Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội lớn cho ngành logistics

10:05, 14/05/2022

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động không chỉ đóng vai trò lớn trong kết nối giao thông mà còn là đòn bẩy, thúc đẩy hàng loạt ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành logistics.

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động không chỉ đóng vai trò lớn trong kết nối giao thông mà còn là đòn bẩy, thúc đẩy hàng loạt ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành logistics.

Với hệ thống cảng biển và sân bay Long Thành, ngành logistics Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Long Bình Tân
Với hệ thống cảng biển và sân bay Long Thành, ngành logistics Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Long Bình Tân

Quy hoạch sớm các trung tâm logistics hàng không

Theo kế hoạch, năm 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Chính vì vậy, dự án này được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội lớn để ngành logistics của Đồng Nai phát triển.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, Đồng Nai rất may mắn khi được Chính phủ quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành trên địa bàn. Đây là sân bay quốc tế đóng vai trò kết nối giao thương, trong đó có giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế và ngược lại.

“Để có được một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bộ thì không chỉ nỗ lực từ mỗi phía tỉnh Đồng Nai là có thể làm được mà cần phải có những hợp tác liên kết vùng với các địa phương lân cận. Từ đó, tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh, giúp dòng hàng từ các nơi có thể đến được sân bay Long Thành một cách nhanh chóng. Điều này sẽ giúp cho chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu và các nguyên, phụ liệu nhập khẩu về Việt Nam được thực hiện nhanh chóng hơn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước phát triển” - PGS-TS HỒ THỊ THU HÒA cho biết.

“Với sân bay Long Thành, khu vực phía Nam đã có thêm một điểm kết nối giao thương hàng hóa lớn bằng đường hàng không bên cạnh điểm giao thương kết nối bằng đường biển là cảng biển Cái Mép - Thị Vải” - ông Nguyễn Duy Minh chia sẻ.

Chính vì vậy, để có thể thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh dựa vào tiềm năng của sân bay Long Thành, ông Ngô Duy Minh cho rằng, cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ. Cụ thể, khi quy hoạch phát triển sân bay thì cũng cần có quy hoạch phát triển các trung tâm logistics, hậu cần hàng hóa hàng không.

PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã rất chủ động tiếp nhận những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là của Hàn Quốc trong việc phát triển vùng phụ cậnsân bay Long Thành. Đây là hướng đi đúng đắn. Với tầm vóc của sân bay Long Thành, để phát triển tốt ngành logistics, bà Hòa cho rằng, Đồng Nai cần tính toán đến yếu tố liên kết vùng để có thể quy hoạch phát triển các trung tâm logistics.

Theo đó, Đồng Nai cần xem xét, đánh giá các địa phương lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đang có những quy hoạch, kế hoạch phát triển logistics như thế nào để có tính toán hợp lý. Đồng thời, Đồng Nai cũng cần tính đến những phương án phát triển hệ sinh thái logistics, từ đó có thể thu hút các doanh nghiệp logistics đến cung cấp các dịch vụ tại chính sân bay Long Thành trong tương lai. “Chúng ta có một hạ tầng tốt nhưng không có các tiện ích, doanh nghiệp, nguồn lực ngành logistics thì không thể phát huy được nguồn lực của sân bay Long Thành” -  PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa đánh giá.

Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, khu vực phía Nam có 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và đặc biệt là trung tâm logistics chuyên dụng cho hàng không sẽ được xây dựng. Trên cở sở này, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam đã tư vấn cho TP.HCM 7 vị trí xây dựng các trung tâm logistics. Trong số này có 2 vị trí tại khu vực P.Linh Trung, TP.Thủ Đức và Khu công nghệ cao tại TP.Thủ Đức là những trung tâm logistics chuyên dụng cho hàng không phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay và sân bay Long Thành trong tương lai. Trong khi đó, đối với Đồng Nai, bà Hòa cho rằng, việc quy hoạch phát triển các trung tâm logistics, trong đó có các trung tâm logistics chuyên dụng cho hàng không đang tỏ ra khá chậm chân.

Tính toán đúng quy mô nguồn hàng, ngành hàng

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai hiện đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi năm. Theo ông Nguyễn Duy Minh, với kim ngạch xuất khẩu như trên, việc tính toán nguồn hàng để phát triển ngành logistics phục vụ cho sân bay Long Thành cần có tầm nhìn mở rộng ra toàn vùng phía Nam của đất nước, kết nối với cả khu vực Tây nguyên. “Không chỉ nên nhìn ở con số khoảng 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai mà phải nhìn trên con số khoảng 686 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của toàn khu vực phía Nam” - ông Nguyễn Duy Minh chia sẻ.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Gò Dầu (H.Long Thành)
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Gò Dầu (H.Long Thành)

Bên cạnh tính toán nguồn hàng, ông Nguyễn Duy Minh cho rằng, Đồng Nai cần xác định đúng để thu hút đầu tư đối với các ngành hàng có nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không. Với yếu tố này, các ngành hàng xuất khẩu nông sản giá trị cao, hàng điện tử, hàng công nghệ cao là những lĩnh vực cần thu hút đầu tư. “Quỹ đất là có hạn, do đó nếu không thu hút đúng nhà đầu tư ngay từ đầu thì sẽ mất đi cơ hội phát triển” - ông Nguyễn Duy Minh cho hay.

Tương tự, với nguồn hàng phục vụ cho sân bay Long Thành, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa đánh giá, không chỉ tính đến nguồn hàng trong nước, Đồng Nai còn phải tính toán đến nguồn hàng quá cảnh từ Campuchia thì mới tối ưu được hiệu quả của sân bay Long Thành cũng như mở ra cơ hội phát triển cho ngành logistics.

Với tầm nhìn phát triển ngành logistics theo hướng liên kết vùng, bà Hòa cho rằng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng và là yếu tố quan trọng để quyết định thành công. Bởi một trong những yếu tố quan trọng, đánh giá hiệu quả hoạt động logistics là vấn đề thời gian.

Do đó, muốn thu hút hàng hóa đến sân bay Long Thành thì cần tính toán đến hạ tầng giao thông kết nối sẽ được phát triển như thế nào. Với xu thế phát triển vận tải đa phương thức thì mạng lưới giao thông kết nối phải chú trọng trên tất cả các loại hình từ đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa.

“Chúng ta phải làm để đảm bảo luồng hàng có thể tiếp cận sân bay Long Thành một cách nhanh chóng nhất. Điều này tạo nên năng lực cạnh tranh rất tốt cho sân bay Long Thành trong tương lai” - PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều
Dịch vụ vận chuyển Vteco Logistic Gửi hàng đi Quảng Trị an toàn xe nâng điện 1 tấn giá rẻ Công ty Cbay Logistics nhập hàng Trung QuốcKhác biệt giữa chuyển phát hỏa tốc và chuyển phát thường