Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ truyền thống dần ''hụt hơi'' ở đô thị

09:05, 21/05/2022

Ở những vùng nông thôn, chợ truyền thống vẫn là nơi buôn bán chủ yếu bởi nhiều lý do như: thói quen tiêu dùng của người dân, không gian rộng rãi "thuận mua vừa bán", những đặc tính riêng biệt về văn hóa…

Ở những vùng nông thôn, chợ truyền thống vẫn là nơi buôn bán chủ yếu bởi nhiều lý do như: thói quen tiêu dùng của người dân, không gian rộng rãi “thuận mua vừa bán”, những đặc tính riêng biệt về văn hóa…

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm rau củ quả tại một sạp hàng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Hải
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm rau củ quả tại một sạp hàng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó, ở các thành phố, đô thị, chợ truyền thống lại đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, cũng như các hình thức thương mại điện tử.

* Đối mặt với nhiều khó khăn sau dịch

Theo Sở Công thương, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 139 chợ đang hoạt động, trong đó có 120 chợ ở nông thôn và 19 chợ ở thành thị, tập trung phần lớn ở TP.Biên Hòa. Đại diện ban quản lý của nhiều chợ ở TP.Biên Hòa cho biết, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, người tiêu dùng dần quen với việc mua sắm online. Ngoài ra, tình hình thị trường liên tục có những biến động vì “bão giá” càng khiến cho nhiều chợ rơi vào tình cảnh ế ẩm, sức mua giảm sút.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá xăng dầu liên tục ở mức cao đã làm nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, nhất là các loại thực phẩm từ gạo, thịt, cá, rau củ quả, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… cho đến đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Điều này buộc các gia đình phải cân đối, thắt chặt lại chi tiêu, từ đó tác động trực tiếp đến sức tiêu thụ tại các chợ.

Theo Sở Công thương, trong tổng số 256 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách Hóa Xanh, Vinmart, Co.opFood, Porkshop, GS25 đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, TP.Biên Hòa là địa phương có số lượng cửa hàng tiện lợi nhiều nhất với 132 cửa hàng, chiếm hơn 50% số lượng cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống nói trên. Ngoài ra, còn có 12 siêu thị và 6 trung tâm thương mại đang hoạt động, chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa.

Chị Như Hoa, chủ một sạp kinh doanh thủy hải sản ở chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho biết, sức mua thời gian qua giảm khá nhiều, trong khi giá hàng nhập về lại thường xuyên biến động do giá xăng dầu và nhiều chi phí vận chuyển tăng cao đã “kéo” giá bán tăng theo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho sức tiêu thụ giảm, nhất là khi đối tượng khách hàng chính của chợ là công nhân, người lao động lại ngày càng thắt chặt chi tiêu vì “bão giá”.

Bà Thanh Thúy, tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Biên Hòa bày tỏ, sức tiêu thụ thời gian qua giảm khoảng 50% do đời sống người dân gặp khó khăn, nhiều người ngại đi chợ hơn so với trước đây. Trong khi đó, giá các loại trái cây biến động nhiều vì chợ ế, sức tiêu thụ thấp. Lượng hàng nhập về vì thế cũng phải cân đối kỹ lưỡng, không dám nhập hàng về nhiều.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 và “bão giá” đã tác động trực tiếp tới những cửa hàng, sạp kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ. Thậm chí, do sức mua thấp, cũng như không thể gồng gánh nổi các chi phí liên quan nên một số tiểu thương đã bỏ sạp, sang nhượng lại sạp hoặc chuyển về nhà riêng để kinh doanh.

* Chậm chân trước những xu hướng tiêu dùng mới

Nếu ví thị phần hàng hóa giữa các mô hình bán lẻ là chiếc giỏ hàng của người nội trợ thì trong giai đoạn hiện nay, ở các thành phố, đô thị, những hình thức kinh doanh hiện đại đang dần thể hiện ưu thế mạnh mẽ, đặc biệt dưới áp lực của đại dịch. Trong khi đó, hình thức mua sắm ở các chợ nói chung và các sạp hàng tạp hóa truyền thống nói riêng đang ngày một lép vế khi xu hướng tiêu dùng chuyển sang các hình thức mua bán hiện đại để tránh tiếp xúc trực tiếp quá nhiều giữa người mua - người bán, cũng như dần hướng tới các kênh mua hàng trực tuyến.

Nhìn chung, hình thức mua sắm tại các chợ, sạp bán hàng truyền thống vẫn chủ yếu là mua trực tiếp hoặc mua gián tiếp; không gian mua sắm tại các chợ vẫn còn nhỏ, một số nơi chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh. Những điều này khiến cho nhiều mô hình chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ gặp những khó khăn, sức mua giảm khi vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại.

Người dân chọn mua các loại bánh kẹo, thực phẩm khô tại một sạp hàng ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa)
Người dân chọn mua các loại bánh kẹo, thực phẩm khô tại một sạp hàng ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa)

Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay sức mua tại chợ khá chậm, giảm khoảng 40% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong đó, giảm mạnh nhất là các sạp hàng như giày dép, quần áo… Ngay cả những mặt hàng thực phẩm, gia vị… sức mua có khả quan hơn nhưng nhìn chung cũng giảm sút nhiều từ sau dịch khi phải cạnh tranh với sự phát triển của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sự xuất hiện của các khu, điểm bán hàng tự phát…

Đặc biệt, khi số lượng địa điểm, độ đa dạng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng lớn với giá cả cạnh tranh, thì giỏ hàng của người nội trợ sẽ chọn mua nhiều hàng hóa ở các kênh bán lẻ hơn thay vì kì kèo bớt một thêm hai ở các chợ.

Trước đây, người tiêu dùng, nhất là những người nội trợ ở các đô thị vẫn thường lui tới các chợ để mua hàng thì hiện nay, đặc biệt là sau dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, trái cây… ở chợ cũng giảm mạnh, chứ chưa nói đến các mặt hàng như: quần áo, giày dép, vali, túi xách, mỹ phẩm… ở các chợ vốn đã hụt hơi khi phải cạnh tranh với các cửa hàng hiện đại, siêu thị, các hình thức mua hàng qua mạng…

Bà N.T.M.L, chủ sạp bán giày dép ở chợ Biên Hòa bày tỏ: “Tình hình kinh doanh từ sau dịch gặp nhiều khó khăn, sức mua chỉ đạt khoảng 20-30%, có ngày lác đác chỉ vài khách hàng ghé sạp. Đặc biệt hiện nay, sạp còn phải cạnh tranh khốc liệt với hình thức mua hàng online, trong khi tôi cũng có tuổi rồi, vốn đã quen với việc buôn bán, giao dịch theo kiểu truyền thống, không rành về công nghệ…”.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng “phủ sóng” rộng khắp khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm so với trước đây. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất. Để tồn tại, mô hình chợ truyền thống trong các đô thị cần tự làm mới mình, không để “hụt hơi” quá xa so với các kênh bán lẻ hiện đại.

Bà Ngọc Vy (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây ở Biên Hòa chỉ có một số siêu thị như: Cora (BigC ngã tư Vũng Tàu ngày nay), Metro (MM Mega Market Biên Hòa ngày nay), Co.opmart Biên Hòa và khoảng cách rất xa nhà nên việc mua sắm ở các siêu thị chưa phổ biến như ở chợ.

“Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên rất nhiều, đi khoảng 1-2km là có. Do đó, tần suất mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi của tôi cũng tăng lên thay vì mua sắm ở các chợ. Trung bình mỗi tuần, tôi đều đến mua sắm tại siêu thị từ 1-2 lần. Siêu thị cái gì cũng có mà mua sắm rất tiện lợi, mát mẻ. Ví dụ cùng là chai nước mắm, gói mì ăn liền nhưng hàng hóa ở đây rất đa dạng, có nhiều loại để lựa chọn hơn quầy tạp hóa, sạp chợ, lại còn thường xuyên có chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng thêm quà, giao hàng trực tuyến... Do đó, để các chợ truyền thống có thể cạnh tranh với hệ thống siêu thị thì cần có sự đổi mới về hình thức bán hàng, đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ cần niềm nở, không chặt chém, bán đúng giá niêm yết…” - bà Vy chia sẻ thêm.

Hải Hà


Ông VÕ VĂN PHI, Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa:

Sức mua tại chợ từ sau dịch Covid-19 đến nay giảm khá nhiều, thường chỉ tập trung vào dịp cuối tuần hoặc một số dịp lễ, Tết, còn những ngày trong tuần chợ khá vắng, nhu cầu tiêu thụ chậm, bão hòa. Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh giày dép, quần áo, vải vóc, túi xách… ở tầng lầu của lồng chợ, tình hình kinh doanh ế ẩm, chủ yếu kinh doanh, giao dịch với các mối quen.

Trong thời gian tới, chợ sẽ chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền về nâng cao thái độ phục vụ niềm nở trong hoạt động kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, đảm bảo duy trì thường xuyên, công tác bình ổn giá, bán đúng giá niêm yết và chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng tới xu thế tiêu dùng văn minh, hiện đại; từng bước giữ vị thế và nâng cao sức cạnh tranh của các sạp hàng bán lẻ truyền thống trong bối cảnh cạnh tranh với sự mở rộng của chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…

Chị DƯƠNG THỊ HƯƠNG HUYỀN, chủ một quầy bán túi xách, vali các loại ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa):

Tôi đã bán được hơn chục năm nay nhưng thực sự thấy năm nay việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Từ sau đợt dịch Covid-19 đến nay, lượng khách và sức mua tại sạp giảm khoảng 50% so với trước đây. Đặc biệt khi giá nhiều mặt hàng tăng cao do vật giá “leo thang” càng khiến cho sức mua giảm mạnh. May là sạp hàng của tôi là sạp nhà đã mua lâu năm, không phải tốn tiền thuê nên tôi cũng cố gắng cầm cự, duy trì hoạt động kinh doanh.       

  Hoàng Hải (ghi)


 

 

Tin xem nhiều