Thời gian qua, dư luận lại dấy lên tranh luận về việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông. Theo khung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới thì ở bậc THPT, môn Lịch sử là môn tự chọn.
Thời gian qua, dư luận lại dấy lên tranh luận về việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông. Theo khung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới thì ở bậc THPT, môn Lịch sử là môn tự chọn. Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng việc học sinh không lựa chọn học môn Lịch sử sẽ gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự hiểu biết về lịch sử, tình yêu nước, tự hào dân tộc của thế hệ trẻ.
Theo chương trình GDPT mới, giáo dục lịch sử được thực hiện liên tục ở cả 3 cấp học thông qua các môn Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), Lịch sử và Địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), Lịch sử (ở THPT). Trong đó, nội dung, môn học Lịch sử là bắt buộc đối với bậc tiểu học và THCS. Ở bậc THPT, Lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn Khoa học xã hội.
Trước lo ngại của dư luận xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho rằng, khi học xong THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển năng lực, phẩm chất cốt lõi. Đến bậc THPT, chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu mang tính định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp trong tương lai.
Việc thay đổi chương trình GDPT mới là rất khó, chắc chắn môn Lịch sử sẽ là môn học tự chọn ở bậc THPT. Vì vậy, để kéo học sinh đến với môn Lịch sử, giải pháp đầu tiên là giáo viên dạy môn học này phải tự đổi mới phương pháp dạy học; cho học sinh cơ hội được trải nghiệm, sáng tạo nhiều hơn, giúp các em phát huy năng lực tự học thông qua các hoạt động ngoại khóa, dạy học tích hợp, liên môn… Khi môn Lịch sử trở nên hấp dẫn thì dù không gắn liền với định hướng chọn ngành, chọn nghề, học sinh sẽ vẫn quan tâm tìm hiểu, chọn học môn này.
Thực tế, thích lịch sử và yêu thích môn học Lịch sử là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Tương tự như vậy, học sinh không chọn học môn Lịch sử không có nghĩa là không yêu thích, tìm hiểu lịch sử.
Nhiều giáo viên Lịch sử thẳng thắn cho biết, học sinh các lớp định hướng thi khối Khoa học tự nhiên thường học lịch sử tốt hơn và chủ động hơn.
Rõ ràng, nếu yêu thích lịch sử, học sinh sẽ có nhiều cách tiếp cận, tự học, tự tìm hiểu khác nhau, nhất là trong bối cảnh thuận lợi về tài liệu như ngày nay. Do vậy, không chỉ giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học mà các nhà chuyên môn, các cơ quan, ban ngành có liên quan cũng cần quan tâm sáng tạo các nội dung (sách, chương trình truyền hình, phim lịch sử…) lịch sử để làm phong phú, đa dạng nguồn tài liệu để cho học sinh, người dân chủ động tìm hiểu lịch sử Việt Nam.
Tường Vi