Phân luồng học sinh sau THCS là một trong những mục tiêu lớn được ngành GD-ĐT đặt ra nhằm phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động. Đây là mục tiêu phù hợp với xu thế hiện nay, khi hằng năm, tỷ lệ học sinh không vào được các THPT vẫn còn đến 30%. Số học sinh này sẽ đi đâu, làm gì nếu không được nhà trường, gia đình định hướng kịp thời?
Phân luồng học sinh sau THCS là một trong những mục tiêu lớn được ngành GD-ĐT đặt ra nhằm phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động. Đây là mục tiêu phù hợp với xu thế hiện nay, khi hằng năm, tỷ lệ học sinh không vào được các THPT vẫn còn đến 30%. Số học sinh này sẽ đi đâu, làm gì nếu không được nhà trường, gia đình định hướng kịp thời?
Thực tế những năm qua cho thấy, đã và đang có sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh và bản thân học sinh trong việc lựa chọn nghề để học sau khi tốt nghiệp THCS. Không còn tình trạng “kén cá chọn canh”, nặng tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ” nên tìm mọi cách để cho con vào học các trường THPT, phụ huynh giờ đây đã nắm sát hơn năng lực của con em mình đồng thời chủ động tìm hiểu môi trường các trường nghề trên địa bàn. Tỷ lệ phụ huynh đến tận các trường nghề để đăng ký cho con em mình theo học gia tăng đáng kể. Tại Đồng Nai, theo thống kê của một số trường nghề, có đến 90% phụ huynh trực tiếp đến trường nộp hồ sơ cho con. Đây là một tín hiệu vui, chứng tỏ sự thay đổi trong nhận thức của những bậc làm cha làm mẹ đồng thời cũng cho thấy, trường nghề ngày càng chứng tỏ được độ “hot” của mình bằng chính uy tín trong đào tạo.
Không ít trường nghề tại Đồng Nai thời gian qua đã “vượt lên chính mình” bằng cách chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác với những nước có thế mạnh về đào tạo nghề như Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Học viên tham gia các khóa đào tạo nghề này sau thời gian được học tập tại Đồng Nai còn có cơ hội sang chính những nước có liên kết đào tạo để học tập, thực hành, thậm chí là ở lại làm việc. Một số trường nghề trong tỉnh, số học viên tốt nghiệp hằng năm không đủ để cung ứng cho thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp phải “đặt hàng” từ trước đó rất lâu mới đến lượt. Thu nhập của những thợ lành nghề là con số đáng mơ ước đối với nhiều người tốt nghiệp đại học hiện nay.
Cơ hội cho trường nghề và học viên học nghề rộng mở cũng chính là điều kiện thuận lợi để công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đạt được mục tiêu, ý nghĩa đề ra.
Minh Ngọc