Để môn học Lịch sử thêm hấp dẫn, kiến thức lịch sử được khắc sâu trong tâm trí của học trò, giáo viên cần chủ động thay đổi phương pháp dạy học, liên hệ lịch sử với thực tiễn. Các hoạt động ngoại khóa, các hội thi tìm hiểu lịch sử… cũng là "chất xúc tác" quan trọng để bồi đắp thêm tình yêu lịch sử cho học sinh.
Để môn học Lịch sử thêm hấp dẫn, kiến thức lịch sử được khắc sâu trong tâm trí của học trò, giáo viên cần chủ động thay đổi phương pháp dạy học, liên hệ lịch sử với thực tiễn. Các hoạt động ngoại khóa, các hội thi tìm hiểu lịch sử… cũng là “chất xúc tác” quan trọng để bồi đắp thêm tình yêu lịch sử cho học sinh.
Học sinh tham gia vòng thi chung kết trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa lịch sử Tìm hiểu thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc của Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán). Ảnh: H.Yến |
Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán) vừa tổ chức chuyên đề ngoại khóa với chủ đề Tìm hiểu thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc dành cho học sinh khối 10. Đây là hoạt động với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học tích cực, nối liền bục giảng với thực tiễn đời sống nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.
* Hào hứng với các truyền thuyết lịch sử
Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân của Trường THPT Tân Phú đã triển khai kế hoạch từ đầu tháng 3, các lớp tập luyện, chuẩn bị cho đến khi tổ chức vòng chung kết vào 16-4. Hơn 1 tháng chuẩn bị, tìm hiểu, là khoảng thời gian tự học lịch sử bổ ích của học sinh.
Cụ thể, 12 lớp 10 cùng tham gia vòng thi sơ khảo với tên gọi Âm vang huyền sử. Đây là phần thi sân khấu hóa tái hiện lịch sử. Mỗi lớp bốc thăm chọn một trong 6 truyền thuyết lịch sử (Con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, sự tích Dưa hấu, truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy, Sơn Tinh - Thủy Tinh, sự tích Trầu Cau) để tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa, tự quay video dài tối đa 10 phút. Các video clip này được đăng tải trên fanpage Hoạt động ngoại khóa môn Lịch sử - THPT Tân Phú để kêu gọi tương tác (like, chia sẻ).
Kết thúc vòng 1, 6 đội được vào vòng chung kết tham gia 2 phần thi: Theo dòng lịch sử - trả lời các câu hỏi ngắn hoặc trắc nghiệm trong khuôn khổ kiến thức về thời Văn Lang - Âu Lạc và Em là nhà sử học - hùng biện, thuyết trình sự kiện hoặc truyền thuyết lịch sử.
Vòng chung kết thi trực tiếp tại hội trường, ngoài phần thưởng cho các đội thi, ban tổ chức còn trao giải cho các đội cổ động viên. Vì vậy, thành viên các lớp đến tham gia cổ vũ rất sôi động… Tất cả đã tạo nên không khí sôi nổi, cảm xúc hưng phấn cho hội thi. Với hơn 1 tháng tìm hiểu, chuẩn bị và cảm xúc tích cực từ hội thi, học sinh đã khắc sâu kiến thức lịch sử thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc một cách tự nhiên, hào hứng.
Em Trần Yến Vy (lớp 10A6) tham gia viết kịch bản cho video clip về Thánh Gióng và tham gia đội văn nghệ biểu diễn chào mừng trong vòng thi chung kết chia sẻ: “Các câu chuyện truyền thuyết thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc đều rất thân thuộc nhưng khi làm video clip chúng em vẫn phải tìm hiểu thêm kiến thức lịch sử liên quan để lên ý tưởng viết kịch bản. Lớp em có 38 thành viên, hầu hết các bạn đều tham gia nhiệt tình trong hoạt động ngoại khóa này. Đây là hình thức học tập có thể lôi cuốn được chúng em, giúp chúng em hiểu rõ lịch sử dân tộc hơn”.
* Cần thêm “trợ lực”
Cô Trương Thị Lệ Thanh, thành viên Ban tổ chức chuyên đề cho biết, thông qua hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về thời Văn Lang - Âu Lạc sẽ góp phần làm sáng tỏ một phần lịch sử của thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
“Chúng tôi lựa chọn chất liệu là những câu chuyện truyền thuyết nhằm giúp học sinh tìm hiểu được những đặc trưng cơ bản: tính tập thể, tính truyền miệng, tính huyền sử gắn với sinh hoạt xã hội, đời sống tín ngưỡng… thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Việc tái hiện lại sinh động các câu chuyện truyền thuyết sẽ giúp học sinh có thể hiểu rõ hơn thời kỳ lịch sử đầu tiên của dân tộc Việt Nam” - cô Lệ Thanh cho biết.
Lập fanpage cho hoạt động ngoại khóa Trường THPT Tân Phú đã lập fanpage Hoạt động ngoại khóa môn Lịch sử - THPT Tân Phú. Bằng cách đăng tải các clip trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa, kêu gọi like và chia sẻ, chỉ trong hơn 1 tháng, trang Facebook này đã thu hút hơn 3.200 lượt thích và theo dõi. Sau hoạt động ngoại khóa nêu trên, trường thường xuyên đăng tải, chia sẻ các clip, phóng sự, tài liệu về lịch sử. Giáo viên có thể dùng chính các clip trong fanpage để làm học liệu mang tính trực quan; làm cơ sở để học sinh phân tích, trình bày quan điểm. Đây đồng thời cũng là kênh tuyên truyền về lịch sử. |
Chuyên đề lịch sử này đã được sự đón nhận nhiệt tình không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh nhà trường. Thông qua việc chia sẻ trên Facebook, các câu chuyện truyền thuyết do chính học sinh tái hiện đã thu hút hàng chục ngàn lượt like, chia sẻ.
Cô Trần Thị Kim Hoa, giáo viên có 27 năm dạy học chia sẻ, theo xu hướng nghề nghiệp chung của xã hội, môn học Lịch sử ngày càng ít được quan tâm hơn. Từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT trở thành môn tự chọn, có thể số lượng học sinh chọn môn học này sẽ càng ít đi. Theo cô Kim Hoa, những hoạt động chuyên môn hấp dẫn này sẽ góp phần đưa học sinh đến với niềm yêu thích môn Lịch sử.
“Am hiểu lịch sử, trong đó có cả lịch sử thế giới là điều cần thiết trong đời sống xã hội, nhất là bối cảnh giao lưu quốc tế rộng rãi như ngày nay. Vì vậy, dù môn Lịch sử không gắn liền với định hướng nghề nghiệp thì vẫn nên được học sinh ưu tiên lựa chọn” - cô Kim Hoa cho hay. Tuy nhiên, cũng theo cô Kim Hoa, muốn có được điều này thì trước tiên giáo viên dạy lịch sử phải tự làm mới môn học, khơi gợi lòng say mê tìm hiểu lịch sử cho học sinh.
Với kinh nghiệm bản thân, cô Kim Hoa cho rằng khi dạy các sự kiện lịch sử, giáo viên nên gắn liền với các câu chuyện, đặc biệt là câu chuyên về các nhân vật, anh hùng lịch sử. Khi có người thật, việc thật thì lịch sử sẽ càng trở nên lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Để làm dược điều đó, giáo viên phải chủ động tìm kiếm tài liệu, chuẩn bị kế hoạch dạy học chu đáo...
Hải Yến