Anh Nguyễn Văn Long (37 tuổi) được mọi người gọi là "dị nhân" trong làng chạy bộ xuyên Việt. Anh là cựu vận động viên marathon tuyển Việt Nam từng giành huy chương vàng Đông Nam Á năm 2007 và vô địch marathon quốc gia nhiều năm.
Anh Nguyễn Văn Long (37 tuổi) được mọi người gọi là “dị nhân” trong làng chạy bộ xuyên Việt. Anh là cựu vận động viên marathon tuyển Việt Nam từng giành huy chương vàng Đông Nam Á năm 2007 và vô địch marathon quốc gia nhiều năm.
“Dị nhân” Nguyễn Văn Long khi về đến TP.HCM |
5 tháng chuẩn bị và xuất phát vào ngày 10-4, anh Long đã thực hiện chuyến chạy bộ xuyên Việt từ Móng Cái, Quảng Ninh, dự kiến đến ngày 13-5 sẽ đến mũi Cà Mau. Hành trình dài hơn 2,8 ngàn km này nhằm kết nối phong trào chạy bộ cả nước và gây quỹ thiện nguyện vì trẻ em nghèo. Hành trình ý nghĩa này của anh Long nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của truyền thông cũng như cộng đồng đam mê môn chạy bộ ở các tỉnh, thành. Nhân dịp này, anh Nguyễn Văn Long đã có những chia sẻ cùng Đồng Nai cuối tuần về một hành trình nhiều đích đến của mình.
“Dị nhân” là biệt danh và cũng là niềm tự hào
Anh đam mê môn chạy bộ từ khi nào và việc lựa chọn trở thành vận động viên chuyên nghiệp đến với anh ra sao?
- Long vốn sinh ra ở Gia Lai, một vùng quê mà bạn biết đấy, sinh sống bằng nông nghiệp là chủ yếu. Cuộc sống bằng nông nghiệp xưa nay rất khó khăn nên Long muốn làm sao thoát ra được nó. Ngoài làm nông, cuộc sống cũng có thể mở ra cho chúng ta những con đường khác để vào đời, với Long, chạy bộ là sự lựa chọn, dù đến giờ này, mình cũng còn rất nghèo (cười!)
Trong hành trình ngày thứ 29 qua Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Long được cán bộ, công nhân viên của Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) chạy tiếp sức, động viên từ H.Trảng Bom đến TP.Biên Hòa. Ảnh: V.THẾ |
Từ hồi còn đi học, Long rất thích môn chạy bộ và có năng khiếu với nó nên muốn thử sức. Bắt đầu từ Gia Lai, Long trở thành vận động viên chạy bộ của tỉnh, rồi lần lượt kinh qua các CLB, các tỉnh, thành khác, tham gia rất nhiều giải chạy của các đơn vị khác nhau tổ chức. Giải thưởng nhiều nhưng quan trọng hơn là được sống và theo đuổi đam mê.
“Dị nhân” là biệt danh mà bạn bè, giới truyền thông nói về anh sau những điều anh đã “cống hiến” trong làng chạy bộ. Điều này đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
- Thực ra đó là biệt danh mà báo chí đặt cho Long chứ tôi không tự nhận như vậy. “Dị nhân” bởi lẽ hầu như nhiều giải chạy lớn, nhỏ tôi đều cố gắng tham gia và cũng đoạt giải. Khác với các vận động viên khác, xuất phát từ Gia Lai nhưng tôi đã thi đấu cho nhiều tỉnh, thành khác ở Tây nguyên, miền Nam và cả Đồng Nai trong một giai đoạn dài. Không có ai đầu quân nhiều đơn vị như tôi, chắc vì lẽ đó mà họ gọi tôi là “dị nhân”.
Dù là biệt danh nhưng đối với tôi, đây là sự trân trọng mà mọi người dành cho tôi, là niềm vui vì không phải dễ dàng có được. Nhìn lại sau nhiều năm, tôi đã “được” quá nhiều từ chạy bộ và điều quý giá nhất vẫn là tình cảm, sự chân thành, sẻ chia tôi có được trên mỗi hành trình.
Hơn 1 tháng nay, anh đang thực hiện chuyến chạy bộ xuyên Việt. Mục đích, ý nghĩa của chương trình này là gì?
- Trước khi thực hiện chương trình này, Long cùng bạn bè đã thực hiện chương trình thiện nguyện Áo ấm cho em và nhận được rất nhiều hưởng ứng. Thăm các trại trẻ mồ côi, những bé có hoàn cảnh rất khó khăn, thương tâm, Long thấy cuộc đời vẫn dành cho mình nhiều may mắn. Có gia đình, có vợ con, có cuộc sống vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với các hoàn cảnh khó khăn ấy.
Chính vì vậy, Long lên ý tưởng và mong muốn thực hiện chuyến đi của cuộc đời, kết nối và chia sẻ bạn bè, người đam mê bộ môn chạy bộ khắp cả nước. Nếu bản thân có khả năng gì thì nên chia sẻ điều đó và kết nối cộng đồng với nhau. Không những thế, cộng đồng sẽ chung tay để chia sẻ bớt cho trẻ em khó khăn, mồ côi hoặc khuyết tật.
Ngoài việc gây quỹ, chuyến chạy này còn mong muốn kết nối để gắn kết cộng đồng chạy bộ trên cả nước và cùng nhau lan tỏa thông điệp chạy bộ đến nhiều người.
Theo anh, phong trào chạy bộ ở Việt Nam hiện nay ra sao?
- Chắc có lẽ chỉ mới phát triển, tôi muốn dùng việc chạy bộ của tôi để kết nối các cộng đồng runner (những người chạy bộ) lại với nhau, từ đó mọi người sẽ cảm thấy là: “Anh này chạy được như vậy, sao mình lại không chạy 1-2km”. Dần dần mọi người sẽ có mục tiêu và đến với việc vận động, chạy bộ mỗi ngày.
Khi mọi người hiểu được giá trị của việc chạy bộ là đem lại niềm vui, sức khỏe và giúp sống tích cực hơn sẽ là chất xúc tác tích cực để thúc đẩy nó như một lẽ tự nhiên. Với chương trình này, Long muốn gắn kết các CLB, cộng đồng runner trên khắp cả nước để chung tay thực hiện, lan tỏa nó.
Điều đọng lại sau cùng là sự sẻ chia và kết nối
Nhưng để có thể thực hiện được chuyến đi như vậy đâu phải là điều đơn giản?
- Thật sự gặp nhiều khó khăn chứ. Trước hết là sự dị nghị của rất, rất nhiều người. Điều này không vui lắm vì có những người cho rằng kế hoạch của Long là điều điên rồ, là sự khuếch trương để lấy tiếng và rồi cuối cùng sẽ khó mà thành hiện thực.
Nhưng Long nghĩ rằng, với mục đích tốt đẹp, sự ủng hộ của bạn bè, CLB trên khắp cả nước, tôi phải làm và sẽ thành công. 5 tháng chuẩn bị là khoảng thời gian khá dài. May mắn Long nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có những chủ doanh nghiệp tài trợ, vận động thêm các mạnh thường quân khác tham gia, góp sức nên có thể nói là chuyến đi này thật sự đúng đắn.
Trong hành trình chạy bộ qua các tỉnh, thành, thời tiết có phải là rào cản với anh?
- Mỗi ngày, Long bắt đầu chạy bộ từ 4 giờ sáng, sau đó ăn sáng lúc 8 giờ, 9 giờ tiếp tục chạy cho đến 11 giờ 30. Buổi chiều xuất phát lúc 14 giờ và kết thúc hành trình chạy bộ trong ngày vào 18 giờ 30. Bình thường sẽ chạy từ 8-10 giờ/ngày và chạy từ 90-100km. Cũng có ngoại lệ là ở Quảng Trị, tôi chạy 102km như là một chuyến chạy có một không hai từ trước tới nay.
Anh Nguyễn Văn Long trên đường chạy qua TP.HCM |
Tuy lịch trình được lập trình sẵn nhưng vừa khởi động xong để bắt đầu ngày mới thì trời đổ mưa. Khi đó, buộc phải xuất phát trễ hơn và tăng tốc cho kịp số km cần vượt qua trong ngày. Đó là áp lực không nhỏ, thời tiết thất thường, khi nắng khi mưa nên ảnh hưởng đến việc chạy, ảnh hưởng cả sức khỏe. Thực tế là lúc chạy đến miền Trung, chân của Long bị đau, đến Gia Lai cũng phải tạm nghỉ 2 ngày mới tiếp tục hành trình được.
Dù mệt thế nào nhưng sau tất cả, cứ mỗi lần thức dậy vào sáng mai, mọi mệt mỏi tan biến và Long lại háo hức để tiếp tục hành trình của mình như ngày mới bắt đầu.
Sau tất cả, nhìn lại hành trình 1 tháng qua, điều đọng lại sâu sắc đối với anh là gì?
- Vui lắm, vì không ngờ tôi đã thực hiện được chuyến chạy bộ để đời như vậy. Càng vui hơn nữa là sự lan tỏa mà chương trình mang lại. Qua mỗi địa phương, Long đều được đón tiếp, ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng chạy bộ khắp nơi. Thậm chí, họ cùng chạy với Long, đưa Long qua địa phương khác “bàn giao” và như vậy, phần nào chuyến đi của tôi đã kết nối được cộng đồng chạy bộ trong cả nước. Long như trở thành anh em, người nhà của họ, đây mới thực sự là điều ý nghĩa.
Từ chuyến đi này, sẽ gợi mở hơn nữa cho Long để có thể thực hiện các chương trình khác trong tương lai một cách bài bản hơn.
Xin cảm ơn anh!
Vương Thế (thực hiện)