia Cát Tiên |
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, vào dịp này, du khách thường về Vĩnh Cửu đông hơn để vừa tham quan khu căn cứ cách mạng Chiến khu Đ, vừa chiêm ngưỡng các loài hoa rừng, bởi cùng với hoa thành ngạnh Vĩnh Cửu còn có những cung đường hoa dài và đẹp do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chăm sóc từ nhiều năm nay. Đến nay, khu bảo tồn đã ghi nhận trên 900 loài cây thuốc với 11 nhóm công dụng khác nhau, trong đó có 23 loài nằm trong Danh mục đỏ IUCN-2010 và Sách đỏ Việt Nam 2007. Đặc biệt, trong đó có 6 loài đặc hữu và 18 loài theo danh mục cây dược liệu cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2014-2020. |
Thủy Mộc