Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Định, tốt nghiệp ngành Tâm lý học Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhưng cô Cao Thị Huyền (giảng viên Trường đại học Đồng Nai) lại chọn mảnh đất Đồng Nai để cống hiến.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Định, tốt nghiệp ngành Tâm lý học Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhưng cô Cao Thị Huyền (giảng viên Trường đại học Đồng Nai) lại chọn mảnh đất Đồng Nai để cống hiến.
Cô Cao Thị Huyền (giữa) cùng một số thành viên CLB thảo luận kế hoạch hoạt động của CLB trong thời gian tới. Ảnh: N.Sơn |
Cô Huyền bộc bạch, có giai đoạn cô đã nghĩ đến việc trở về Hà Nội công tác cho gần nhà, gần người thân nhưng vì Đồng Nai là nơi đã chắp cánh để cô có được thành công nên cô đã quyết định ở lại vì “món nợ” ân tình với mảnh đất này.
* Trở lại vì “món nợ” ân tình
Theo chia sẻ của cô Huyền, ban đầu vì tò mò, vì muốn được đi xa, được khám phá vùng đất mới mà cô đã đăng ký học ngành Tâm lý học tại Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Cô dự định chỉ học một năm và trong khoảng thời gian này sẽ tiếp tục ôn thi lại đại học. Thế nhưng, khi học hết năm nhất, thấy ngành Tâm lý học khá thú vị nên cô Huyền đã từ bỏ ý định thi lại đại học và tiếp tục theo học ngành mình đã chọn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lại tiếp tục cuộc hành trình đến với mảnh đất Đồng Nai. Về làm giảng viên tại bộ môn Quản lý giáo dục (nay là Khoa Khoa học cơ bản) Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai) được một năm, cô tiếp tục học lên cao học và tiếp tục nghiên cứu sinh (được hỗ trợ kinh phí đi học theo chương trình đào tạo sau đại học của tỉnh) tại Hà Nội. 8 năm đi học ở Hà Nội, cô Huyền thỉnh thoảng vẫn tham gia giảng dạy. Năm nào cần phải tập trung cho việc học, cô được nhà trường tạo điều kiện nghỉ dạy. Trong thời gian đi học, cô vẫn được nhà trường hỗ trợ lương cơ bản để trang trải việc học. Đồng thời, trong khoảng thời gian đi học, cô dành thời gian để đi làm thêm ở các trung tâm ứng dụng tâm lý giáo dục để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Trở lại Đồng Nai, cô luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ giảng dạy giúp cho sinh viên hiểu được tầm quan trọng của bộ môn Tâm lý học, cách nắm bắt đặc điểm tâm lý theo từng độ tuổi. Chị Trịnh Thị Liên (là sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Sư phạm tiểu học - mầm non Trường đại học Đồng Nai), hiện là giáo viên hợp đồng Trường tiểu học Tam Phước 2, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ học bộ môn Tâm lý học, chị hiểu tâm sinh lý của học sinh để có thể gần gũi với học sinh, có phương pháp giảng dạy phù hợp và hiệu quả đối với từng lứa tuổi của học sinh.
* Tổ chức các hoạt động hướng về trẻ em
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trường, cô Huyền còn mở một trung tâm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển; tham vấn, trị liệu cho các trường hợp có vấn đề về tâm lý vào buổi tối, ngày thứ bảy, chủ nhật, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Cô Huyền cho biết, trong thời gian đi học, đi làm thêm cô có cơ hội tiếp xúc, hỗ trợ, can thiệp nhiều trường hợp trẻ em bị rối loạn phát triển. Trẻ rối loạn phát triển là những trẻ gặp vấn đề như: khuyết tật trí tuệ (chậm phát triển), rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển về nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, vận động… Việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ rối loạn phát triển khá vất vả. Từ đó, cô đã mở một trung tâm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ rối loạn phát triển nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả của các bậc phụ huynh. Trẻ đến với trung tâm sẽ được kiểm tra xem có vấn đề gì, mức độ như thế nào để có biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp.
Cô Cao Thị Huyền chụp hình lưu niệm với trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội. Ảnh nhân vật cung cấp |
Tháng 7-2019, cô Huyền đã thành lập CLB Cỏ 4 Lá Biên Hòa. Ngoài mục đích tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm, đóng góp cho xã hội, CLB còn tuyên truyền về kiến thức, trang bị kỹ năng nhận diện kẻ xấu, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em… Đồng thời, hoạt động của CLB cũng hướng đến việc trang bị cho cha mẹ của trẻ nhận diện được các nguy cơ xâm hại để có biện pháp bảo vệ con của mình.
Từ khi thành lập đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động của CLB nhưng với sự nỗ lực của các thành viên, CLB cũng đã tổ chức được một số hoạt động, như: tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Hội Sinh viên tỉnh tổ chức chương trình Bảo vệ mầm xanh tại 10 trường trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh tập huấn trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, thoát hiểm và một số kỹ năng khác nhằm hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em… chương trình còn nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Với các hoạt động thiết thực, CLB đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Điều đặc biệt là không chỉ có sinh viên Trường đại học Đồng Nai mà sinh viên của một số trường trên địa bàn tỉnh cũng tham gia. Là một trong những thành viên của CLB, anh Nguyễn Ngọc Chiến, sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ - thông tin (Trường đại học Lạc Hồng) cho biết, bản thân anh học Vovinam nên được một anh khóa trên rủ tham gia hỗ trợ hướng dẫn một số tư thế thoát khỏi sự khống chế của kẻ xấu cho trẻ em trong buổi tuyên truyền của CLB Cỏ 4 lá Biên Hòa. Từ đó, anh thấy hoạt động ý nghĩa nên đăng ký làm thành viên với hy vọng có thể góp sức bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
Bà HOÀNG THỊ ĐOAN, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM: Yên tâm gửi trao nguồn lực
Bản thân tôi là chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống nội địa và ngoại nhập. Bên cạnh công việc kinh doanh tôi cũng muốn chia sẻ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mong muốn của tôi là có thể trao tận tay những người thật sự cần nhưng bản thân lại không thể tự làm một mình.
Tôi vô tình gặp cô Huyền, biết đến CLB Cỏ 4 Lá Biên Hòa nên tôi đã đề xuất trao tặng thực phẩm đến những người khó khăn và được cô đồng ý. Từ đó, thỉnh thoảng tôi hỗ trợ thực phẩm, cô Huyền và các thành viên CLB sẽ tổ chức nấu cho bệnh nhân tâm thần hoặc gửi trực tiếp thực phẩm đến bếp ăn của Bệnh viện tâm thần, hoặc tặng cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên tôi rất yên tâm.
Chị NGUYỄN THỊ NGỌC HIỀN, sinh viên Khoa sư phạm Khoa học tự nhiên (Trường đại học Đồng Nai): Có thêm nhiều bài học khi đến với Cỏ 4 Lá
Biết đến CLB Cỏ 4 Lá Biên Hòa do cô Huyền thành lập cách đây khoảng hơn 1 năm, tôi đã không chần chừ mà đăng ký tham gia ngay. Từ khi là thành viên của CLB, tôi có cơ hội được tham gia các buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; nấu cơm cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2; tham gia chuyến công tác xã hội đến với trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội… Bên cạnh việc có thêm những người bạn mới, rèn luyện những kỹ năng mềm cần có trong cuộc sống, với tôi mỗi hoạt động, mỗi chuyến đi, mỗi hoàn cảnh tôi gặp đều là một trải nghiệm, giúp tôi có thêm động lực để sống tốt hơn mỗi ngày.
Nga Sơn