Cuối tháng 4, các trường học từ tiểu học đến phổ thông, cao đẳng, đại học đều rộn ràng tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, các trường dành không gian rộng rãi, vị trí đẹp và trang trí, trưng bày rất nhiều sách để tiếp cận học trò. Nhiều hội thi cũng được tổ chức để khuyến khích học sinh tham gia đọc sách như: cuộc thi vẽ tranh theo sách, cuộc thi giới thiệu sách hay nên đọc…
Cuối tháng 4, các trường học từ tiểu học đến phổ thông, cao đẳng, đại học đều rộn ràng tổ chức các hoạt động nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, các trường dành không gian rộng rãi, vị trí đẹp và trang trí, trưng bày rất nhiều sách để tiếp cận học trò. Nhiều hội thi cũng được tổ chức để khuyến khích học sinh tham gia đọc sách như: cuộc thi vẽ tranh theo sách, cuộc thi giới thiệu sách hay nên đọc…
Học sinh Trường THCS Thạnh Phú đọc sách tại thư viện. Ảnh: Hải Yến |
Không thể phủ nhận những hoạt động mang tính bề nổi này đã có tác động nhất định đến học sinh, giúp các em có thêm cơ hội được tiếp cận với nhiều sách hay, bổ ích bên ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, sau ngày hội sách, khi các kệ trưng bày sách được cất đi, sách quay trở về “nằm” trên giá sách của thư viện, liệu có mấy học trò sẽ tìm đến để đọc?
Thực tế, hầu hết các trường học hiện nay đều có thư viện di động. Tức là những kệ sách nhỏ được đặt ngay trong phòng học để học sinh có thể thuận tiện trong tiếp cận và đọc sách. Tuy nhiên, số lượng sách có ở thư viện lớp học khá nghèo nàn chưa kể đến việc sách không được giữ gìn dẫn đến bong gáy, mất trang, rách… Vì vậy, dù hiện diện ngay trong lớp học, những cuốn sách này không đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn học sinh.
Không phải ngẫu nhiên mà các cửa hàng bán sách hoặc ngay trong ngày hội sách, người ta phải trưng bày những cuốn sách hay nhất, đẹp nhất, xếp sách theo nhiều kiểu sáng tạo sao cho bắt mắt nhất. Bởi sự bắt mắt này sẽ kích thích người đọc, khiến họ hứng thú tìm hiểu và đọc sách hơn.
Việc tạo một không gian đọc sách mở, thân thiện với học sinh là điều rất cần thiết để thu hút, khuyến khích học sinh đọc mỗi ngày. Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh đã xây dựng mô hình thư viện thân thiện. Tuy nhiên, số lượng thư viện này vẫn còn ít. Đa số các trường học vẫn còn duy trì mô hình thư viện truyền thống với những không gian, vị trí ngồi đọc chưa thoải mái đối với học sinh. Mặt khác, thời gian giờ ra chơi ngắn, không đủ để học sinh di chuyển lên thư viện tìm sách, mượn sách, trả sách…
Để học sinh thuận tiện trong việc tiếp cận, đọc sách, các trường nên xây dựng thêm các mô hình thư viện mini, thư viện mở thân thiện với học sinh hơn. Đó có thể là những kệ sách ở hành lang lớp học, góc đọc sách nhỏ ở gầm cầu thang… Thư viện này phải được bày trí bắt mắt, không gian xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh…
Tất nhiên, “bày” thêm việc thì cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ thêm phần vất vả. Tuy nhiên, nhà trường có thể giao mỗi khối lớp phụ trách một thư viện mini, các học sinh sẽ giám sát, nhắc nhở lẫn nhau trong việc sử dụng thư viện. Các đầu sách của thư viện có thể được xã hội hóa, phụ huynh đóng góp thêm sách để con em mình cùng đọc… Có như vậy, việc đọc sách mới có hy vọng trở thành thói quen thường xuyên chứ không mang tính phong trào như hiện nay.
Tường Vi