"Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình nhưng phải hành động để biến chúng thành hiện thực" - đó là châm ngôn sống của Nguyễn Thị Thanh Nhã (Céline Nhã Nguyễn) - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh núi Everest, theo xác nhận từ Nepal.
“Bạn có thể tin vào những giấc mơ của mình nhưng phải hành động để biến chúng thành hiện thực” - đó là châm ngôn sống của Nguyễn Thị Thanh Nhã (Céline Nhã Nguyễn) - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh núi Everest, theo xác nhận từ Nepal.
Thanh Nhã trên hành trình chinh phục Everest (Nepal) tháng 5-2022 (Ảnh do nhân vật gửi về ngày 19-5) |
Công ty chuyên tổ chức leo núi Tour Seven Summit Treks (Kathmandu, Nepal) đã xác nhận Thanh Nhã “làm nên lịch sử” khi lên đỉnh Everest thành công sáng 16-5. Nhã là thành viên của đội Summit Treks Everest Expedition 2022 và leo lên đỉnh từ hướng sườn núi phía nam (SE-Ridge). Ngày 19-5, từ trạm dừng (basecamp) Everest, Thanh Nhã thông tin với Đồng Nai cuối tuần rằng cô “vừa xuống núi và đã hồi phục sức khỏe”. Nhã cho chúng tôi hay cô dự kiến trở về lại Việt Nam trước ngày 24-5.
* “Mình hạc xương mai”...
Những ai là bạn bè ngoài đời hay trên mạng của Céline Thanh Nhã biết đến cô như là một người đã dành “cả tuổi thanh xuân” để đi đó đi đây, khám phá và trải nghiệm ở nhiều vùng đất khác nhau, đặc biệt là những nơi khắc nghiệt nhất từ châu Phi sỏi đá, Nam Cực băng giá hay mới nhất là “nóc nhà thế giới” - đỉnh Everest cao 8.849m tính từ mực nước biển thuộc dãy Himalaya, nằm ở giữa biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Nhã từng nói chinh phục Everest “là một thử thách rất lớn” và đến nay cô đã hoàn thành.
Đầu năm 2022, Thanh Nhã có chuyến đến lục địa băng giá Nam Cực để chinh phục đỉnh cao nhất của lục địa này là Vinson Massif (cao 4.892m). Trước đó, Nhã đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Elbrus “nóc nhà châu Âu” vào mùa đông và người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Carstensz ở châu Đại Dương.
|
Để trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Vinson Massif (vào đêm 3-1-2022) và trở về an toàn, Nhã kể cô đã trải qua trên 15 lần xét nghiệm Covid-19 trong suốt chuyến đi. Dĩ nhiên, đó là chuyện rất nhỏ so với bao khó khăn, thử thách dành cho một người phụ nữ Việt Nam “mình hạc xương mai” như Nhã trong hành trình leo Vinson giữa bốn bề tuyết trắng.
“Chuyến đi có khá nhiều trắc trở tưởng chừng không đi nổi, cuối cùng cũng thành công. Mình vui và tự hào vì đã cắm được cờ Việt Nam và cờ công ty mình trên ấy. Rất cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã ở bên mình, tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ để mình thám hiểm thành công” - lời tâm sự của Nhã thể hiện tình cảm của cô đối với quyết tâm chinh phục những ngọn núi trên thế giới.
* ...đánh bay sợ hãi
Thanh Nhã cho biết mỗi năm cô đều “dành thời gian hai lần nghỉ hè và nghỉ đông để đi đến những vùng đất xa xôi trên thế giới, gặp gỡ những con người ở những nền văn minh khác nhau để mở rộng nhân sinh quan hạn hẹp của mình”.
Mục tiêu của Nhã là chinh phục “Thất Đỉnh” - tức đặt chân lên 7 ngọn núi cao nhất ở mỗi châu lục trên hành tinh xanh. Hiện cô đã leo được các ngọn gồm: Kilimanjaro (châu Phi, cao 5.895m), Aconcagua (Nam Mỹ, 6.961m), Elbrus (châu Âu, cao 5.642m), Kim Tự Tháp Carstensz (châu Đại Dương, cao 4.884m), Vinson Massif (ngọn núi cao nhất châu Nam Cực - 4.892m, cũng là ngọn núi Nhã yêu thích nhất) và mới nhất là Everest. Nhã còn duy nhất đỉnh Denali (6.190m - cao nhất Bắc Mỹ) để chinh phục và trở thành phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục “Thất Đỉnh”.
Thanh Nhã (phải) cùng anh Rima (Sherpa leo núi đồng hành) tại đỉnh Everest lúc 3 giờ 30 rạng sáng 16-5 |
Ngoài sự yêu thích mạo hiểm, ý chí sinh tồn và lòng quả cảm, để vượt qua mọi sợ hãi, rủi ro, Thanh Nhã phải có sự chuẩn bị, rèn luyện thể lực kỹ lưỡng với những bài tập thể lực gắt gao, cũng như cô phải học thuần thục kỹ năng, kỹ thuật leo núi. Nhã cho biết leo lên các đỉnh núi đã khó (gian khổ nhất là đoạn summit push - ngày cuối lên đỉnh), leo xuống núi cũng vạn phần gian nan.
Với cô, “leo lên một đỉnh núi, có chăng chỉ là chinh phục bản thân và dành lòng biết ơn vì ngọn núi đã “chấp nhận” mình, cho phép mình có một khoảnh khắc được đứng trên đỉnh và chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời từ điểm cao nhất”.
Chia sẻ quan điểm về cuộc sống, Thanh Nhã bày tỏ: “Tôi hài lòng với cuộc sống của mình, tuy nhiên tôi vẫn luôn cố gắng phấn đấu hơn mỗi ngày, không ngừng ước mơ và hành động. Nếu ngừng lại, tôi sợ sẽ bỏ qua cơ hội, làm cản trở việc học hỏi và phát triển của chính mình. Tuy nhiên, duy trì được động lực, tìm ra con đường đúng đắn để đi đến mục tiêu lớn mới là hạnh phúc đối với cá nhân tôi. Vài năm gần đây, khi đặt ra tiêu chuẩn thành công của riêng mình, tôi bắt đầu học cách giảm nhẹ nỗi sợ hãi trước thất bại và dần chuyển thành sự chấp nhận để có được trải nghiệm. Biết đâu khi đi trên một con đường với tâm thế tự do, khoáng đạt hơn và biết chấp nhận sai, tôi sẽ tìm thấy nhiều con đường đến với thành công hơn”.
* Chị Vũ Phục, người bạn từ thời đại học của Thanh Nhã nhận xét: “Bạn bè rất tự hào về Nhã - một phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng, giao tiếp rất tốt và nhiều tài năng. Thoạt nhìn vẻ ngoài Nhã ra dáng “tiểu thư công chúa” nhưng lại đam mê những môn thể thao cảm giác mạnh”. * Hoàng Lê Giang, người từng leo chung chuyến Kilimanjaro ở châu Phi cùng Thanh Nhã hơn 5 năm trước cho hay, anh đã gặp lại và trò chuyện với Thanh Nhã tại Nepal mới hồi tháng 4-2022 (ảnh) - ngay trước thời điểm cô chuẩn bị leo Everest. “Từ chỗ ban đầu còn bỡ ngỡ với môn leo núi, Nhã ngày càng đam mê núi non và “khổ luyện” không ngừng để chinh phục các đỉnh núi thế giới - một điều đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, kinh phí và sức khỏe...” - anh Giang nói với Đồng Nai cuối tuần. |
Trung Nghĩa