Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô giáo dạy sử đam mê công tác Đoàn

10:05, 20/05/2022

Bén duyên với công tác Đoàn, cô Chu Thị Hằng (Bí thư Đoàn trường THPT Long Thành) đã có nhiều thuận lợi để tận dụng thế mạnh của giáo viên dạy môn Lịch sử để thiết kế, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Cùng với đó, cô khuyến khích, tạo sân chơi để học sinh tham gia các CLB giúp phát huy năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp.

Bén duyên với công tác Đoàn, cô Chu Thị Hằng (Bí thư Đoàn trường THPT Long Thành) đã có nhiều thuận lợi để tận dụng thế mạnh của giáo viên dạy môn Lịch sử để thiết kế, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Cùng với đó, cô khuyến khích, tạo sân chơi để học sinh tham gia các CLB giúp phát huy năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp.

Cô Chu Thị Hằng, Bí thư đoàn Trường THPT Long Thành giới thiệu với học sinh về cột mốc chủ quyền Hoàng Sa. Ảnh: H.Yến
Cô Chu Thị Hằng, Bí thư đoàn Trường THPT Long Thành giới thiệu với học sinh về cột mốc chủ quyền Hoàng Sa. Ảnh: H.Yến

Không chỉ là cán bộ Đoàn năng động, cô Hằng còn là giáo viên dạy giỏi. Năm 2021, cô được tuyên dương Nhà giáo trẻ tiêu biểu. Vừa qua, cô dự thi và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

* Phát huy thế mạnh của giáo viên Lịch sử

Chưa từng làm cán bộ Đoàn trong suốt những năm học phổ thông và đại học nên cô Hằng chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình “bén duyên” với công tác Đoàn và ngày càng nhiệt huyết với tổ chức. Năm 2017, cô được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn trường THPT Long Thành và gắn bó với phong trào Đoàn cho đến nay.

Cô Hằng tâm sự: “Ban đầu, bản thân tôi hơi e ngại khi tham gia công tác Đoàn. Tôi đã có gia đình, con còn nhỏ mà các hoạt động của Đoàn lại thường tổ chức vào ngày nghỉ, có khi phải đi đêm về hôm. Tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến gia đình. Khi đó tôi cũng khá trầm tính, ít tham gia công tác xã hội nên ông xã cũng không mấy ủng hộ tôi làm công tác Đoàn”.

Thầy TỪ NGỌC LONG, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành nhận xét: “Cô Chu Thị Hằng là giáo viên nhiệt tình, sáng tạo, qua 5 năm liên tiếp làm Bí thư Đoàn trường, cô đã có nhiều thành tích, đóng góp chung cho sự phát triển của trường. Cô cũng là giáo viên giỏi chuyên môn, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2022. Trước đó, năm 2020, cô được tuyên dương 2 danh hiệu là: Nhà giáo trẻ tiêu biểu và Bí thư Đoàn trường THPT tiêu biểu”.

Tuy vậy, khi bắt tay vào tổ chức các phong trào, hoạt động, được gần gũi với học trò nhiều hơn, cô giáo trẻ này nhận thấy bản thân ngày càng năng động, tự tin, trưởng thành hơn trong các mối quan hệ xã hội. Bản thân cô cũng học hỏi được nhiều kỹ năng, nhất là các kỹ năng giao tiếp đứng trước đám đông.

Điều quan trọng hơn là với chức trách của Bí thư Đoàn trường, cô có nhiều cơ hội để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho học trò mà trong phạm vi các tiết học Lịch sử của lớp học thì không thể làm được.

Hằng năm, Đoàn trường THPT Long Thành thường tổ chức các hoạt động như: hội thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, tuyên truyền về biển đảo, tuyên truyền dưới cờ về lý tưởng cách mạng gắn với các ngày lễ lớn. Đoàn trường còn phối hợp cùng huyện đoàn mời các nhân chứng lịch sử về trường để nói chuyện với học sinh; thực hiện các hoạt đông như: chăm sóc đình Phước Lộc, đền tưởng niệm liệt sĩ; thăm các gia đình chính sách trong huyện…

Là giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo, cô Hằng cùng với Ban chấp hành Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào ý nghĩa, góp phần đem lại nhiều thành tích cho nhà trường. “Các hoạt động phong trào này cứ cuốn tôi vào một cách vô hình. Cứ như vậy, tôi yêu thích hoạt động Đoàn từ lúc nào cũng không hay. Những thành tích đạt được trong quá trình công tác lại càng thúc đẩy tôi làm tốt hơn nữa. Chồng tôi cũng chuyển sang ủng hộ tôi hết lòng. Các hoạt động phải đi xa đều có chồng theo “tháp tùng”, những chuyến công tác ngoài giờ hành chính cũng không bị giới hạn về thời gian” - cô Hằng vui vẻ kể.

* Đưa Hoàng Sa, Trường Sa đến gần học sinh

Với khát khao đưa Hoàng Sa, Trường Sa đến gần hơn với học sinh, tháng 4-2021, cô Hằng đề xuất làm công trình thanh niên mô hình Cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ở khu vực sân trường. Ngay khi trình bày ý tưởng này, cô đã được thầy Từ Ngọc Long, Hiệu trưởng nhà trường đồng ý. Thầy cũng là người đầu tiên ghi vào sổ vàng ủng hộ công trình thanh niên này.

“Tôi muốn Hoàng Sa, Trường Sa gần gũi hơn với học sinh. Các con số về tọa độ phải hiện hữu, sờ được, cảm nhận được và chính học sinh là những người chung tay để làm nên ý tưởng này. Thật may là công trình thanh niên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Huyện ủy, Huyện đoàn, Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh, tập thể giáo viên và học sinh. Nhờ đó, kể từ khi lên ý tưởng cho đến khi công trình hoàn thành chỉ vỏn vẹn trong 1 tháng” - cô Hằng chia sẻ.

Công trình này đã được Tỉnh đoàn tặng bằng khen công trình thanh niên tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Để phát huy ý nghĩa giáo dục của cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, trong năm học tới, Đoàn trường sẽ phối hợp với các tổ bộ môn tổ chức các tiết học trải nghiệm tại khu vực này, góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Không chỉ là Bí thư Đoàn năng động, cô Hằng còn là giáo viên dạy giỏi, có nhiều sáng tạo. Mới đây, cô Hằng tham gia và đạt giáo viên dạy giỏi bậc THPT cấp tỉnh. Chia sẻ về hội thi, cô Hằng cho biết: “Tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ hội thi. Đó là tinh thần đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông mới; dạy học lấy học sinh làm trung tâm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”.

Cô Hằng cho biết, điều mà bản thân cô tâm đắc nhất là đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển giao nhiệm vụ học tập nhằm đề cao tính tự học của học trò. Cô sử dụng các công cụ như Padlet, Quizizz để cung cấp tư liệu cho học trò tham khảo, thu thập ý kiến của các em trước mỗi tiết học. Cách làm này giúp cô đo lường được kiến thức và cách nhìn nhận, tiếp cận vấn đề của học trò để có định hướng phù hợp cho các em trong tiết học.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩn