Báo Đồng Nai điện tử
En

Đấng thiêng của K'Min

09:05, 14/05/2022

Câu chuyện thú vị xung quanh một thiếu nhi người Mạ. Xin thưa ngay đó là truyện dài dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thái Hải, người đã thành danh về mảng đề tài viết cho thiếu nhi từ trước năm 1975.

NXB Đồng Nai, quý III-2021

Câu chuyện thú vị xung quanh một thiếu nhi người Mạ. Xin thưa ngay đó là truyện dài dành cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thái Hải, người đã thành danh về mảng đề tài viết cho thiếu nhi từ trước năm 1975. Rất nhiều sách viết cho thiếu nhi của ông được biết đến như: Chiếc lá thuộc bài, Cha con ông Mắt Mèo, Cánh chuồn kim biếc, Thằng heo sữa, Những trái sao xoay, Những sợi tóc nâu của mẹ, Khu vườn hạnh phúc, Hai con diều bay thấp, Bầy Nai tung tăng trên đồng cỏ, Khí phách Biên Hùng, Má và con… Có những tập truyện in trước năm 1975 trong tủ sách Tuổi Hoa được tái bản mấy năm gần đây. Chi tiết này cho thấy, tác giả Nguyễn Thái Hải viết về thiếu nhi, cho thiếu nhi xuất phát từ cái tâm của mình và có giá trị lâu dài. Tâm tình ông cho biết, ước mơ của ông là có một nhà sách chuyên bán sách cho thiếu nhi. Một trong những việc làm rất có ý nghĩa của ông trong thời gian gần đây là ông viết sách danh nhân Đồng Nai theo đơn đặt hàng của NXB Đồng Nai về mảng sách truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải còn có bút danh khác là Khôi Vũ viết cho đối tượng bạn đọc là người trưởng thành, trong đó cuốn Lời nguyền hai trăm năm được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuốn sách Nguyễn Thái Hải viết cho thiếu nhi Đấng thiêng của K’Min là truyện dài hơn 100 trang, một câu chuyện thú vị, hấp dẫn về nhân vật trung tâm là K’Min, người dân tộc Mạ, một trong số ít dân tộc thiểu số bản địa là cư dân lâu đời trên đất Đồng Nai mà theo GS Trần Quốc Vượng trong cuốn Một góc nhìn Địa - Văn hóa đưa ra giả thiết rằng có thể có một Vương quốc Mạ ở Đồng Nai khi khảo sát thánh địa Cát Tiên, sông La Ngà, truyện kể trồng tre đằng ngà ngăn kẻ thù và biến âm thành La Ngà.

Nhân vật trong truyện dài, trừ truyện ký viết về người thật, việc thật; thường dựa vào một nguyên mẫu nào đó để hư cấu và đọc cuốn Đấng thiêng của K’ Min nói đến việc một nhạc sĩ đã cao tuổi tên Cao đi về vùng Tà Lài, Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) để ký âm các bài hát dân gian dân tộc Mạ. Nhạc sĩ Trần Viết Bính, có công trình nghiên cứu âm nhạc người Mạ, Châu Ro, S’tiêng… ở Đồng Nai, được giải thưởng nhà nước, có thể là một gợi mở để nhà văn Nguyễn Thái Hải khai thác thành tựu nghiên cứu để dẫn ra trong truyện các bài dân ca của dân tộc Mạ, coi như là một sự lưu giữ. Hơn thế nữa, nhà văn Nguyễn Thái Hải còn là nhạc sĩ, có nhạc phẩm viết về Biên Hòa - Đồng Nai được phổ biến rộng rãi.

Cốt truyện trong cuốn Đấng thiêng của K’ Min hấp dẫn ở chỗ, từ chuyến đi thực tế của nhạc sĩ Cao, về vùng Tà Lài, Nam Cát Tiên tác nghiệp, gặp gia đình em K’Min, có cha K’Bao là trạm trưởng Kiểm lâm, phát hiện 3 kẻ lạ mặt đi “phượt” có hành tung đáng nghi ngờ là săn voi lấy ngà, được đưa vào “tầm ngắm” theo dõi nhưng cuối cùng chính 3 người đi phượt này phát hiện một nhóm 4 người  khác săn bò tót theo đơn đặt hàng của một nhà giàu tổ chức đám cưới cần món thịt bò tót đãi khách. 2 người trong nhóm 4 người xấu săn bò tót này bị bắt và sẽ được xử lý.

Cuốn sách tạm chia làm 4 chương chính: Người Mạ sinh ra từ đá, Ơi con chim B’rling, Rừng là đấng thiêng, Muốn ăn măng thì chui vào bụi và đoạn cuối kết thúc truyện dài. Cùng với màu sắc câu chuyện mang chất trinh thám, ly kỳ - nhóm người bị nghi ngờ chính là nhóm người có công - xen lẫn những bài dân ca Mạ mang tính nhân văn:

Muốn ăn măng thì chui vào bụi/ Muốn bắt dê thì hãy vào chuồng/ Muốn thành người cầm đầu phải nhìn đến dân.

Ông K’ Bao dạy con K’ Min:

- Người Mạ khuyên con cháu phải biết làm việc để sống, không ngồi ăn sẵn, không lấy của Trời, phải biết chia sẻ với mọi người…

Câu chuyện về một em thiếu nhi người Mạ, đời sống người Mạ có giá trị cho mọi người...

Trần Phi Châu

Tin xem nhiều