Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe sách nói thời chuyển đổi số

07:04, 30/04/2022

Sách nói (audio book) là một trong các mô hình chuyển đổi số hàng đầu trong ngành Xuất bản được giới thiệu rộng rãi với công chúng tại chuỗi hoạt động Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 do Bộ TT-TT phát động.

Sách nói (audio book) là một trong các mô hình chuyển đổi số hàng đầu trong ngành Xuất bản được giới thiệu rộng rãi với công chúng tại chuỗi hoạt động Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 do Bộ TT-TT phát động.

Nhiều tác phẩm được “audio hóa” thành sách nói trên mạng
Nhiều tác phẩm được “audio hóa” thành sách nói trên mạng

Sự xuất hiện và phát triển của sách điện tử (ebook) hay sách nói mở ra cách tiếp cận kiến thức đa dạng trên nền tảng không gian mạng cho độc giả gần xa. Từ đây, có một lớp người đọc “nghe sách” được hình thành tại Việt Nam, hòa vào trào lưu đang diễn ra trên thế giới. Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc bàn tròn trao đổi về sự phát triển của sách nói và cộng đồng nghe sách nói trong nền văn hóa đọc đương đại với ThS Thái Thu Hoài - Phó trưởng khoa Xuất bản, phát hành sách Trường đại học Văn hóa TP.HCM, đại diện hai đơn vị ứng dụng sách nói có bản quyền tại Việt Nam là ông Lê Hoàng Thạch, CEO của VoizFM và bà Xuân Nguyễn - nhà đồng sáng lập Fonos (cùng Oscar Jesionek).

ThS THÁI THU HOÀI:

Giới trẻ dễ tiếp cận sách nói

 Là người làm công tác giảng dạy chuyên ngành Xuất bản, bà có thể cho biết sinh viên hiện nay tiếp cận với sách nói ra sao bên cạnh sách giấy truyền thống?

- Sách có vai trò không thể thiếu đối với học sinh, sinh viên. Ở độ tuổi này, các em đọc sách để phục vụ cho học tập và nghiên cứu, để hoàn thiện bản thân, để thư giãn và giải trí sau thời gian học tập và làm việc căng thẳng. Cùng với sách truyền thống thì sách nói đã làm phong phú hơn việc tiếp cận tri thức đối với giới trẻ bởi sách nói là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc đương đại.

Với nhịp sống ngày càng hối hả và tốc độ sống của sinh viên ngày càng nhanh hơn, ngày càng bận rộn hơn với việc học tập tại trường, học thêm ngoại ngữ, tin học, thời gian đi làm thêm bên ngoài thì sinh viên không thể chỉ tìm kiếm tri thức từ loại hình sách truyền thống, mà họ còn phải tận dụng mọi cơ hội để lĩnh hội thông tin, kiến thức phục vụ cuộc sống. Sách nói tận dụng được mọi thời gian và không gian của con người hiện đại. Nếu như sinh viên nói rằng họ “không có thời gian đọc sách”, thì ứng dụng sách nói đã làm công việc đó thay họ. Đó là đọc cho họ nghe.

Bên cạnh đó, sinh viên là đối tượng nắm bắt nhanh các yếu tố thuộc nền tảng khoa học công nghệ mới, là lứa tuổi thích khám phá và sở hữu cái mới để thể hiện bản ngã của mình. Chỉ cần một điện thoại thông minh, các bạn trẻ đã có thể tiếp cận một “thư viện sách nói” trên các ứng dụng.

Bà XUÂN NGUYỄN:

Luôn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ

 Hậu trường “bếp núc” của những sản phẩm sách nói chất lượng cao được thực hiện ra sao để phục vụ người nghe?

- Ở Fonos, chúng tôi tập trung xây dựng quy trình cụ thể, rõ ràng khi làm việc với các tác giả, NXB. Tập trung vào xây dựng ứng dụng sử dụng các công nghệ lập trình thân thiện, phù hợp với hành vi sử dụng ứng dụng của người yêu sách. Các phòng thu có đầy đủ trang thiết bị chất lượng cao: thiết bị thu và xử lý hậu kỳ, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và sản xuất ra các bản thu chất lượng. Quy trình sản xuất thành phẩm sách nói trải qua đầy đủ các giai đoạn: phân tích tác phẩm và lựa chọn giọng đọc, thu và chỉnh sửa, kiểm soát chất lượng sau thu... Việc tìm kiếm, lựa chọn các đầu sách không chỉ thông qua ứng dụng, website mà còn dễ dàng tìm thấy trên các trang thương mại điện tử. Chúng tôi cam kết tất cả các đầu sách có mặt trên ứng dụng đều đầy đủ bản quyền và luôn khuyến khích việc quan tâm, ủng hộ quyền sở hữu trí tuệ.

 Theo kinh nghiệm của bà, làm thế nào để sách nói trở thành người bạn thiết thân với giới trẻ?

- Ứng dụng sách nói mang đến thêm lựa chọn cho việc tiếp thu kiến thức thông qua việc đọc và nghe. Khi smartphone trở thành thiết bị không thể thiếu với người trẻ, thì việc cài đặt ứng dụng và sử dụng ứng dụng đơn giản không còn là trở ngại. Nhờ vậy, thế hệ trẻ hoàn toàn có thể chủ động nghe sách nói khi họ có thời gian rảnh hoặc đồng thời khi họ đang làm việc khác như: dọn dẹp nhà cửa, di chuyển, tập luyện... Chúng tôi còn liên tục cập nhật kho sách nói với nội dung phong phú dành cho người trẻ: các đầu sách phù hợp với suy nghĩ, tâm lý, định hướng, cập nhật kịp thời với sự phát triển của bối cảnh hiện đại ngày nay.

Ông LÊ HOÀNG THẠCH:

Sách nói bổ trợ sách giấy

 Có lo ngại rằng sự phát triển của sách nói làm sách giấy truyền thống mất đi vị thế. Quan điểm của ông ra sao?

- Theo tôi thì sách nói và sách giấy là hai thị trường không triệt tiêu nhau, thậm chí là bổ trợ cho nhau, cũng giống như sách giấy và phim chuyển thể từ sách giấy vậy. Vì sách nói phục vụ người dùng những thời điểm mà người ta không thể đọc sách, Ví dụ như khi đang di chuyển, khi nấu ăn, hoặc khi chìm vào giấc ngủ. Từ đó có thể thấy vai trò quan trọng của sách nói, nhất là đối với các bạn trẻ có ít thời gian đọc sách. Ngoài ra, khi nghe sách nói, người dùng còn có thể tận hưởng quyển sách một cách sinh động hơn thông qua kỹ năng diễn đạt của các giọng đọc (voice talent), hay âm nhạc/hiệu ứng tăng cảm xúc, từ đó được kích thích ý muốn sở hữu quyển sách giấy để tự nghiền ngẫm.

 Những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của sách nói tại Việt Nam?

- Sách nói có thể phát triển ở Việt Nam nhờ vào đặc thù dân số trẻ, tốc độ phát triển nhanh, nhịp sống rất hối hả, mọi người đều muốn tranh thủ làm nhiều việc, biết nhiều thông tin nhất có thể. Sách nói có thể phục vụ cho nhu cầu trên. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có độ đồng nhất ngôn ngữ rất cao, tạo điều kiện để các định dạng audio (vốn gắn liền với ngôn ngữ) có thể phát triển. Nếu so sánh tương quan với sách điện tử, thì mặc dù sách điện tử có ưu thế là nhỏ gọn cơ động hơn sách giấy, nhưng để sử dụng thì người ta vẫn cần đôi mắt, nên dịp sử dụng của nó có độ tương đồng rất lớn với sách giấy. Sách nói cũng có ưu điểm nhỏ gọn nhưng lại thêm ưu thế là sử dụng đôi tai, giảm tải cho đôi mắt “bận rộn”.

“Các ứng dụng sách nói trong nước cần tạo điều kiện cho giới trẻ, sinh viên học sinh sử dụng sách nói bằng các gói hỗ trợ nghe thử miễn phí, giới thiệu những nội dung phù hợp độ tuổi, đồng hành với các hoạt động của trường học… để các bạn tiếp cận loại hình đọc sách phi truyền thống này, từ đó tạo nên thói quen sử dụng sách nói rộng rãi trong cộng đồng” - ThS THÁI THU HOÀI (Trường đại học Văn hóa TP.HCM).

Cẩm Điệp (thực hiện)

Tin xem nhiều