Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh

10:04, 30/04/2022

Những ngày cuối tháng 4, từ khắp các tuyến đường lớn đến các con hẻm, từ thành thị đến nông thôn đều rợp bóng cờ Tổ quốc. Trong không khí ấy, hàng chục triệu người dân Việt Nam có cùng cảm xúc thiêng liêng xen lẫn niềm tự hào khi nghĩ về chiến thắng 30-4 cách đây 47 năm.

Những ngày cuối tháng 4, từ khắp các tuyến đường lớn đến các con hẻm, từ thành thị đến nông thôn đều rợp bóng cờ Tổ quốc. Trong không khí ấy, hàng chục triệu người dân Việt Nam có cùng cảm xúc thiêng liêng xen lẫn niềm tự hào khi nghĩ về chiến thắng 30-4 cách đây 47 năm.

Anh Thái Ngô Hiếu (giữa) tại buổi lễ trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của Trung ương Đoàn. Ảnh: C.T.V
Anh Thái Ngô Hiếu (giữa) tại buổi lễ trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của Trung ương Đoàn. Ảnh: C.T.V

Trong dòng chảy chung ấy, thế hệ trẻ Đồng Nai - những người may mắn sinh ra khi quê hương không còn tiếng súng, đất nước không còn bóng quân xâm lược nguyện một lòng tiếp bước cha anh, cùng nhau viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần bảo vệ thành quả mà lớp lớp cha anh đã phải đánh đổi bằng máu xương, nước mắt, tuổi thanh xuân và hạnh phúc cá nhân mới giành lại được.

* Hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do

Hằng năm các cấp bộ Đoàn trong tỉnh duy trì tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) gắn với các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước bằng nhiều hình thức phong phú như: hành trình tìm về địa chỉ đỏ; giao lưu nhân chứng lịch sử; thăm tặng quà gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; diễn đàn; tọa đàm; xem phim tài liệu; triển lãm ảnh, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử…

Đề án công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 xác định, công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên là nội dung trọng tâm, đột phá. Trong đó, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục triển khai các chỉ thị, đề án liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác; triển khai các giải pháp phù hợp giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh niên…

Hòa chung không khí chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Đoàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) đã tổ chức cho đoàn viên đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Vàng, ở ấp 1 và thương binh Nguyễn Văn Thiệt, ở ấp 3. Cùng tham gia chương trình, chị Nguyễn Thị Cẩm Hương, đang sinh hoạt tại Chi đoàn Trường tiểu học Thạnh Phú chia sẻ, chị không nhớ đây là lần thứ mấy đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách nhưng mỗi lần đến thăm chị lại có cảm xúc khác nhau. “Mỗi lần gặp gỡ tôi lại càng thấm thía những đóng góp, hy sinh của Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc” - chị Hương nói.

Những năm gần đây, bên cạnh việc duy trì các hình thức giáo dục truyền thống, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian mạng qua hệ thống các trang Facebook của Đoàn, Hội, Đội bằng việc đăng tải các video clip về lịch sử, các trailer, inforgraphic, poster… về các sự kiện lịch sử; tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử.

Theo chia sẻ của Bí thư Đoàn Trường đại học Lạc Hồng Lê Sơn Quang, trong dịp này, tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên và Công đoàn nhà trường phối hợp tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường sẽ tham gia trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm về các nội dung liên quan đến ngày giải phóng miền Nam cách đây gần nửa thế kỷ. Thông qua các hoạt động này nhằm tạo điều kiện để  ĐVTN hiểu thêm về nguồn cội, về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc ta. Từ đó, biết trân trọng, giữ gìn và phát huy tối đa tinh thần chiến thắng 30-4 để dân tộc Việt Nam mãi hòa bình, thịnh vượng.

* Tích cực học tập, lao động sáng tạo

Không chỉ sống với ước mơ của chính mình mà cô gái Hoàng Như Tâm Thảo, sinh viên năm 4, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường đại học Công nghệ Miền Đông còn mang theo ước mơ của cha mẹ. Tâm Thảo cho biết, cha chị làm rẫy, còn mẹ làm công nhân. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cả cha và mẹ đều không có điều kiện học lên cao. Vì vậy, từ khi còn nhỏ Tâm Thảo đã được cha mẹ định hướng sau này phải cố gắng học giỏi, có nghề nghiệp, tham gia đóng góp cho xã hội.

Đoàn viên, thanh niên ở các huyện tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn
Đoàn viên, thanh niên ở các huyện tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Nga Sơn

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Tâm Thảo đăng ký nguyện vọng và vào học ngành ngôn ngữ Anh, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế của Trường đại học Công nghệ Miền Đông. Theo chia sẻ của chị Thảo, ngành ngôn ngữ khá đặc thù, mỗi ngày ngoài giờ học ở trên lớp chị phải dành 3-4 giờ đồng hồ để luyện các kỹ năng. Chị dành phần lớn thời gian để học từ vựng, luyện đọc, nói. Ở quanh khu vực gia đình chị ở không có người nước ngoài, ít người học chuyên về tiếng Anh nên để rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, chị Tâm Thảo tự tưởng tượng ra các tình huống và cùng lúc đóng vai 2 nhân vật đối đáp nhau. Với phương pháp học tập ấy đã giúp chị đạt được thành tích 3 năm liền là sinh viên giỏi của trường.

11 năm công tác tại Viễn thông Đồng Nai, anh Trần Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (thuộc VNPT Đồng Nai) không chỉ nỗ lực học tập nâng cao trình độ, làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn có nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần làm lợi cho đơn vị. Trong đó có thể kể đến là đề tài quảng bá thương hiệu, dịch vụ viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai thông qua bản đồ Covid-19 và hệ thống quét QR code góp phần tiết kiệm chi phí quảng cáo khoảng 3,6 tỷ đồng/năm. Đề tài cũng đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo - sử dụng bản đồ đánh giá mức độ dịch để ra các quyết sách nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Hay đề tài số hóa các biểu mẫu quảng cáo, đáp ứng triển khai nhiều chế độ báo cáo khác nhau; cho phép nhập liệu, tổng hợp báo cáo bất cứ nơi nào có internet; giảm tối đa báo cáo giấy, báo cáo thủ công, tăng hiệu quả làm việc cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí… Cũng trong năm 2021, anh Đức đã cho ra đời đề tài về giải pháp quản lý cách ly F0, F1 ngay tại nhà góp phần tạo liên kết giữa người dân với chính quyền địa phương; phục vụ việc theo dõi và giám sát bệnh nhân tại nhà…

* Tình nguyện cống hiến vì cộng đồng

Tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ tâm thần, năm 2017, chị Lê Thị Lan về công tác tại Khoa Bán cấp tính nam (điều trị bệnh nhân tâm thần nam), Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. 5 năm công tác tại bệnh viện, bản thân chị không chỉ làm tốt nhiệm vụ được giao mà còn có tinh thần tình nguyện, cống hiến vì cộng đồng.

Trong đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Đồng Nai, thực hiện lời kêu gọi tham gia chống dịch của lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế, chị đã xung phong tình nguyện tham gia khám và điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 10 của tỉnh từ ngày 4-8-2021 đến ngày 6-9-2021. Chị Lan cho hay, đây là giai đoạn cao điểm dịch bệnh, bản thân chị đã cùng với đồng nghiệp ở Bệnh viện dã chiến số 10 tiếp nhận, theo dõi và điều trị gần 1 ngàn bệnh nhân trong đó có nhiều bệnh nhân diễn biến phức tạp. Mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn và nguy cơ phơi nhiễm cao nhưng với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, chị đã cùng với đồng nghiệp theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, kịp thời chuyển tầng theo quy định, góp phần giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như chuyển nặng, hầu hết bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Khi Bệnh viện Tâm thầm trung ương 2 xuất hiện ca nhiễm đầu tiên trong bệnh nhân và lan rộng ra các khoa, từ ngày 15-9-2021, chị Lan lại xung phong tham gia công tác thu dung, điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 tại Khu điều trị C2 thuộc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Theo chia sẻ của chị Lan, chăm sóc bệnh nhên Covid-19 bình thường đã vất vả, chăm sóc bệnh nhân tâm thần bị Covid-19 lại càng khó khăn và nguy hiểm hơn. Bản thân chị với vai trò phụ trách Khu điều trị C2 đã cùng đồng nghiệp bố trí Khu điều trị C2 theo mô hình chuyên điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp; áp dụng phác đồ điều trị phù hợp nhất; chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân; sử dụng các liệu pháp âm nhạc, thể dục - thể thao… giúp giảm thiểu tối đa bệnh nhân chuyển nặng. Với tinh thần tình nguyện và đóng góp của chị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tháng 3 vừa qua, chị Lan đã được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

Với hành động cứu sống 4 người bị đuối nước tại H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây, đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Trảng Bom (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai) đã trở thành cái tên được dư luận quan tâm. Theo chia sẻ của anh Hiếu, khi anh đang đi nghỉ cùng gia đình ở bãi tắm thì phát hiện có người gặp nạn. Như một phản xạ, anh lập tức bơi ra khu vực nước sâu có người gặp nạn mà không hề suy nghĩ đến việc bản thân sẽ gặp nguy hiểm, chỉ mong cứu được người nhanh nhất. Chưa kể, trong quá trình cứu người gặp nạn, anh leo qua vách đá khiến chân bị rách chảy máu nhưng không hề thấy đau cho đến khi cứu sống được 4 người. Hành động dũng cảm của anh đã được ghi nhận và lan tỏa trong cộng đồng về tinh thần dũng cảm, tình nguyện cứu người...       

Nga Sơn


Trung úy HOÀNG VĂN NGUYÊN, Trợ lý thanh niên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Chủ động, tích cực học tập lý luận chính trị

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên câu chuyện thần kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển đã chiến thắng thực dân đế quốc lớn mạnh đem lại độc lập tự do cho nhân dân, non sông nối liền một dải.

May mắn là thế hệ sinh ra khi đất nước đã không còn tiếng súng, tôi nhận thức được rằng để có được độc lập, tự do hôm nay, chúng ta đã phải hy sinh, mất mát rất lớn. Vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay cần phải nhận thức sâu sắc giá trị của hòa bình, từ đó có trách nhiệm góp sức bảo vệ thành quả cách mạng. Theo đó, cần tích cực học tập lý luận chính trị. Để làm được điều này, mỗi thanh niên cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ học tập lý luận chính trị để có tri thức, có nền tảng lý luận, có lập trường lý tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng; học tập lý luận chính trị trên tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, xuất phát từ nhu cầu tự thân… Có như vậy, mỗi người mới có khả năng nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phản động của thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Chị TRẦN THỊ THẮM, Phó chủ tịch Hội LHTN TP.Biên Hòa: Đoàn làm tốt hơn vai trò “trường học xã hội chủ nghĩa”

Thời gian qua, tổ chức Đoàn TNCSHCM đã tập hợp, giáo dục đoàn viên, thanh niên tạo ra các thế hệ đoàn viên, thanh niên có tâm huyết, có trình độ, có bản lĩnh và sống có lý tưởng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tôi cho rằng tổ chức Đoàn lại càng phải làm tốt hơn vai trò “trường học xã hội chủ nghĩa” của thanh niên. Trong đó, các cấp bộ Đoàn cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 mà trọng tâm là giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Em DƯƠNG VŨ NHẬT VY, học sinh lớp 7/8, Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa): Thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể

May mắn sinh ra trong hòa bình, không hề biết đến chiến tranh nhưng qua các thước phim tài liệu chiếu trên tivi, em cũng hiểu rằng hòa bình, thống nhất hôm nay không phải tự dưng có mà nó được đánh đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh.

Vì vậy, em nghĩ rằng không phải thế hệ chúng em mà các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay đang sống trong hòa bình cần phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ những gì mình đang có, tích cực góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Điều này không chỉ được thực hiện bằng việc hô hào khẩu hiệu mà phải bằng hành động cụ thể. Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, nhiệm vụ trước mắt của chúng em chính là cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội.

Cẩm Tú (ghi)


 

Tin xem nhiều