Báo Đồng Nai điện tử
En

Phá án trên không gian mạng

09:04, 16/04/2022

Trong thời đại công nghệ phát triển, không chỉ có các loại tội phạm hoạt động thông thường, mà nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, các nền tảng số để hoạt động phạm tội. Chính vì vậy, công tác trinh sát điều tra các loại tội phạm trên môi trường này cũng gian nan, vất vả không kém.

Trong thời đại công nghệ phát triển, không chỉ có các loại tội phạm hoạt động thông thường, mà nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, các nền tảng số để hoạt động phạm tội. Chính vì vậy, công tác trinh sát điều tra các loại tội phạm trên môi trường này cũng gian nan, vất vả không kém.

Đại úy Lê Tùng Lâm thường tìm kiếm thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ án trên không gian mạng. Ảnh: Trần Danh
Đại úy Lê Tùng Lâm thường tìm kiếm thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ án trên không gian mạng. Ảnh: Trần Danh

Không ít cán bộ trinh sát thầm lặng đóng góp kiến thức, kết quả nghiên cứu công nghệ cho các hoạt động điều tra để sớm đưa các đối tượng tội phạm ra ánh sáng.

* Dựng lại hình ảnh nghi can để lần tìm manh mối

Đại úy Lê Tùng Lâm, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa, người có nhiều năm tham gia vào công tác điều tra, xác minh tội phạm bằng công nghệ cao cho biết, có nhiều vụ án, đối tượng được điều tra, khám phá thông qua các nguồn thông tin, dữ liệu thu thập trên mạng.

Khi đã xác định rõ đặc điểm đối tượng, địa chỉ, thời gian và vị trí nơi đối tượng đang có mặt thì công việc còn lại là bố trí lực lượng để thực hiện lệnh bắt. Tuy nhiên, để có được chân dung về đối tượng thông qua những thông tin, hồ sơ, hình ảnh từ công tác thu thập trên các nền tảng số đòi hỏi cán bộ trinh sát phải thực sự vững tay nghề, có nghiệp vụ về công nghệ.

Theo đại úy LÊ TÙNG LÂM, tham gia vào nghiên cứu, điều tra tội phạm trên không gian mạng là công việc đặc thù thường xuyên phải làm về đêm. Thời gian làm việc hầu như ngược lại hoàn toàn so với công việc bình thường của các cán bộ trong đơn vị.

Câu chuyện bắt giữ đối tượng cướp ngân hàng xảy ra tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) vào cuối năm 2020 là một trong những vụ án được điều tra, khám phá bằng công tác thu thập dữ liệu thông qua công nghệ.

Đại úy Lâm nhớ lại, sau khi vụ án xảy ra, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa đã huy động nhiều trinh sát vào cuộc để thu thập dữ liệu về đối tượng. Cùng với các chiến sĩ trực tiếp tại hiện trường, đại úy Lâm được giao nhiệm vụ thu thập, phân tích các dữ liệu thông qua việc sử dụng công nghệ như: hình ảnh từ camera an ninh, thông tin từ số điện thoại... liên quan.

Đại úy Lâm kể: “2 ngày đầu, từ những hình ảnh thu thập được qua các camera an ninh dọc các tuyến đường đối tượng chạy trốn, chúng tôi đã xác định được hướng đi của đối tượng. Tuy nhiên đến ngày thứ 3 thì bắt đầu mất dấu do dữ liệu hình ảnh ở những khu vực đối tượng đi qua không thu thập được”.

Tuy nhiên, cũng theo đại úy Lê Tùng Lâm, thời điểm mất dấu đối tượng ở khu vực Q.Gò Vấp (TP.HCM) thì trinh sát cũng đã thu thập được khoảnh khắc đối tượng có đến và nói chuyện với một thanh niên bán hàng ở khu vực này.

Ban đầu, người thanh niên này vẫn không hình dung ra đối tượng mà trinh sát đang tìm kiếm là ai? đã gặp vào thời điểm nào? Tuy nhiên, bằng những hình ảnh thu thập được, các trinh sát đã dựng lên đầy đủ chân dung đối tượng để người này nhận dạng. Lúc đó, thanh niên này mới nhận ra và cho biết, đó chính là người quen có tên là Bình, đồng thời cung cấp số điện thoại của Bình cho lực lượng công an.

Đến lúc này, công tác điều tra lại tiếp tục bằng việc phân tích các dữ liệu thông qua áp dụng công nghệ. Và sau 2 ngày, đại úy Lê Tùng Lâm đã thu thập đầy đủ về lai lịch, đặc điểm cũng như các mối quan hệ của nghi can Bình.

Đại úy Lâm cho biết, bằng việc phân tích các dữ liệu có được, anh đã xác định được đối tượng là Mai Xuân Bình, có bạn gái tên Q. Thời điểm đó, Bình thường xuyên sống tại nhà bạn gái. Mẹ của bạn gái Bình là một phụ nữ tật nguyền ở tay và chuyên đi bán vé số dạo quanh khu vực Q.Gò Vấp.

Với những dữ liệu có được, các trinh sát nhanh chóng xác định đúng địa điểm đối tượng đang tá túc và tiến hành bắt giữ.

Đối tượng sau đó được công an xác định đúng tên là Mai Xuân Bình (23 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng). Do không có việc làm, nên Bình đã làm giả lựu đạn từ vỏ bình gas rồi đến Phòng Giao dịch Hóa An, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bắc Đồng Nai (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) để cướp nhưng chưa kịp lấy tài sản.

Đại úy Lâm cho biết, trong vụ án nói trên, hầu hết việc lần tìm đối tượng đều thông qua việc áp dụng công nghệ. Từ công tác thu thập hình ảnh tại hiện trường đến công tác phân tích hình ảnh, dữ liệu và những thông tin liên quan đều được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn trọng.

* Truy tìm chứng cứ số

Không chỉ có công việc truy tìm đối tượng gây án, công tác điều tra, trinh sát trên không gian mạng đòi hỏi cán bộ phải thuần thục kỹ năng, thành thạo công nghệ để thu thập chứng cứ số.

Những hình ảnh từ camera an ninh trong vụ cướp ngân hàng tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) được công an thu giữ để phân tích, truy tìm đối tượng
Những hình ảnh từ camera an ninh trong vụ cướp ngân hàng tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) được công an thu giữ để phân tích, truy tìm đối tượng

Theo cơ quan công an, việc thu thập chứng cứ trên không gian số nếu không được thực hiện một cách kịp thời, bài bản, đúng với quy định thì khi bắt giữ đối tượng sẽ gặp khó trong việc củng cố hồ sơ phục vụ công tác điều tra.

Trực tiếp trinh sát nhiều vụ vi phạm trên không gian mạng, đại úy Lê Tùng Lâm cho biết, có rất nhiều vụ án, tất cả chứng cứ phạm tội đều nằm trên không gian mạng. Đó là những chứng cứ đã được số hóa thông qua các dữ liệu hình ảnh, thông tin giao dịch... Nếu quá trình điều tra, lực lượng công an không kịp thời thu giữ, lưu trữ đúng quy định thì sẽ rất khó để củng cố hồ sơ sau khi bắt giữ đối tượng. Ngược lại nếu hoạt động này được thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình sẽ phục vụ tốt cho các hoạt động tố tụng sau đó.

Vụ phá đường dây hoạt động mại dâm quy mô lớn vào tháng 1-2022 là một trong những vụ mà toàn bộ tài liệu chứng cứ đều được thu thập trên không gian mạng. Toàn bộ các hoạt động, lập hội nhóm, trao đổi, giao dịch thông tin và chuyển tiền đều được các đối tượng thực hiện trên không gian mạng.

Khi nhận được sự chỉ đạo của cấp trên thực hiện phá đường dây hoạt động mại dâm này, đại úy Lê Tùng Lâm đã bắt tay vào quá trình điều tra, thâm nhập vào hệ thống hoạt động của các đối tượng liên quan để thu thập chứng cứ.

Đại úy Lâm cho biết, sau khoảng 2 năm lập kế hoạch và khoảng 6 tháng liên tục điều tra, thu thập chứng cứ, toàn bộ thông tin, dữ liệu về các đối tượng liên quan mới được củng cố đầy đủ. Toàn bộ hồ sơ, dữ liệu này sau đó đã được chuyển cho các cán bộ điều tra để phục vụ trong quá trình thực hiện các bước điều tra tố tụng theo quy định.

Tuy nhiên, cũng theo đại úy Lâm, gần như toàn bộ quá trình điều tra, trinh sát để thu thập tài liệu của đường dây tội phạm này đều phải thực hiện vào ban đêm. Thời điểm đó mới là lúc mà các đối tượng thực hiện các giao dịch, trao đổi thông tin qua lại với nhau.

Kết quả của chuyên án này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phối hợp với Công an TP.Biên Hòa và công an một số địa phương khác bắt giữ 8 đối tượng để điều tra về hành vi môi giới mại dâm. Trong đó, cơ quan công an xác định, Nguyễn Xuân Hoàng (ngụ tỉnh Đồng Nai) là đối tượng cầm đầu nhận quản lý, theo dõi khoảng gần 200 gái hoạt động mại dâm tại các địa phương. Mỗi tháng đối tượng này thu lợi bất chính từ hoạt động quản lý các gái bán dâm khoảng 1 tỷ đồng...

Thiếu tá LÊ HOÀNG LONG, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, công tác điều tra, trinh sát, thu thập chứng cứ trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa, Ban chỉ huy đội cũng đã quan tâm chỉ đạo các cán bộ tham gia sâu vào lĩnh vực này để góp phần phục vụ công tác điều tra. Trong đó, có những cán bộ đã chịu khó tìm tòi, mở rộng kiến thức, nâng cao tay nghề trong lĩnh vực công nghệ để góp phần vào công tác điều tra, phá các vụ án.

Trần Danh

Tin xem nhiều