Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động đứng vững trên "đôi chân" của mình bằng quá trình đổi mới công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, "đem chuông" về giữ thị phần trên sân nhà.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước cần chủ động đứng vững trên “đôi chân” của mình bằng quá trình đổi mới công nghệ, không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, “đem chuông” về giữ thị phần trên sân nhà.
Gian hàng quảng bá các sản phẩm địa phương của Đồng Nai tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành diễn ra vào cuối năm 2021. Ảnh: Hải Hà |
Qua đó, ngày càng chiếm lĩnh, nâng cao sức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa để người tiêu dùng trong nước quan tâm nhiều hơn, dần chuyển từ ưu tiên sang tin dùng hàng Việt.
* Nỗ lực mở rộng thị phần
Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới có sự biến đổi, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều DN Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng ngày càng quan tâm phát triển thị phần ở thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, là một trong những DN của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động marketing và thường xuyên cập nhật mẫu mã sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh thị trường ở các tỉnh, thành phía Nam, công ty còn mở rộng thị trường ra phía Bắc. Ngoài các kênh phân phối, bán hàng truyền thống như: siêu thị, các đại lý, hệ thống cửa hàng phân phối, các quầy tạp hóa, trạm dừng chân…, công ty còn chủ động mở rộng các kênh bán hàng online để giúp khách hàng thuận tiện mua sắm và tiếp cận sản phẩm.
Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Đồng Nai, hàng Việt ngày càng có sự thích nghi với nhu cầu thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Các DN trong nước cần tiếp tục chú trọng về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, nâng cao tính thân thiện, an toàn cho sản phẩm… Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, hiện trên các kệ hàng của siêu thị, tỉ lệ hàng Việt chiếm khá cao. Đặc biệt, đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm Việt, có xuất xứ trong nước chiếm hơn 90% trên kệ hàng. Nguồn cung các mặt hàng này khá ổn định, đa dạng. Mẫu mã, chất lượng của hàng Việt được nâng cao rõ rệt và ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dung trong thời gian qua.
Bà Phạm Hồng Nhung (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), một khách hàng thường xuyên chọn mua các sản phẩm hàng Việt như: sữa, bánh kẹo, thời trang… chia sẻ, điểm mạnh của các sản phẩm Việt là gần gũi với các gia đình truyền thống. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh và phát triển hơn nữa cần đổi mới trong khâu trung gian và hệ thống phân phối. Bởi các khâu này chiếm tỉ trọng cao, dẫn đến giá cả chưa thật sự cạnh tranh, trong khi các sản phẩm ngoại nhập chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt mà giá chỉ tương đương hoặc chênh lệch ít.
* Cần thêm nhiều hoạt động kết nối, quảng bá
Để người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt đòi hỏi các DN trong nước không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, đồng thời cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương…
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, người tiêu dùng ngày nay càng khắt khe hơn, đòi hỏi hàng Việt phải tiệm cận về mặt chất lượng, mẫu mã với hàng hóa của khu vực và thế giới. Trong đó, bên cạnh các thương hiệu hàng Việt đã lớn mạnh, tinh thần hàng Việt cần được nhân rộng tới các DN nhỏ và vừa trong nước để vươn lên phát triển về quy mô, thương hiệu trong thời gian tới.
Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, nhiều chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng Việt, nhất là đối với các sản phẩm thế mạnh của địa phương được triển khai. Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương, việc ra mắt khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh hay việc ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Đồng Nai (ecdn.vn) giúp tạo điều kiện để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, từ đó kết nối, tạo thêm cơ hội để các sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều hơn với khách hàng, đối tác…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Công thương và các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch chung của giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, trong đó có các hình thức trực tuyến nhằm mở rộng đối tượng DN tham gia kết nối giao thương và đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19...
Hải Hà