Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn 'khát' lao động

11:05, 20/05/2022

Từ đầu năm đến nay, thực trạng doanh nghiệp (DN) "khát" lao động để khôi phục và mở rộng sản xuất vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều DN đã nỗ lực vượt khó sau đại dịch, ổn định sản xuất nhưng lại gặp trở ngại lớn vì thiếu lao động.

Từ đầu năm đến nay, thực trạng doanh nghiệp (DN) “khát” lao động để khôi phục và mở rộng sản xuất vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều DN đã nỗ lực vượt khó sau đại dịch, ổn định sản xuất nhưng lại gặp trở ngại lớn vì thiếu lao động.

Người lao động đến tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.Mai
Người lao động đến tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai. Ảnh: L.Mai

Đại diện nhân sự Công ty TNHH Elite Long Thành cho hay, do thiếu lao động, công ty phải tổ chức đoàn đến các tỉnh Gia Lai, Đồng Tháp để tuyển lao động. Từ sau Tết đến nay, công ty đã tuyển dụng được khoảng 600 lao động nhưng vẫn thiếu công nhân may mặc để lấp đầy các chuyền sản xuất.

* Khó hút lao động

Hỗ trợ nhà trọ, về tận quê tuyển người, cam kết các khoản thưởng…vẫn chưa đủ “sức hút” để DN tìm được người lao động (NLĐ) vào làm việc. Chị Nguyễn Thị Mơ, nhân viên nhân sự Công ty TNHH Phẩm Hoành (TP.Biên Hòa) cho hay, công ty hiện có trên 100 lao động làm việc tại các xưởng gỗ. Hiện hàng hóa rất dồi dào song việc tuyển dụng lao động không hề dễ dàng. Do thiếu lao động nên việc sản xuất các mặt hàng gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng rất lớn. Mặt khác, trước Tết, nhiều lao động đã nghỉ việc về quê đến nay vẫn chưa trở lại làm việc nên hầu như các xưởng đều thưa thớt lao động làm việc, nhất là lao động phổ thông.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dự báo trong năm 2022, Đồng Nai cần trên 130 ngàn lao động, trong đó cần hơn 100 ngàn lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các sàn việc làm, nỗ lực kết nối với các tỉnh để hỗ trợ công tác tuyển dụng, tìm kiếm nguồn lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và sản xuất của các DN.

Trong khi đó, tại Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP.Biên Hóa), một số xưởng may phải ngừng hoạt động do thiếu lao động. Theo DN, trước đây, công ty có trên 200 lao động làm việc ổn định. Tuy nhiên, sau đợt dịch, do lao động nghỉ việc nhiều nên hiện tại, toàn công ty chỉ còn trên 100 lao động. Những ngày qua, DN đã đăng tải thông tin tuyển dụng bằng nhiều hình thức nhưng rất khó để tìm kiếm được nguồn lực. Một số máy may phải “trùm mền” tại xưởng để đợi lao động vào làm việc. Việc thiếu lao động cũng ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN thời điểm này.

Chị Hồ Thị Ngọc Mai, nhân viên nhân sự công ty cho hay, công ty đang tuyển lao động không giới hạn về số lượng cùng nhiều chính sách phúc lợi và thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng, lương khởi điểm gần 5 triệu đồng/người. Do việc tuyển dụng lao động khó khăn nên công ty kêu gọi toàn thể công nhân giới thiệu người thân, bạn bè làm việc và có hình thức thưởng để khuyến khích, thu hút lao động đầu quân vào công ty. “Đơn hàng dồi dào sau đại dịch là một tín hiệu vui với DN và NLĐ, song việc thiếu lao động đang là trở ngại lớn của DN trong việc tăng cường sản xuất cũng như cam kết các đơn hàng đúng hạn với khác hàng” - chị Mai bày tỏ.

Để tuyển dụng đủ 2 ngàn công nhân may lấp đầy các chuyền sản xuất, Công ty TNHH Elite Long Thành đã đưa ra mức lương, chế độ đãi ngộ tốt với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng. Ngoài ra, lao động đến tham gia tuyển dụng sẽ được tặng 50 ngàn đồng khi vào phỏng vấn, tặng 500 ngàn đồng sau thời gian thử việc, tặng tiếp 500 ngàn đồng ngay khi ký hợp đồng và phụ cấp chuyên cần 300 ngàn đồng/tháng và hỗ trợ 6 tháng tiền thuê trọ, đưa đón từ tỉnh lên, hỗ trợ tìm phòng trọ… Tuy nhiên, số lao động tìm đến phỏng vấn làm việc vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN.

* Đẩy mạnh các sàn việc làm

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong quý I-2022, các DN ở Đồng Nai cần tuyển dụng hơn 50 ngàn lao động, trong đó đa số là lao động phổ thông. Dù nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN rất lớn, song NLĐ tìm việc rất hạn chế. Cụ thể, trong các sàn việc làm gần đây, các DN chỉ tuyển dụng được khoảng 150-200 lao động. Ngoài lao động phổ thông, lao động có tay nghề ở các ngành nghề cơ khí, điện cũng rất hạn chế.

Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cho hay, tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều người đã chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc hoặc đã chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, NLĐ chưa được đào tạo để đáp ứng được tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Ngoài ra, các chính sách thu hút, tuyển dụng của DN chưa hấp dẫn trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao nhưng lương của NLĐ còn thấp do 2 năm qua chưa tăng.

Các xưởng sản xuất thiếu lao động tại Công ty TNHH MTV Chính Túc (P.Hóa An, TP.Biên Hòa)
Các xưởng sản xuất thiếu lao động tại Công ty TNHH MTV Chính Túc (P.Hóa An, TP.Biên Hòa)

Chị Nguyễn Thị Minh, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho hay, ngay từ đầu năm 2022, DN đã có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong ngành may mặc với số lượng không giới hạn. Mặc dù làm đủ mọi cách, kể cả nhờ nhiều sự hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực, nhưng đến nay DN vẫn rất thiếu người.

“Việc khan hiếm lao động là trở ngại của các DN hằng năm, song riêng năm nay, việc tìm kiếm lao động vô cùng khó khăn. Do đó, ngoài tuyển thêm lao động, việc tăng các chính sách để giữ chân đội ngũ lao động đang làm việc tại công ty cũng rất quan trọng để ổn định sản xuất” - chị Minh bày tỏ.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho hay, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 7 sàn việc làm hỗ trợ DN tuyển dụng lao động và hỗ trợ lao động thất nghiệp tìm được việc làm. Các sàn giao dịch việc làm thu hút một số đơn vị tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất như: may mặc, giày da, vật liệu xây dựng, vận tải... tuyển dụng nhiều vị trí việc làm, song số lượng lao động tham gia sàn rất ít so với nhu cầu tuyển dụng của các DN. Trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để kết nối việc làm với NLĐ và DN. Ngoài ra, tư vấn, giới thiệu việc làm cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm và 5 văn phòng đại diện các huyện, thành phố, tạo mọi điều kiện để NLĐ sớm quay lại thị trường lao động.

Lan Mai

Tin xem nhiều